Giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ: Sẩy một li, đi một dặm

Ngày 8-6 vừa qua, bé M.K - 8 tháng tuổi ở Hà Nội phải vào cấp cứu và lọc máu nhiều giờ tại Bệnh viện Nhi Trung ương do người mẹ nhầm lẫn đã bơm rửa mũi cho con bằng dung dịch cồn methanol 90 độ. Thắt ruột khi ngóng con trong phòng cấp cứu, người mẹ trẻ nước mắt lưng tròng liên tục nhận mình đã sai khi vô tình làm hại con.

Vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày - điều tưởng nghe đã quen tai, nói đã quen miệng nhưng thực tế vẫn là sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết. Do sự bất cẩn, tắc trách của người lớn mà có nhiều tai nạn thương tâm xảy đến với trẻ, để lại hậu quả nặng nề.

Bác sĩ Trần Đăng Xoay - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhi M.K bị rửa mũi nhầm bằng cồn.

Bác sĩ Trần Đăng Xoay - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhi M.K bị rửa mũi nhầm bằng cồn.

Nhầm lẫn chết người

Đến thời điểm chiều 10-6, bé M.K. vẫn đang được điều trị và theo dõi sát sao tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương. Bà mẹ trẻ tên H. bế đứa trẻ khóc ngằn ngặt trên tay, ánh mắt lo âu và mệt mỏi sau 2 đêm thức trắng vì lo cho con. Khi bé M.K. thiu thiu ngủ, chị vừa khóc vừa kể lại diễn biến sự việc.

Sáng thứ Hai (8-6), khi hai mẹ con ngủ dậy, chị có ý định rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý vì bé đang bị viêm mũi. Thay vì lấy chai nước muối 500ml, chị lại lấy nhầm chai cồn có kích cỡ, hình dáng gần giống với lọ nước muối mà không hề hay biết.

Chị rót cồn ra cốc, dùng xilanh loại có dung tích 12ml hút rửa mũi cho con khoảng 3 lần, tổng cộng khoảng 36ml cồn. Thấy con trai giãy giụa và khóc toáng lên nhưng chị nghĩ cũng giống như mọi lần bé thường khóc khi hút mũi nên không nghi ngờ điều gì. Chỉ đến khi dùng miệng hút mũi trực tiếp cho con, chị H. mới cảm nhận được vị khác lạ và có cảm giác mát lạnh do cồn bay hơi. Định thần nhìn lại chai dung dịch, chị tá hỏa khi phát hiện dung dịch chị dùng để bơm vào mũi con không phải là nước muối mà là cồn methanol 90 độ.

Vội vàng đưa con đến một BV tư, sau đó chị H. cho con vào Khoa Nhi của BV Bạch Mai thì được chuyển viện tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ (BS) Trần Đăng Xoay - Khoa Điều trị tích cực nội khoa cho biết, bé M.K. nhập viện lúc 12h trưa ngày 8-6 với chẩn đoán từ tuyến trước là ngộ độc methanol.

Bệnh nhi M.K được theo dõi điều trị các biến chứng do ngộ độc cồn.

Thời điểm đó định lượng methanol trong máu bệnh nhi cao, xác định là dạng ngộ độc nguy hiểm. Bé quấy khóc, kích thích, tổn thương ở mắt, rối loạn vận động, toan chuyển hóa, nguy hiểm tính mạng.

Bệnh nhi được chuyển xuống Khoa Cấp cứu chống độc để ổn định các chứng năng hô hấp, tuần hoàn, thần kinh, lọc máu để thải trừ chất methanol nhanh nhất có thể, ổn định nội mô điện giải. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để hội chẩn và lọc máu. Sau gần 1 ngày điều trị lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhi ổn định, các chỉ số trở về ngưỡng bình thường.

Hiện tại, cháu bé bị loét giác mạc và viêm tai, tiếp tục được theo dõi điều trị các biến chứng do ngộ độc, đặc biệt là biến chứng thần kinh và tổn thương ở mắt.

BS Trần Đăng Xoay cho biết, việc bơm rửa nhầm cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Chỉ cần nồng độ cồn thấp đi vào cơ thể cũng gây tổn thương mất thị lực, rối loạn vận động, tổn thương thần kinh và toan chuyển hóa, dễ dẫn đến tử vong. Bé M.K. không phải là trường hợp duy nhất gặp phải trong các tình huống tai nạn sinh hoạt liên quan đến nuốt phải hóa chất độc hại.

