Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chế biến cà phê ở Muổi Nọi

Từ năm 2018 trở về trước, mỗi khi vào vụ cà phê, hoạt động sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện Thuận Châu và Thành phố lại gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Cao điểm là năm 2017, việc chế biến cà phê đã gây ô nhiễm nguồn nước làm hơn 12.000 hộ dân và nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn các phường: Chiềng An, Chiềng Lề, Tô Hiệu, Quyết Thắng (Thành phố) bị mất nước sinh hoạt trong nhiều ngày. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là từ việc sản xuất của các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, trong đó có các cơ sở của xã Muổi Nọi (Thuận Châu), do không có hệ thống xử lý nước thải phù hợp với quy định về bảo vệ môi trường.

Bể chứa nước thải sau xử lý của xưởng chế biến cà phê Cát Quế,

bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu).

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trước vụ cà phê năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Thuận Châu và chính quyền địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thực hiện các giải pháp xử lý nước thải, chất thải, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường. Trao đổi với ông Quàng Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND xã Muổi Nọi được biết, trên địa bàn xã hiện có 2 cơ sở sơ chế cà phê, trong đó một cơ sở sơ chế quy mô công nghiệp và một cơ sở sơ chế của hộ gia đình; trung bình mỗi năm, các cơ sở này đã thu mua, chế biến hàng nghìn tấn cà phê của nông dân. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, xã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhân dân, nhất là các hộ, các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê; cử cán bộ xã, đại diện quản lý các cơ sở, hộ chế biến cà phê tham gia các hội nghị tập huấn phổ biến, hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép do sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức; yêu cầu các hộ gia đình sơ chế cà phê nhỏ lẻ xây dựng bể chứa nước thải theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với Xưởng chế biến cà phê Cát Quế, thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, trung bình mỗi năm cơ sở này thu mua chế biến 12.000 tấn cà phê. Trước năm 2018, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã từng gây ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn. Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Tiến cho biết: Trước vụ sản xuất cà phê năm nay, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện theo các quy định của pháp luật về môi trường; làm báo cáo tác động môi trường trình UBND tỉnh và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 100 m3/ngày theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ như: thu gom, vận chuyển vỏ quả cà phê tới khu vực tập kết vỏ bã cà phê để làm phân bón; xây rãnh thu gom rỉ và nước mưa với tấm lọc rác, lót đệm cát dày; đổ bê-tông đáy và thành bể của hố chứa nước rỉ từ bãi chứa vỏ; dùng bạt phủ kín để giảm thiểu mùi phát tán trong quá trình đổ vỏ cà phê và ủ phân... Hiện, báo cáo tác động môi trường của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt; đơn vị hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dưới sự giám sát, kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng, đang chờ được xác nhận là công trình đảm bảo môi trường.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê năm nay, để đảm bảo các cơ sở sơ chế cà phê tuân thủ các quy định của pháp luật về xử lý chất thải và cam kết bảo đảm môi trường, Muổi Nọi đang tiếp tục tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành quản lý, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở trên địa bàn, phát hiện và có hình thức xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Lê Hạnh (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-tu-che-bien-ca-phe-o-muoi-noi-25948