Giảm thiểu ô nhiễm không khí nhìn từ phương tiện cá nhân

Các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa thông tin về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã ở mức khá cao, không kiểm soát được. Có 2 vấn đề chính người dân cần biết, đó là: Ô nhiễm không khí mới phát sinh gần đây hay đã xảy ra từ lâu? Nguồn gốc ô nhiễm không khí từ đâu và có thể hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm được không?

Người dân vừa là “nạn nhân” vừa là “tác nhân”

Theo tổng hợp nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thì ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã xảy ra từ khoảng 20 năm trở lại đây, bắt đầu từ khi ồ ạt xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung dân cư về Hà Nội. Năm 2003 - 2004, Hà Nội đã tiến hành đề tài nghiên cứu về ô nhiễm bụi, kết quả cho thấy ô nhiễm bụi đã xảy ra ở diện khá rộng.

Số liệu sử dụng trong báo cáo này được lấy từ các trạm đo tự động, từ các đợt quan trắc công phu, không chỉ xác định nồng độ bụi mà còn phân tích, tính toán nồng độ các nguyên tố, các ion, các chất hydro carbon có trong các loại bụi kích thước nhỏ, dễ xâm nhập sâu vào cơ thể người như bụi PM10 (kích thước động học dưới 10mcm), bụi PM2,5 (kích thước động học dưới 2,5mcm). Số liệu thu thập đủ lớn, phương pháp xử lý hiện đại nên kết quả đưa ra đáng tin cậy. Các tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh quốc gia được sử dụng để đánh giá nên kết quả đủ tính pháp lý.

 Thời gian qua không khí Hà Nội thường xuyên bị khói bụi bao phủ. Ảnh: Chiến Công

Thời gian qua không khí Hà Nội thường xuyên bị khói bụi bao phủ. Ảnh: Chiến Công

Tiếp sau đó, có một số công trình nghiên cứu khác đã cho thấy Hà Nội đã bị ô nhiễm không khí ở nhiều nơi. Do có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng không khí và thay đổi cách đánh giá dùng chỉ số chất lượng không khí (viết tắt tiếng Anh là AQI) gần với cách đánh giá của Mỹ nên cách đánh giá chất lượng không khí chính thống của Việt Nam đã được định hình theo hướng dẫn ở Quyết định số 1459/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng Cục môi trường. Hiện tại, Hà Nội có một số trạm đo liên tục (theo từng giờ) các chất, trong đó có cả bụi mịn PM2,5.

Dựa theo kết quả đo, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã tính AQI cho từng giờ và đưa lên mạng để mọi người biết thực trạng ô nhiễm và tìm cách hạn chế tác động. Đến bây giờ, chúng ta đã có kênh chính thống đăng tải chất lượng không khí Hà Nội và được truyền hình đưa tin trong các bản tin thời tiết. Ô nhiễm không khí ở mức kém, xấu, thậm chí rất xấu đã xảy ra trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người hoang mang, nhất là khi ô nhiễm không khí có thể gây những bệnh tật, tử vong sớm.

Vấn đề đặt ra ở đây và cần giải quyết, đó là: Nguyên nhân của ô nhiễm từ đâu, do nguồn nào gây nên, mỗi người chúng ta có góp phần gây ra tình trạng này không? Đã có phương pháp hạn chế phát thải chất ô nhiễm và giảm tác động của ô nhiễm không khí hay không? Thật ra ô nhiễm không khí chủ yếu là sản phẩm của hoạt động sống và sản xuất của con người. Đời sống con người được nâng cao thì phải sản xuất nhiều hàng hóa và phải đánh đổi nhiều thứ như cạn kiệt tài nguyên và suy giảm chất lượng môi trường.

Chúng ta muốn có nhiều điện để chạy điều hòa trong những ngày hè nóng bức thì chúng ta phải phát triển những cơ sở sản xuất điện, trong đó có các nhà máy điện than với nhiều chất ô nhiễm xả thải ra môi trường. Mỗi số điện (kWh) ta dùng từ nhà máy điện than sẽ tạo ra lượng chất ô nhiễm nhất định nên mỗi người, mỗi gia đình sử dụng điện đã gián tiếp xả thải chất ô nhiễm ra môi trường. Chúng ta muốn đi làm, về quê nhanh, không muốn đi phương tiện công cộng, chúng ta có tiền nên chúng ta mua xe máy, ô tô cá nhân.

Mỗi kilômét xe chạy đều phát thải chất ô nhiễm và khi đó, chúng ta là người trực tiếp gây suy giảm chất lượng môi trường không khí. Đặc biệt khi sử dụng phương tiện cũ, hết hạn sử dụng thì mức thải cao hơn hẳn. Vì vậy, chúng ta phải coi mình vừa là “nạn nhân” nhưng cũng vừa là “tác nhân”, của ô nhiễm không khí. Các nước phát triển trước chúng ta đều trải qua giai đoạn này với nhiều rủi ro, sự cố nghiêm trọng hơn, do đó bây giờ họ mới đủ nguồn lực giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí (trong thời gian dài) để có chất lượng không khí hôm nay tốt hơn.

