Giảm tiền thuê đất, thêm 'cú huých' hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ vừa tiếp tục ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất năm 2023. Các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp cho rằng, việc được giảm tiền thuê đất tạo thêm 'cú huých' hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2023

Để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với những khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất là đối tượng áp dụng của quyết định này; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

Đối tượng áp dụng của quyết định này là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm (người thuê đất).

Giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ việc được nộp thuế chậm, giảm thuế, tiền thuê đất. Qua việc giãn, giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để nhập nhiều hàng hóa hơn, cũng như thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Đặc biệt, khi doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế sẽ phát triển, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu ổn định cho ngân sách.

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai) và pháp luật khác có liên quan.

Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp

Đánh giá về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, các chính sách hỗ trợ được ban hành đã tạo cho doanh nghiệp có được một lượng tiền để sử dụng, giúp doanh nghiệp không phải vay nợ từ ngân hàng hay các nguồn khác, để từ đó doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển.

Các chính sách giảm thuế ban hành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Theo ông Nguyễn Trọng Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Amaccao (Dự án nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn TP. Hà Nội) cho biết, là doanh nghiệp xây dựng nhiều dự án xử lý môi trường, việc được giảm tiền thuê đất là sự động viên rất lớn và thiết thực đối với doanh nghiệp. Đây là sự chia sẻ của Nhà nước cũng như địa phương dành cho doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Tuấn Sơn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc cho biết, số tiền hỗ trợ dù nhiều hay ít cũng rất quý trọng đối với doanh nghiệp. Khi có thêm nguồn vốn doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Việc được giảm tiền thuê đất cũng là cú huých, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vì nếu doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế cũng phát triển, từ đó tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã tiếp tục thông qua nghị quyết về mức miễn, giảm tiền thuê đất theo danh mục lĩnh vực và khu vực ưu đãi đối với một số hoạt động xã hội hóa tại TP. Hà Nội. Cụ thể, TP. Hà Nội sẽ ưu đãi tiền thuê đất cho 7 lĩnh vực gồm giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường và giám định tư pháp.

Ông Đỗ Hùng Vương - Trưởng phòng Quản lý giá - Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách miễn giảm tiền thuê đất đã tạo động lực rất lớn để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, đồng thời khuyến khích, tạo động lực nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.

BÀ NGUYỄN THỊ CÚC - CHỦ TỊCH HỘI TƯ VẤN THUẾ VIỆT NAM:

Sự chia sẻ rất lớn của Nhà nước với doanh nghiệp, người dân

Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc

Chính sách miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất đã phát huy tác dụng thiết thực, tác động đa chiều đến nền kinh tế. Trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch, số lượng doanh nghiệp giải thể và số lượng doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc rất nhiều, Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất, là sự chia sẻ rất lớn của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Việc được giảm tiền thuê đất, sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều. Đây tiếp tục là một "cú huých" rất quan trọng giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh sự sẻ chia của Quốc hội, Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần phải nỗ lực cùng với nhà nước để vượt qua khó khăn của giai đoạn này. Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, thì đầu ra của doanh nghiệp này, sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác, cứ như vậy tạo ra một vòng tuần hoàn, theo đó doanh nghiệp vượt qua được khó khăn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động ổn định đời sống, nền kinh tế cũng sẽ ổn định và phát triển.

TS. MẠC QUỐC ANH - PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA HÀ NỘI:

Giải pháp thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

TS. Mạc Quốc Anh

TS. Mạc Quốc Anh

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, trong 9 tháng qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn, miễn, giảm là khoảng 148.292 tỷ đồng. Trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn ước đạt 102.939 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 45.353 tỷ đồng.

Có thể thấy, các chính sách ứng phó của Chính phủ ngay những tháng đầu năm 2023 để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Việc tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất là chính sách hỗ trợ tích cực để cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-tien-thue-dat-them-cu-huych-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-dan-137062-137062.html