Giám sát trách nhiệm Chủ tịch UBND của 28 tỉnh ven biển

Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NN-PTNT kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND 28 tỉnh ven biển việc thực hiện Luật Thủy sản, chống khai thác trái phép.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản về chống khai thác IUU. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản về chống khai thác IUU. Ảnh: Minh Phúc.

Chống khai thác IUU, tỉnh phạt nặng, tỉnh nương tay

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, với 9 nhóm khuyến nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, về thể chế pháp luật thủy sản, Ủy ban Châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, còn 3 nhóm vấn đề tồn tại cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất, chúng ta vẫn có tàu cá vi phạm vùng biển của nước ngoài. Nếu không ngăn chặn được việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp, chúng ta không những không khắc phục được thẻ vàng mà còn bị phạt thẻ đỏ.

“Các doanh nghiệp chia sẻ, khi EC cảnh báo thẻ vàng, hàng thủy sản của Việt Nam nhập vào thị trường EU bị kiểm dịch rất nghiêm ngặt, thậm chí mất hàng tuần, chi phí rất lớn. Một số doanh nghiệp cảm thấy oải”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thứ hai, về truy xuất nguồn gốc thủy sản, hiện Việt Nam chưa thực hiện tốt. Lý do là hệ thống cảng cá của Việt Nam chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu nhân lực nên không thể kiểm soát tàu cá ra vào cảng, phân loại thủy sản và số lượng đánh bắt. “Đoàn thanh tra của Ủy ban EC đi kiểm tra từng kho, họ rất rõ ràng và minh bạch chứ không phải chỉ nghe báo cáo”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định pháp luật về thủy sản của các tỉnh không giống nhau, khi phát hiện vi phạm trong hoạt động khai thác cá, có tỉnh thì xử phạt, có tỉnh không xử phạt, có tỉnh chỉ nhắc nhở. Tới đây phải chấn chỉnh lại vấn đề này.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã nói, bây giờ phải giải quyết vấn đề hạn ngạch tàu cá, không thể để tiếp diễn thời kỳ khai thác cá theo phong trào được. Năm 2018, khi tôi về công tác tại Bộ NN-PTNT có tới 110.000 tàu cá, bây giờ giảm xuống chỉ còn 94.600 tàu. Tuy nhiên, nếu siết hạn ngạch tàu khai thác cá thì lại động chạm đến lợi ích, đời sống của ngư dân. Vậy phải có cơ chế để ngư dân chuyển nghề, đẩy mạnh hoạt động nghề nuôi biển.”

Năm 2018, có tới 110.000 tàu cá, bây giờ giảm xuống chỉ còn 94.600 tàu.

Với một đất nước có vùng biển rộng 1 triệu km2, nếu chúng ta chỉ nuôi biển 500km2 thì đã có sản lượng rất lớn. Và chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng nuôi biển sẽ đạt 2 triệu tấn.

‘Giảm sản lượng khai thác thủy sản mới là thành tích’

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong số 28 tỉnh ven biển thì có 26 tỉnh có cảng cá. Việc đầu tư xây dựng cảng trong thời gian vừa qua là rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Bên cạnh đó, các Chi cục Thủy sản có phòng Quản lý tàu cá, nghề cá nhưng số lượng nhân lực chỉ từ 2 đến 5 người. Với số lượng tàu cá lớn như vậy, không thể triển khai nhiệm vụ được giao có hiệu quả được.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết: Lực lượng thực thi pháp luật thủy sản trên biển của chúng ta cũng đang quá mỏng và yếu. Ta có tới 28 tỉnh ven biển, nhưng hiện nay chỉ có 97 tàu kiểm ngư, trong đó có 25 cái to, còn lại là xuồng. Lực lượng Kiểm ngư chỗ thì thuộc Sở, chỗ thì thuộc Chi cục Thủy sản”.

Ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản). Ảnh: Minh Phúc.

