Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em

Ngày 22-5, VKSND quận 4, TP HCM, hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang tòa cùng cấp để đưa ra xét xử ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Ông Linh nguyên là Viện Phó VKSND Đà Nẵng vừa về hưu năm ngoái. Ông này bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 BLHS 2015, khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Trước đó, liên quan đến tội “Dâm ô với trẻ em”, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận kháng nghị GĐ thẩm của Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM, hủy bản án 18 tháng tù treo của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên bản án 3 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủ, 78 tuổi. Phán quyết này được đưa ra chỉ sau 2 tuần từ khi TAND Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán xem xét bản phúc thẩm vì cho rằng tòa phúc thẩm xử chưa nghiêm minh, chưa đúng tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo Thủy.

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2017-2018, có 2.643 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên trong báo cáo cũng nêu, đây là những số đã xử lý hình sự.

Luận ra, trong Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi dâm ô trẻ em là hành vi được thực hiện bằng các hành động như ôm trẻ em, sờ mó hoặc hôn hít vào bộ phận sinh dục, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ; bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người phạm tội. Vẫn có trường hợp người phạm tội có hành vi thô bạo khi dâm ô trẻ em nhưng với tâm lý sợ người thân không tin mình nên nạn nhân thường im lặng hoặc một thời gian lâu sau đó mới kể lại cho người thân nghe, lúc này các dấu vết của bạo lực không còn nữa. Đó cũng là lý do, chứng cứ vật chất hầu như không có. Trong khi đó, chứng cứ vật chất là chứng cứ có tính khách quan cao nhất, có giá trị chứng minh cao nhất. Chứng cứ nếu có, chủ yếu là gián tiếp và thường rất mờ nhạt.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm cho rằng, cần tăng cường bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại, trong đó cần bổ sung thêm các hành vi xâm hại như: Nhìn hoặc bắt nhìn; nói chuyện dâm ô; động chạm, sờ mó vào cơ thể của trẻ em dưới 16 tuổi, dụ dỗ sex, cưỡng bức sex. Đồng thời, phải tăng chế tài đối với người có hành vi phạm tội. Sau khi chấp hành án xong về cộng đồng cần giám sát, định vị, cấm không được đến gần trẻ em. Người từng phạm tội phải đeo thiết bị định vị, buộc phải ở một khu vực, nơi cố định, an toàn cho trẻ em. Bộ huật Hình sự quy định về tội dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi còn chung chung, nhiều hành vi bị bỏ qua... Ở các nước phát triển, tất cả các hành vi nói trên đều là xâm hại trẻ em và không cấu thành vật chất mà cấu thành hình thức ngay từ khi phạm tội chưa thành.

Trước tình trạng này, tại chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và đại biểu biểu Nguyễn Trọng Bình đã đề nghị: “Tôi đề nghị thời gian tới Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường giám sát và trong năm 2020, khi xây dựng chương trình giám sát, Quốc hội đưa vào chương trình giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em”.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-sat-toi-cao-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-cham-soc-tre-em-149434.html