Gián điệp núp bóng ngoại giao, cuộc chiến không hồi kết

Những nhân viên gián điệp đến làm việc ở nước ngoài trong vai trò nhà ngoại giao là cách thức mà các cơ quan tình báo thực hiện để giám sát đối phương trong hàng trăm năm qua.

Mỹ và các đồng minh đã tiến hành trục xuất hơn 130 nhà ngoại giao Nga trong một chiến dịch đối đầu gián điệp Đông – Tây lớn bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh. Động thái của Washington phơi bày thực tế không được đề cập nhưng rất phổ biến trong hoạt động tình báo thế giới đó là gửi các “nhân viên tình báo ra nước ngoài dưới vỏ bọc nhà ngoại giao”.

Báo cáo của các quan chức cấp cao Mỹ công bố hôm 26/3 cho biết hơn 100 gián điệp Nga đang hoạt động trên đất Mỹ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao. Chính phủ Mỹ cho biết đã trục xuất 60 người khỏi nước Mỹ, tuy vậy, ít nhất 40 người khác vẫn ở lại, di chuyển tự do giữa từ Washington đến các thành phố lớn khác của Mỹ dưới sự giám sát của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Luật bất thành văn

Nếu họ thực sự là gián điệp và Washington biết điều đó, vậy tại sao không trục xuất họ? Các chuyên gia giải thích rằng hoạt động gián điệp núp bóng nhà ngoại giao có lịch sử hàng trăm năm và nó đã trở thành một “luật ngầm” đã được quốc tế chấp nhận. Đa số các nước trên thế giới, kể cả Mỹ đều gửi gián điệp ra nước ngoài dưới vỏ bọc nhà ngoại giao.

Đại sứ quán Nga tại Washington. Ảnh: Wikipedia.

Đại sứ quán Nga tại Washington. Ảnh: Wikipedia.

“Đại sứ quán và các sứ mệnh ngoại giao có lịch sử hàng trăm năm được sử dụng để theo dõi hoạt động của đối phương”, đại tá về hưu Christopher Costa, Giám đốc điều hành Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington nói với AP. Ông cho biết thêm ngay cả khi gián điệp nước ngoài được phát hiện, sẽ hiệu quả hơn để bí mật theo dõi họ hơn là trục xuất: “Trò chơi mèo vờn chuột là cách để hiểu được nhân viên tình báo đó đang liên lạc với ai”, ông Costa nói.

Một lý do khác khiến Washington không đi quá đà trong việc trục xuất các gián điệp Nga được biết đến dưới vỏ bọc ngoại giao, vì Mỹ cũng đang sử dụng chiến thuật tương tự. Khi một quốc gia trục xuất các đại diện ngoại giao của nước khác, họ phải chấp nhận rằng nước có nhà ngoại giao bị trục xuất có thể tiến hành đáp trả.

Năm 2016, khi Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, Moscow nhanh chóng đáp trả bằng cách trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ. Một hành động tương tự đã được Moscow thực hiện trong tháng này khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, Moscow lập tức “mời” 23 nhà ngoại giao Anh về nước. Điều đó có nghĩa là nếu Mỹ trục xuất nhiều gián điệp Nga, càng có nhiều gián điệp Mỹ buộc phải rời Nga về nước.

Tuy vậy không phải tất cả gián điệp đều núp bóng nhà ngoại giao. Khi một quốc gia gửi gián điệp của họ đến đại sứ quán quốc gia đồng minh, họ thường nói với nước chủ nhà họ là ai. Những gián điệp này, trong khi công khai tuyên bố là nhà ngoại giao, sau đó họ làm nhiệm vụ liên lạc với cơ quan tình báo nước chủ nhà, tạo ra một kênh chia sẻ thông tin tình báo hữu ích.

Cuộc săn lùng không hồi kết

Mỹ và Nga có quan hệ kiểu đối đầu nên chính phủ hai bên không cho nhau biết ai là gián điệp. Điều đó dẫn đến cuộc chiến săn lùng gián điệp của hai bên. John Schindler, cựu nhân viên phản gián, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cho biết khi một nhân viên ngoại giao đến làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Washington, hoặc lãnh sự quán ở Seattle (đã bị chính phủ Mỹ đóng cửa), FBI và các cơ quan tình báo khác sẽ tìm hiểu kĩ thông tin về họ.

Một số có thể được xác định nhanh chóng dựa trên nơi họ từng làm việc trước đó và ở những vị trí nào. Thông tin này có thể dễ dàng tìm hiểu thông qua Google, LinkedIn và LexisNexis. Một số vị trí tại đại sứ quán thường do các điệp viên đảm nhận như các quan chức an ninh, nhân viên chính trị và các chuyên gia truyền thông, những người thường bí mật tham gia vào việc thu thập thông tin kỹ thuật về những gì họ gọi là tín hiệu tình báo.

Một phụ nữ bước đi bên cạnh Văn phòng Thường trực Liên bang Nga tại New York. Ảnh: AP.

“Nếu bạn vẫn chưa thể xác định vai trò thực sự của họ, bạn chờ họ đến đất nước bạn và theo dõi những gì họ làm. Họ có những cuộc gặp bí mật với ai. Họ đang sử dụng kỹ thuật gì để tránh bị giám sát”, Schindler nói.

Những năm Chiến tranh Lạnh, thủ đô các nước trên thế giới tràn ngập hàng nghìn gián điệp làm việc cho các cơ quan tình báo dưới vai trò nhà ngoại giao. Từ châu Á đến Trung Đông và khắp châu Âu, cuộc chiến gián điệp Đông – Tây diễn ra gay cấn tại các thành phố như Athens, Bangkok, Beirut, Belgrade, Berlin, Cairo, Tehran và Vienna.

Sau sự sụp đổ của khối Xô Viết, các hoạt động như vậy sụt giảm nhưng không bao giờ biến mất. Bây giờ nó trở lại với mức độ nghiêm trọng. Angela Stent, cựu chuyên gia Nga tại Hội đồng Tình báo Quốc gia nói: “Tỷ lệ gián điệp hiện nay rất cao, nếu không muốn nói là cao hơn thời Chiến tranh Lạnh. Có rất nhiều sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các cơ quan tình báo mà không bao giờ vượt qua được”, Stent nói.

Năm ngoái, Nga than phiền các nhà ngoại giao Mỹ được cử đến Moscow và các thành phố khác của Nga phần lớn là gián điệp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết có quá nhiều điệp viên CIA của Mỹ đang làm việc với vỏ bọc ngoại giao, hoạt động của họ không phù hợp với nhiệm vụ thực sự.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gian-diep-nup-bong-ngoai-giao-cuoc-chien-khong-hoi-ket-post829583.html