Giảm tối đa độ trễ trong thực thi

Với 6 Luật và 13 Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, trong đó nhiều quyết sách tác động trực tiếp tới sản xuất kinh doanh, đại diện doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào việc triển khai với mong muốn giảm tối đa độ trễ thực thi.

TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Việt Nam: Kỳ họp thành công trên nhiều góc độ

Nhìn nhận ở nhiều góc độ, Kỳ họp thứ Tư Quốc hội Khóa XV đã khép lại rất thành công. Kỳ họp đã có những trao đổi, thảo luận và xử lý những vấn đề được cử tri quan tâm, gồm tình hìnhphát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ; lĩnh vực y tế, dân sinh… Vềphương diện lập pháp, Kỳ họp cũng đã có những thảo luận quan trọng đối với các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Đất đai với những định hướng mới, tư tưởng mới, trong đó tôn trọng nguyên tắc thị trường, chắc chắn sẽ khai phá được nhiều hơn nữa nguồn lực này góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%, dù thấp hơn năm 2022 song rất hợp lý. Ở thời điểm này, tôi cho rằng, chúng ta phải tập trung vào việc kiềm chế lạm phát tốt, tạo tiền đề giảm lãi suất trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đây là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành.

Cùng với đó, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành dệt may, gỗ...; tiếp tục tập trung xử lý những vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của khu vực doanh nghiêp. Cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính cũng phải được ưu tiên, vì đây sẽ là động lực để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển, đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: Quan trọng nhất là ổn định vĩ mô

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, với các chỉ tiêu rất cụ thể như tổng thu ngân sách nhà nước là hơn 1,620 triệu tỷ đồng, tổng chi hơn 2 triệu tỷ đồng, mức bội chi ngân sách là 455,5 nghìn tỷ đồng tương đương 4,42% GDP... Các chỉ tiêu này dựa trên chỉ tiêu về tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%, lạm phát 4,5%...

Về cơ bản, tôi đồng tình với các chỉ tiêu này. Tuy vậy, có thể khẳng định, mức thu trên 1,6 triệu tỷ đồng trong năm 2023 là một mục tiêu rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương mới có thể đạt được. Nói thách thức bởi lẽ, năm 2022, số thu ngân sách vượt xa dự toán, song chủ yếu từ đất và dầu thô là những khoản không bền vững. Năm 2023, chúng ta phải đối phó với rất nhiều thách thức từ sự bất định của tình hình thế giới, diễn biến khó lường của giá dầu, lạm phát toàn cầu, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phôi phục và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tới sự tăng trưởng toàn nền kinh tế.

Nguồn thu ngân sách nhà nước phụ thuộc lớn vào tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm ổn định vĩ mô để trên cơ sở đó tạo đà tăng trưởng 6,5%, giữ lạm phát 4,5%. Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ hàng đầu phải ổn định vĩ mô là rất đúng và trúng. Ổn định vĩ mô cũng sẽ góp phần bảo đảm nguồn thu bền vững từ chính hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được khởi sắc. Muốn vậy, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế cần được đẩy mạnh hơn, thực chất hơn trong năm tới, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, có chế tài cụ thể để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh số hóa ngành tài chính nói chung, ngành thuế và hải quan nói riêng để giúp việc kê khai, nộp thuế nhanh chóng, thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ góp phần thu đúng, thu đủ, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Nhanh chóng triển khai hỗ trợ tín dụng

Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ vào việc triển khai các nghị quyết, các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư.

Đặc biệt, tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội giao Chính phủ một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó Quốc hội yêu cầu “đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng”. Quyết sách này của Quốc hội đã tiếp tục thể hiện sự sát cánh cùng Chính phủ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Bởi lẽ, sau hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vận tải nói riêng chịu tác động rất lớn. Cùng với đó, trong năm nay, giá nguyên nhiên vật liệu đều tăng cao, đặc biệt là giá dầu biến động mạnh, chưa bao giờ giá dầu cao hơn giá xăng như hiện nay đã trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều rất khó khăn về vốn, nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Những doanh nghiệp trụ lại đến giờ lại đang tiếp tục vật lộn với bài toán về nguồn cung xăng dầu. Do vậy, Quốc hội giao Chính phủ phải đáp ứng nhu cầu về vốn tín dụng, chúng tôi rất mừng và rất trông đợi vào việc cụ thể hóa quyết sách này. Chính sách tín dụng cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ưu tiên cho nhóm ngành có tác động lan tỏa tới nền kinh tế, trong đó có giao thông vận tải. Cần giảm tối đa độ trễ trong thực thi các quyết sách.

Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét để tiếp tục cơ cấu nợ thuế, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp đến ít nhất hết tháng 6.2023. Chúng tôi vừa nhận được thông báo nếu chậm nộp bảo hiểm xã hội bao gồm các khoản được cơ cấu do Covid-19 sẽ bị thanh tra. Đây thực sự là tin rất đáng lo ngại vì doanh nghiệp trong cảnh cạn kiệt dòng vốn, cố gắng duy trì hoạt động để giữ việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là khi Tết đang cận kề. Nếu chính sách tiếp tục cơ cấu nợ thuế, bảo hiểm được thông qua, doanh nghiệp mới có cơ hội để trụ lại.

Ông PHAN VIỆT HOÀNG, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa: Doanh nghiệp đang rất trông đợi vào Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo dõi Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, điều dễ nhận thấy là tính dân chủ ngày càng được nâng lên. Các dự án Luật, Nghị quyết đều được Quốc hội tiến hành lấy ý kiến sâu rộng trong Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Những nội dung được chất vấn, thảo luận đều sát thực tế, được cử tri đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Rất nhiều vấn đề được cử tri, doanh nghiệp quan tâm như thu hồi đất, vấn đề tài chính đất đai, thế nào là giá thị trường… đã được đưa ra bàn thảo với nhiều ý kiến xác đáng. Tất nhiên, chúng ta không thể giải quyết triệt để mọi vấn đề ngay trước mắt. Doanh nghiệp đang rất hy vọng trong thời gian sớm nhất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng điều chỉnh những bất cập để có được một luật hoàn chỉnh, bảo đảm quyền lợi của 3 chủ thể: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, tạo động lực cho phát triển đất nước.

M. Châu - H. Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/giam-toi-da-do-tre-trong-thuc-thi-i307986/