Giảm VAT xuống 8% cho tất cả các ngành, tại sao không?

Chiều ngày 24-5, khi Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% với một số hàng hóa dịch vụ, một số ý kiến đại biểu băn khoăn vì sao không thể giảm cho tất cả các ngành.

Thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV-2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Quốc hội thảo luận tại Chương trình kỳ họp thứ 5.

Quốc hội thảo luận tại Chương trình kỳ họp thứ 5.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng lưu ý một số ý kiến tại Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT với tất cả nhóm hàng hóa đang chịu mức thuế suất 10% vì hiện các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày tại kỳ họp.

Thực tế cho thấy năm 2022 khi triển khai giảm thuế theo kiểu chọn lọc, “khoanh vùng”, mặt hàng này được giảm, mặt hàng kia bị loại, nên bên cạnh kết quả đạt được, cả người nộp thuế và cơ quan thuế đều gặp khó khăn khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Thực tế, các bộ phận kế toán kêu khó trong việc xác định hàng hóa, phân biệt các dịch vụ không được giảm thuế, mô tả hàng hóa, thời điểm lập hóa đơn, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng loay hoay trong vấn đề xác định các thuế suất được giảm để xuất hóa đơn đúng theo quy định. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 dẫn đến những hạn chế và làm tăng phí thủ tục cho người nộp thuế và tăng chi phí hành chính của cơ quan thuế (nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác minh định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan).

Từ đầu năm 2003, Việt Nam đối mặt với khủng hoảng về tổng cầu, tất cả các ngành đều đang gặp khó khăn, đều cần kích cầu tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất đầu vào. Do đó, không nên loại trừ hay "khoanh vùng" các ngành cần hỗ trợ. Các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế là một thực thể liên hoàn, ngành được giảm, ngành không được giảm sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh tế, tạo ra cách phân biệt đối xử trước những khó khăn chung của DN.

Trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng: “Đã là khó khăn là khó khăn chung, nếu chi li ra thì có những ngành khó khăn nhiều có những ngành khó khăn ít và có những DN khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên, đại đa số là khó khăn, cho nên việc mở rộng các loại hình ngành nghề lĩnh vực để cùng giảm thuế 2% là cần thiết để thể hiện chính sách của chúng ta công bằng. Nếu các DN ít khó khăn hơn thì người ta cũng có lợi thế trong việc khôi phục đà tăng trưởng và đặc biệt là vấn đề hội nhập với quốc tế để hàng hóa của chúng ta cạnh tranh sẽ tốt hơn, giá thành rẻ hơn thì năng suất cao hơn thì cũng là cần thiết”.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh việc giảm thuế VAT sẽ tạo thành động lực, một cú hích tiêu dùng cho người dân. “Tôi tin rằng nên kéo dài thời gian, có thể là một năm, hoặc chúng ta có thể tính làm sao đó cho tròn một chu kỳ như chu kỳ phát triển của hàng hóa, chu kỳ của tiêu dùng. Như vậy, mới phát huy hết tác dụng của việc giảm thuế. Nếu mà giảm được, thì mặt hàng nào đã 10% thì giảm xuống 8%, chúng ta không nên phân biệt ra, loại trừ một số mặt hàng này nọ kia. Như vậy sẽ có tính đồng bộ, tạo ra tính toàn diện trong chính sách tài khóa”.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, chính sách giảm thuế VAT hiện chưa có đánh giá tổng thể vì Nghị quyết số 43/2022/QH15 đang trong quá trình triển khai thực hiện nhưng “đâu đó qua theo dõi và tiếp xúc với DN, tôi thấy rằng rất nhiều DN đánh giá rất cao về tác động tích cực của việc giảm thuế VAT vì không chỉ mang lại tác động tích cực cho người tiêu dùng mà còn tác động đến cả việc giảm chi phí sản xuất đầu vào của DN”.

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC-NS cũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu đề nghị cân nhắc nên giảm thuế này về 6%, tức giảm 4% so với mức thuế đang áp dụng để "khoan sức dân", nuôi dưỡng nguồn thu. Thời hạn giảm thuế này có thể cân nhắc kéo dài hơn thời gian Chính phủ đề xuất (đến hết 31-12-2023) để đảm bảo ổn định và đủ thời gian chính sách phát huy hiệu quả.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TPHCM - đồng tình với đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ.

Ông Ngân cho rằng, hiện nay, chỉ có chính sách tài khóa mở rộng mới có thể giúp cho nền kinh tế thoát khỏi đà suy thoái.

"Chúng ta có dư địa để làm điều đó. Bởi trong nhiều năm qua, việc thu thuế của doanh nghiệp, thu thuế thu nhập cá nhân… đã làm tổng thu ngân sách tăng, góp phần giảm bội chi, giảm nợ công. Trong tình hình khó khăn hiện nay, chúng ta nên nới lỏng chính sách tài khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội, công ăn việc làm", ông Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, nên áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Bởi các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối với nhau. Thị trường tài chính là một thị trường quan trọng góp phần giải quyết bài toàn vốn cho doanh nghiệp.

"Cái gì làm dễ, thuận lợi thì nên giảm hết cho đại trà, thậm chí còn có thể kéo giảm thuế VAT sâu hơn", ông Ngân nhấn mạnh.

GIA MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-vat-xuong-8-cho-tat-ca-cac-nganh-tai-sao-khong-post734844.html