Gian lận điểm thi ở Sơn La: Sao không truy tố tội 'nhận hối lộ'?

Theo một luật sư, việc đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là chưa đúng bản chất của vụ việc; trong khi một lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La cho rằng hiện chưa đủ căn cứ buộc tội đưa - nhận hối lộ...

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến bị bắt do liên quan đến vụ gian lận thi cử Ảnh: VTC News

"Theo tôi, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là chưa đúng bản chất của vụ việc, chưa đúng với việc định tội danh...

Việc định tội danh này theo Điều 356 là rất có lợi cho các bị can bởi khung hình phạt cho tội danh này chỉ ở mức từ 5-10 năm tù, do vậy không bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung.

Ở đây phải đề nghị truy tố các bị can và những người đưa tiền tội danh "đưa và nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên. Giá của mỗi trường hợp nâng điểm trung bình là 1 tỉ đồng nên nó không còn là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn nữa. Do đó, cần phải thay đổi tội danh thì mới đúng tội".

(Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH, Đoàn Luật sư TP HCM, nêu quan điểm trên VTC News ngày 26-5, về thông tin gian lận thi cử ở Sơn La "giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng")

"Hiện chưa thể buộc tội các đối tượng về tội đưa - nhận hối lộ vì chưa đủ căn cứ. Thông tin chi phí 1 tỉ đồng/trường hợp nâng điểm là không đúng. Cũng chưa đủ căn cứ để xác định ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GDĐT Sơn La có liên quan đến vụ án hay không".

(Ông TRẦN QUỐC TUẤN, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La, cho biết trên Báo Lao Động ngày 26-5).

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/trich-dan-nong/gia-nang-diem-1-ti-dong-thi-sinh-sao-khong-truy-to-toi-nhan-hoi-lo-20190526082457875.htm