Ngày 12-4 vừa qua, các BS tại Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu cho bé trai N.H.C. (4 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La) nguy kịch tính mạng do ngộ độc thuốc cai nghiện Methadone.Gia đình cho biết chú ruột của bé C. (sống cùng nhà) vốn nghiện chất kích thích, nên có sử dụng thuốc cai nghiện Methadone đã được pha loãng, đựng trong chai nhựa trong, bảo quản trong tủ thuốc gia đình không có khóa.

Phẫu thuật nội soi gắp kim khâu từ cơ thể bé gái P.D.C (3 tuổi, Hải Dương).

Mới đây, người chú qua đời nhưng gia đình vẫn chưa vứt thuốc. Vốn tò mò, hiếu động nên khi thấy chai nhựa có màu hồng, bé C. nhầm tưởng là siro và uống phải. Gần 30 phút sau, người mẹ thấy con lơ mơ rồi lịm đi. Phát hiện ra lọ thuốc uống dở, gia đình tá hỏa đưa trẻ tới BV đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện nên chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé C. nhập Trung tâm Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng rất nặng, phải thở máy và hôn mê sâu. Bé đã được điều trị tích cực, thở máy kết hợp bài niệu tích cực để tăng thải chất độc qua đường nước tiểu, kháng sinh chống bội nhiễm, dinh dưỡng hợp lý. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi ổn định dần. Đây là bài học đắt giá cho các bậc cha mẹ trong việc bảo quản thuốc tại gia đình, tránh để trẻ nhìn thấy, tiếp xúc gần sẽ tò mò, thích ăn hoặc uống những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ dẫn đến tai nạn thương tâm.

Muôn kiểu tai nạn sinh hoạt

Trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò thích khám phá, chưa có kĩ năng phòng, tránh nên rất dễ bất ngờ bị tai nạn thương tích. Có tìm hiểu về các ca tai nạn sinh hoạt phải nhập Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua mới thấy chẳng ca nào giống ca nào. Và điều quan trọng là phụ huynh hoàn toàn có thể lường trước tai nạn nhưng vẫn để xảy ra.

Mới đây, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2 bé trai 7 tuổi và 4 tuổi người dân tộc nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc nấm. Dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng 2 bệnh nhi đã tử vong sau 7 ngày điều trị. Nguyên nhân của tai nạn thương tâm này là do người dân ở vùng cao, kể cả trẻ nhỏ hay đi hái nấm về ăn mà chưa biết rõ nấm có độc hay không.

Theo BS Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Chống độc, Trung tâm Cấp cứu chống độc, BV Nhi Trung ương thì người dân thường có những quan niệm sai lầm về nấm. Có người nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế có loài nấm màu trắng cũng là nấm độc gây chết người. Có người cho rằng nấm nào mà sâu bọ, côn trùng ăn được là không độc trong khi thực tế thì độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ. Kể cả việc thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc cũng là sai vì độc tố nấm không làm bạc chuyển màu. Chính vì những sai lầm này mà người dân vẫn hái nấm hoang dại để ăn và những cái chết oan uổng vẫn xảy ra.

Khối u tóc khổng lồ được lấy ra từ dạ dày bé gái 11 tuổi có tiền sử bứt tóc ăn.

Phổ biến tình trạng trẻ nhỏ bị tai nạn sinh hoạt còn liên quan đến các dị vật. Như trường hợp bé M.Q (3 tuổi) vào tối 26-2 đã ngậm chiếc kèn nhựa đồ chơi, thổi và bị ho sặc sụa. Thấy bé thở rít, tím tái, kèm theo khí thở có tiếng kèn kêu, người nhà vội đưa đến BV Bắc Thăng Long (Hà Nội) khám.

Tại đây, qua chụp CT phổi, các bác sĩ nghi ngờ dị vật nằm ở phế quản bé Q. và chuyển tới BV Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị. Các BS đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản lấy dị vật ra khỏi đường thở của bé là phần còi của chiếc kèn đồ chơi dài 1,5cm nằm trong phế quản gốc trái của bé Q.

Không chỉ là còi, mà dị vật sắc nhọn chui vào cơ thể cũng là một tai nạn sinh hoạt nguy hiểm nhưng khá thường gặp ở trẻ em. Phẫu thuật lấy dị vật còn là thử thách khi dị vật nhỏ, di chuyển và nằm lẫn trong các khối cơ sâu. Trong tháng 4 vừa qua, sau ca mổ kéo dài 1 giờ, các BS Khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Trung ương phẫu thuật nội soi lấy ra từ cơ thể bé gái P.D.C (3 tuổi, huyện Bình Giang, Hải Dương) một chiếc kim khâu dài khoảng 4cm.