Ở ngoài khơi, chúng ta có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và hải quân. Tuy nhiên, vùng lộng gần bờ không được kiểm soát chặt chẽ, bởi vậy không ít tàu cá chưa tuân thủ quy định pháp luật về khai thác thủy sản. Mặc dù trong năm 2020, các cơ quan chức năng đã xử phạt 42 tỷ đồng các vụ vi phạm pháp luật về thủy sản, tuy nhiên, số vụ vi phạm ở vùng lộng gần bờ là rất ít. Đây là một lỗ hổng, cần phải tăng cường vấn đề này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trung, cả nước hiện đã đầu tư 83 cảng cá, nhưng mới chỉ công bố được 59 cảng theo Luật Thủy sản, và 47 cảng đạt tiêu chuẩn tối thiểu để xác nhận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, điểm cốt lõi hiện nay là phải thay đổi nhận thức của ngư dân trong thực thi pháp luật về thủy sản. Bởi, có những việc rất đơn giản như đăng ký tàu cá ra vào cảng cũng còn thiếu sót; hay việc ghi nhật ký khai thác trên biển, mới chỉ có 30 – 50% tàu cá chấp hành.

“Vừa rồi Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có định hướng chỉ đạo từ năm 2021 trở đi, chúng ta sẽ giảm dần sản lượng khai thác, tăng dần sản lượng nuôi trồng thủy sản để tăng dần nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên, tôi rất đồng tình. Hiện nay, nhiều ngư dân cũng đã nhận thức được rằng, nếu không làm được điều này thì khoảng 5 – 10 năm nữa, ngành khai thác cá của chúng ta sẽ sập”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm thủy sản từ khai thác

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) lưu ý: “Phải khẳng định, việc chúng ta thực hiện các khuyến nghị của EC liên quan đến các cảnh báo thẻ vàng, không phải là chúng ta chạy theo EC khi giải quyết những góc độ về công tác quản lý nghề cá. Mà hiện nay chúng ta đang tập trung các giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản từ khai thác”.

Đến thời điểm hiện nay, có 27 quốc gia đã bị EC phạt thẻ vàng, 6 quốc gia bị phạt thẻ đỏ. Đối với nhóm quốc gia phạt thẻ vàng, chỉ có 7 quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa khắc phục được những khuyến nghị của EC. Trong khi đó, ngành thủy sản của Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về lĩnh vực khai thác thủy sản, đây là điều bất cập.

Trong quá trình giải quyết các khuyến nghị của EC, chúng ta còn nhiều sơ hở ở tổ chức bộ máy quản lý khai thác thủy sản; việc quản lý các đội tàu khai thác cá chưa gắn với quản lý nguồn lợi thủy sản.

Tuy đã có 85% tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên vẫn còn tình trạng tàu cá ngắt kết nối dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát. Đáng chú ý, năm 2020 có 59 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng chúng ta chỉ xử phạt 5 tàu thôi, còn hơn 50 tàu không xử phạt được. Điều rất vô lý.

Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ: Nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm, cường lực khai thác tăng cao trong thời gian qua dẫn đến hiệu quả sản xuất của nghề khai thác hải sản giảm, nhưng chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức trong công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng bảo quản và giá trị sản phẩm thủy sản khai thác.

Tình hình tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản như: Sử dụng ngư cụ cấm, hoạt động đánh bắt hải sản sai vùng, trái phép ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bởi vậy, định hướng trọng tâm của ngành thủy sản trong năm 2021 là khai thác hải sản trên biển theo hướng hạn chế tăng sản lượng, phù hợp với nguồn lợi, áp dụng tiến bộ khoa học trong bảo quản sản phẩm để gia tăng giá trị, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, tăng cường hiển diện dân sự trên biển, chống khai thác trái phép.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động khai thác trên biển; ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác theo IUU, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Tham mưu cho Bộ tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND 28 tỉnh ven biển việc thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó tập trung vào các khuyến nghị của EC tại các địa phương về chống khai thác thủy sản trái phép theo IUU.

Minh Phúc - Phạm Hiếu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giam-sat-trach-nhiem-chu-tich-ubnd-cua-28-tinh-ven-bien-d286267.html