Liệu có dám hy sinh lợi ích cá nhân vì môi trường?

Theo thống kê, năm 2019, Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe ô tô, xe máy đăng ký và hơn 1 triệu xe ngoại tỉnh. Tần suất sử dụng xe cũng tăng lên do tần suất của xe ôm, xe taxi công nghệ ngày càng được ưa chuộng, điều này lại tỷ lệ thuận là ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Năm 2019, chỉ số Chất lượng không khí đo được tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội nhiều ngày ở mức xấu, riêng khu vực trạm Minh Khai có tới 52 ngày, thậm chí 4 ngày cảnh báo tím ở ngưỡng rất xấu.

Có nhiều người hỏi tôi: Sao người ta mua nhiều xe máy, nhiều ô tô cá nhân thế để cho tắc đường, ô nhiễm gia tăng thế nhỉ? Tôi thường nói vui là người ta giàu lên, người ta có tiền thì người ta sẽ mua để sử dụng. Vậy thì, liệu có giải pháp nào giảm thiểu phát thải, giảm thiểu tác hại của suy giảm chất lượng không khí không? Câu trả lời tất nhiên là: “Có”. Vấn đề đặt ra là ai, những đối tượng nào phải thực hiện?, thực hiện như thế nào? Nguồn lực thực hiện ở đâu?… Tất cả phải được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng mới có hiệu quả cao.

Tất nhiên, các cơ quan Nhà nước phải đưa ra được chính sách tốt nhưng phải được đông đảo mọi người ủng hộ thực hiện. Thật ra, Nhà nước ta cũng đã có chính sách hiệu quả nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí, như: Không quy hoạch các nhà máy phát thải lớn (nhiệt điện than, xi măng, thép…) xung quanh Hà Nội và các TP lớn; cấm xăng pha chì; nâng cấp tiêu chuẩn xe ô tô lên EURO 4… Còn mỗi chúng ta có thể làm gì để góp phần giảm mức thải và giảm tác động ô nhiễm không khí?

Thực ra, điều chúng ta có thể làm đơn giản thôi, ai cũng làm được, không có gì phức tạp cả. Đó là tiết kiệm, giảm tiêu dùng hoang phí. Mỗi số điện tiết kiệm, giảm mỗi kilômét dùng phương tiện xe máy, ô tô cá nhân đều có thể góp phần vào công cuộc này. Các nước cũng đã có nhiều giải pháp nhưng khi áp dụng rất cần sự tham gia của mỗi chúng ta, chẳng hạn, chúng ta đi đường dài bằng xe cá nhân có thể cho người khác đi cùng (thông báo và đăng ký trên mạng), tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, sử dụng thiết bị tiêu tốn ít năng lượng…

Ở quy mô quốc gia, có thể giảm phát thải bằng cách chuyển sản xuất điện than sang sản xuất điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, tất cả đều phải có thêm kinh phí để chuyển đổi, vậy chúng ta có sẵn lòng bỏ thêm 10 VNĐ để mua 1 KWh điện không? Số tiền thu được này có thể từng bước chuyển đổi sang sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Điều quan trọng là khi có chính sách đó thì người dân có dám hy sinh chút lợi ích cá nhân vì sự phát triển bền vững chung không?

Kinh nghiệm từ các nước chỉ có thể áp dụng, khi được Nhân dân nhận ra được lợi ích lâu dài của chính sách đối với cộng đồng, sau đó mới đi đến đồng thuận. Vậy làm sao cho dân hiểu, rõ ràng câu chuyện này thuộc về trách nhiệm của chính quyền và cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, làm chính sách thì phải chấp nhận những ý kiến phản biện, không thể có 100% ủng hộ, vì ai cũng có lợi ích riêng của mình.

Chính sách có lợi cho cộng đồng thì có ý kiến phản biện cũng vẫn phải quyết. Cái này cần sự bản lĩnh của người làm chính sách. Tôi còn nhớ, qui định người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cũng từng có không ít ý kiến phản đối nhưng Nhà nước vẫn quyết thực hiện và thực hiện hiệu quả, vì chính sách đúng - bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông. Thế nên, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí cũng vậy, rất cần sự quyết liệt của những người làm chính sách và người đứng đầu TP.

Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm các nước trong vấn đề bảo vệ môi trường, như có thể cấm sản xuất, nhập khẩu xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch (triển khai ngay từ năm 2021) yêu cầu người dân chấp hành, chuyển đổi sang dùng xe chạy điện (khi điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo); dùng phương tiện công cộng (đang được nâng cấp, xây mới); dùng xe đạp (có hệ thống sử dụng công cộng kết nối toàn khu vực)… thì sau 2030, chắc chắn chỉ còn rất ít xe máy hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-nhin-tu-phuong-tien-ca-nhan-376947.html