Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Ngày 18/9, ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng đoàn công tác đến huyện Lấp Vò giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE).

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp làm việc với UBND huyện Lấp Vò

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp làm việc với UBND huyện Lấp Vò

Trong thời gian qua, huyện Lấp Vò đã triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống XHTE bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, bản tin trên đài truyền thanh; tăng cường giới thiệu rộng rãi đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em cho mọi người biết để thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi XHTE; tổ chức, duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững… Qua đó đã tác động đến nhận thức của trẻ, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân; tác động đến nhận thức và hành động của các gia đình, nhà trường, ban ngành đoàn thể ở địa phương và xã hội về việc phòng, chống XHTE.

Tính trong thời gian từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, trên địa bàn huyện Lấp Vò có 20 trẻ bị xâm hại tình dục. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường là người quen, người thân họ hàng của trẻ lợi dụng mối quan hệ quen biết, sự ngây thơ của trẻ, cùng sự chủ quan, chưa quản lý, chăm nom tốt của cha mẹ các em để dụ dỗ, xâm hại tình dục trẻ em…

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hòa – Trưởng đoàn giám sát ghi nhận tinh thần trách nhiệm của UBND huyện Lấp Vò trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE; đồng thời đề nghị UBND huyện cần tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các mô hình bảo vệ trẻ em trên đị bàn để rút kinh nghiệm thực hiện ngày càng tốt hơn nhằm giảm đến mức thấp nhất việc trẻ em bị xâm hại.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn giám sát đã đến làm việc với UBND huyện Cao Lãnh. Trong những năm qua, huyện Cao Lãnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định về chính sách, pháp luật phòng, chống XHTE. Trong quá trình thực hiện có sự giám sát, hướng dẫn chặt chẽ của ngành chuyên môn nên tình hình XHTE trên địa bàn huyện giảm dần theo từng năm và đạt được các mục tiêu đề ra.

Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Cao Lãnh

Trong gần 5 năm qua có 31 trẻ trên địa bàn huyện Cao Lãnh bị xâm hại (2 trẻ bị bạo lực gia đình gây thương tích, 29 trẻ bị xâm hại tình dục). Đối tượng thực hiện hành vi XHTE là những người có quen biết với trẻ em, hàng xóm, người thân trong gia đình. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là trẻ sống trong gia đình có các vấn đề như cha mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa để trẻ sống với ông bà đã lớn tuổi, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc, quản lý chặt chẽ của người thân…

Khó khăn trong xử lý những vụ xâm hại tình dục trẻ em là gia đình và người bị hại không trình báo kịp thời, các dấu vết xâm hại không còn, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, thu giữ vật chứng để làm căn cứ chứng minh tội phạm. Một số trường hợp các bên liên quan tự thương lượng thỏa thuận, không trình báo cơ quan chức năng, từ đó gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Cao Lãnh kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định giải quyết việc đăng ký khai sinh đối với trường hợp trẻ em là con của phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài mà không ghi chú kết hôn tại Việt Nam, trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh tại nước ngoài đã có quốc tịch nước ngoài và trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài nhưng chưa đăng ký khai sinh do hoàn cảnh không sinh sống ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam để tạo điều kiện cho trẻ đi học, bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ và tránh cho trẻ các nguy cơ bị xâm hại.

Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, địa bàn huyện Cao Lãnh rộng, đông dân hơn các địa phương khác, huyện đã có nhiều cố gắng làm tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE và đề nghị trong thời gian tới, huyện Cao Lãnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác này để bảo vệ trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước. Những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, đoàn ĐBQH ghi nhận, tập hợp để kiến nghị đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn trong thực tế cho các địa phương.

Thanh Trúc

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em-86738.aspx