Giám sát việc chi ngân sách

Chi ngân sách luôn là vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh nợ công cao, nhiều dự án được đầu tư xong lại đắp chiếu. Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) đã trao đổi với báo chí cụ thể về vấn đề này.

Ông Võ Thành Hưng.

PV: Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán. Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Ông Võ Thành Hưng: Có nhiều thách thức đối với thu NSNN. Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%. Bên cạnh đó còn do nền ước thu năm 2017 để tính dự toán thu năm 2018 cao. Thực tế thực hiện, thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018. Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành có số nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế TNDN 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);...

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương, vào thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng; thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng; đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017).

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa, thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%). nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).

Được biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu?

- Đúng vậy, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giam dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.

Thưa ông, chi NSNN luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội, vậy trong lĩnh vực chi NSNN thì những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành tài chính, thưa ông?

- Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách bao gồm: Thứ nhất là kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài... đội chi phí lên cao.

Về cơ cấu lại chi NSNN, thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi cho con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/giam-sat-viec-chi-ngan-sach-tintuc422008