Giảm tắc đường bằng “xã hội hóa taxi, xe ôm”

QĐND Online - Dư luận cả nước đang chờ đợi những giải pháp cấp bách hạn chế tắc đường ở nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

QĐND Online - Dư luận cả nước đang chờ đợi những giải pháp cấp bách hạn chế tắc đường ở nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài những giải pháp lâu nay đã bàn, tôi xin đề xuất một ý tưởng mới, đó là chúng ta nên thực hiện chủ trương “xã hội hóa taxi, xe ôm” ở nội đô hai thành phố lớn, nghĩa là tạo điều kiện cho tất cả ô tô, xe máy đều có thể làm taxi, “xe ôm” chở những người đi cùng tuyến.

Biện pháp thực hiện “xã hội hóa taxi, xe ôm” rất đơn giản: Chỉ cần đặt thêm biển báo hướng đi về từng tuyến đường bên cạnh các nhà chờ xe buýt. Ai cần đi về đâu sẽ đứng chờ dưới biển báo đó và những người đi ô tô, xe máy đều có thể vào đón những người đi cùng đường với mình (xem sơ đồ).

Sơ đồ một tuyến đường có điểm chờ “xe ôm tình nguyện”.

Để làm được việc này, nhà nước cần mở đợt tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh của địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể triển khai vận động ở mọi cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp, khu dân cư… làm cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa tác dụng của việc “xã hội hóa taxi, xe ôm”, từ đó sẵn sàng làm “taxi, xe ôm tình nguyện”.

Bên cạnh đó vận động những người được đi nhờ tự giác trả tiền xăng cho người chở mình (có thể quy định giá cước của hình thức “taxi, xe ôm” này bằng hoặc gấp đôi giá vé xe buýt). Vì tiện đường nên chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng làm “taxi, xe ôm” để vừa giúp đỡ người khác, vừa góp phần hạn chế nạn tắc đường, lại vừa có thêm tiền đổ xăng.

Đối với đa số người dân thì vài nghìn đồng cũng là đáng quý. Thực tế là lâu nay khá nhiều người trên đường đi làm bằng xe máy vẫn chủ động rẽ vào các điểm chờ xe buýt mời “có đi xe ôm không, rẻ thôi!”. Nếu một người thường xuyên đi làm bằng xe máy mỗi tháng có thể thu nhập thêm từ 200.000 đồng trở lên và số tiền này không nhỏ đối với người lao động.

Mặt khác, đây cũng là việc làm tốt mà xã hội cần biểu dương. Khi đã thành nếp quen, những người không tự giác làm “taxi, xe ôm tình nguyện” sẽ bị phê phán, ngồi một mình trên xe sẽ tự cảm thấy ngượng với cộng đồng.

Hiện nay đại đa số người dân thành phố đi ô tô, xe máy một mình, nếu “xã hội hóa taxi, xe ôm” lượng xe sẽ giảm đáng kể, hạn chế cảnh tắc đường như thế này.

Thiết nghĩ, trong điều kiện đường nội đô chật hẹp như hiện nay thì nhiều người sẽ chọn “taxi, xe ôm tình nguyện” vì đi nhanh hơn xe buýt (xe buýt cồng kềnh khó xoay xở và hay dừng đỗ để đón, trả khách, thậm chí nhiều lúc còn là nguyên nhân gây tắc đường).

Nếu ý tưởng “xã hội hóa taxi, xe ôm” được thực hiện thì lượng phương tiện cá nhân lưu thông trên đường phố sẽ giảm đáng kể vì nhiều người sẽ cất xe của mình ở nhà để đi “taxi, xe ôm tình nguyện”, hoặc không cần mua xe nữa (bớt tốn kém; không phải lo chỗ để xe, gửi xe…). Khi đã quen với việc đi “taxi, xe ôm tình nguyện”, những người thường xuyên đi cùng tuyến đường sẽ tìm được bạn đồng hành và cùng nhau chia sẻ chi phí mua xăng.

Chủ trương “xã hội hóa taxi, xe ôm” vừa giảm được ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho cả người dân và nhà nước (nhà nước cũng giảm đáng kể đầu tư cho vận tải hành khách công cộng).

Trong lúc nạn tắc đường ở 2 thành phố lớn đang ngày càng gia tăng và vô cùng bức xúc mà các cơ quan chức năng nhiều năm qua chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả, nếu tổ chức tuyên truyền vận động tốt, chắc chắn chủ trương này sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét và tổ chức thực hiện thí điểm “xã hội hóa taxi, xe ôm” trên một vài tuyến đường, nếu thấy hiệu quả thì triển khai nhân rộng.

Bài và ảnh: CÁT HUY QUANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/167090/Default.aspx