Giảm thuế là giải pháp duy nhất 'hạ nhiệt' giá xăng dầu?

Khi giá xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu chững lại, trong nước Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn âm rất sâu, theo các chuyên gia, việc giảm thuế và phí là 'cửa hẹp' duy nhất 'hạ nhiệt' giá xăng dầu.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) để trình Quốc hội xem xét thông qua nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu. Các chuyên gia cho rằng, việc đưa giá xăng dầu về mức cân bằng hơn thông qua giảm thuế sẽ cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của cơ quan quản lý với khó khăn của người dân, doanh nghiệp và giúp kiềm chế lạm phát.

Đề xuất giảm 4 sắc thuế

Cách "hạ nhiệt" giá bán lẻ xăng dầu trong nước, theo các chuyên gia, chính là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán lẻ. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính chi sử dụng để giảm đà tăng sốc của giá trong nước khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn đã âm quỹ. Vì thế, dư địa điều hành để giảm sốc đà tăng từ quỹ này không còn nhiều.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh cả 4 sắc thuế trong cơ cấu thuế tính giá xăng dầu nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh cả 4 sắc thuế trong cơ cấu thuế tính giá xăng dầu nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến ngày 21/6, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm gần 100 tỷ đồng, PVOil âm hơn 1.032 tỷ đồng...

Trong bối cảnh đó, dư địa để giảm giá xăng dầu chỉ còn lại biện pháp giảm thuế, phí. Theo đó, 4 loại thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu) và thuế VAT 10%.

Trao đổi với VnBusiness, Bộ Tài chính cho biết, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%, để góp phần giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế VAT đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Với đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, đại diện Bộ Tài chính thông tin, do tờ trình thuộc loại mật nên chưa thể công bố thông tin cụ thể về mức giảm thuế suất cũng như tác động đến thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm. Hơn nữa, phương án giảm hai sắc thuế trên vẫn phải đợi Chính phủ xem xét cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội.

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp giảm thuế cần được làm nhanh, theo trình tự rút gọn. Trong đó, thời hạn lấy ý kiến từ 3-5 ngày, thời hạn thẩm định là 7 ngày. Như vậy cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của cơ quan quản lý với khó khăn của người dân, doanh nghiệp kịp thời và giúp kiềm chế lạm phát.

“Nếu được Quốc hội thông qua, mức giảm hứa hẹn khá lớn, để giảm áp lực lên chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Vẫn phải chờ?

Như vậy, hiện nay, Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh cả 4 sắc thuế trong cơ cấu thuế tính giá xăng dầu. Vấn đề được dư luận chờ đợi là khi nào thì việc giảm thuế chính thức có hiệu lực?

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT với xăng dầu thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay. Chính vì vậy, phải đợi đến tháng 10/2022, khi có kỳ họp chính thức của Quốc hội, nếu phương án giảm hai sắc thuế trên được đưa vào chương trình làm việc, sửa luật của Quốc hội, kỳ vọng giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu mới trở thành thực tế.

Như vậy, dù phương án giảm thuế để hạ giá xăng dầu được đưa ra, song để chờ đến khi chính sách đi vào cuộc sống sẽ còn mất từ 4 - 5 tháng nữa. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh giá xăng dầu cao.

Hiện tại, theo cập nhật của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua tiếp tục biến động, và vẫn chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị, lạm phát do nhiều nước đưa ra những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ.

Do đó, kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/7, giá xăng E5 RON 92 giảm 410 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 110 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.760 đồng/lít.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, giá xăng dầu trên thế giới dự báo vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Trong khi đó, nguồn cung trong nước còn thiếu hụt, vì vậy Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu với số lượng lớn, nhưng việc nhập khẩu khá khó khăn. Lượng xăng dầu nhập của các doanh nghiệp đầu mối có xu hướng giảm theo các tháng.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 2 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập về Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn, sang tháng 3/2022 tăng mạnh lên 1,3 triệu tấn (sau khi Bộ Công Thương có động thái mở quota nhập xăng dầu cho 10 thương nhân lớn). Sang tháng 4, Việt Nam chỉ nhập được 820.000 tấn xăng dầu, tháng 5 là 760.000 tấn, nửa tháng 6 là 233.000 tấn.

Trong bối cảnh nhập khẩu xăng dầu đang gặp khó khăn, Bộ Tài chính nhìn nhận: "Việc điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc, nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động".

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/giam-thue-la-giai-phap-duy-nhat-ha-nhiet-gia-xang-dau-1086425.html