Gia đình bệnh nhi cho biết trong lúc chơi đùa bé C. vô tình nằm đè vào chiếc kim khâu. Sau tai nạn, bé có biểu hiện đau vùng vai phải nên đã được gia đình đưa đến khám tại BV tỉnh, phát hiện có dị vật ở lồng ngực bên phải của bé, nghi là chiếc kim khâu.

Ngay lập tức, cháu C. được chuyển tới BV Nhi Trung ương. Khi các BS tiến hành chụp X-quang và cắt vi tính lồng ngực, phát hiện dị vật hình kim khâu nằm tại vị trí mặt trước xương bả vai. Cháu C được chỉ định phẫu thuật để lấy ra hoàn toàn, không đứt gãy một chiếc kim khâu nằm lẫn trong các sợi cơ.

Cẩn thận không thừa

Để tránh những tai nạn sinh hoạt không đáng có cho trẻ, BS Trần Đăng Xoay đưa ra những cảnh báo về việc người lớn luôn chủ quan, bất cẩn khi trông nom, chăm sóc trẻ nhỏ.

Tháng 4-2020, BV Nhi Trung ương tiếp nhận cháu M.Q.T (11 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, nôn ra dịch vàng, dịch máu, thể trạng gầy. Qua thăm khám, các BS phát hiện có khối cứng vùng thượng vị. TS.BS Trần Anh Quỳnh - Phó Trưởng Khoa Ngoại, người trực tiếp phẫu thuật cho cháu T. cho biết khi tiến hành siêu âm ổ bụng, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có khối bã thức ăn lớn trong dạ dày. Khi nội soi dạ dày, phát hiện khối u tóc lớn chiếm gần hết dạ dày nên không thể lấy khối u bằng phương pháp nội soi.

Bệnh nhân được chuyển phẫu thuật mở dạ dày, lấy ra một khối u tóc khổng lồ có kích thước 20x10x8cm. Nguyên nhân là từ khi 2 tuổi, bệnh nhi có tiền sử bứt tóc ăn nhưng gia đình không để ý và chỉ đưa con đến bệnh viện khi bé thấy đau bụng. Các bác sĩ cho biết, khối u tóc nếu không được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi sẽ dẫn đến các biến chứng khác bao gồm loét dạ dày, vàng da tắc mật, viêm tụy cấp.

Bệnh nhi N.H.C (4 tuổi, Sơn La) bị ngộ độc thuốc cai nghiện Methadone được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Rất may là sau một thời gian điều trị, cháu T. đã bình phục và được xuất viện. Đây được coi là trường hợp điển hình cho việc bố mẹ không sát sao để ý đến con trong một thời gian dài, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để phòng tránh tai nạn cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý không để lẫn các vật dụng mà khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Như trường hợp chị H. kể trên đã để chai cồn chung với chai nước muối và một số loại thuốc khác dẫn đến nhầm lẫn chết người. Có trường hợp người lớn đựng xăng, dầu hỏa, nước giặt, axít trong các chai lọ và khi những hóa chất này rơi vào tay trẻ thì hậu quả thật khủng khiếp.

Nếu chẳng may do sơ suất, nhầm lẫn mà tai nạn xảy ra thì gia đình nên đưa trẻ đến BV hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu đúng phương pháp. Tuyệt đối không tự ý xử trí tại nhà vì việc xử trí không đúng sẽ dẫn đến việc hóa chất ngấm vào cơ thể nhanh hơn hoặc gây những biến chứng nguy hiểm.

Để hạn chế tới mức thấp nhất những tai nạn sinh hoạt xảy ra với trẻ nhỏ, cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, trong đó có truyền thông bệnh viện để cảnh báo về nguy cơ gây tai nạn trong các tình huống và các biện pháp phòng ngừa. Các ông bố bà mẹ hãy nghiêm túc tiếp thu và áp dụng biện pháp phòng tránh tại gia đình, đừng coi đó là chuyện của nhà người ta để rồi con trẻ vẫn phải chịu tổn thương nặng nề khi khi gặp các tình huống tương tự.

Thái Hưng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/giam-thieu-tai-nan-thuong-tich-o-tre-say-mot-li-di-mot-dam-599238/