Gian lận thi cử công khai ở Ấn Độ: Phụ huynh trèo 5 tầng lầu 'ném bài' cho con

Ở quốc gia Nam Á, phụ huynh chỉ cần trả 5 triệu đồng là con cái của họ sẽ được đường dây 'mafia gian lận thi cử' gửi đáp án ngay khi bước vào phòng thi.

Gian lận thi cử là tình trạng phổ biến và chưa có giải pháp ở Ấn Độ.

Chỉ vài phút sau khi bước vào phòng thi môn Toán cuối cấp ở trường trung học Delhi (Ấn Độ), cậu học sinh Raghav đã xin giám thị cho phép sử dụng nhà vệ sinh. Bên trong, cậu học sinh này chụp lại đề thi và gửi cho một số điện thoại. Chỉ trong chốc lát, câu trả lời của bài thi đã được hiển thị trên màn hình.

"Điều đó không phải là gian lận", bà Sunita, mẹ của Raghav lên tiếng biện minh. Bà đã trả số tiền 16.000 rupee (hơn 5 triệu đồng) để con trai mình có được số điện thoại giúp giải đề thi. “Đó là một lối thoát”, bà khẳng định.

Các kỳ thi cuối cấp hàng năm ở Ấn Độ luôn là tâm điểm chú ý của cả đất nước, nơi hàng chục triệu học sinh THPT bước vào các bài thi đầy căng thẳng để đủ điều kiện lách vào khe cửa hẹp của các trường đại học - với những trường hàng đầu thậm chí có tỷ lệ chọi còn cao hơn cả Oxford và Cambridge danh giá.

Một vấn nạn khác ở quốc gia Nam Á này là sự xuất hiện của những đường dây “mafia gian lận thi cử”, cứu cánh cho sự tuyệt vọng của học sinh và các bậc phụ huynh luôn mong ước đổi đời từ việc học hành.

Mỗi năm, Ấn Độ ước tính có thêm 17 triệu người tham gia vào lực lượng lao động, nhưng cả nước chỉ tạo ra được thêm 5,5 triệu công việc. Do đó, một tấm bằng đại học sẽ là hành trang không thể thiếu trên thị trường việc làm có sự cạnh tranh đầy khốc liệt.

Hồi tháng 4 vừa qua, với việc đề thi chuyển cấp bị rò rỉ trên WhatsApp khoảng 90 phút trước khi kỳ thi bắt đầu, hơn 2,8 triệu học sinh trung học cơ sở ở Delhi và các khu vực xung quanh đã buộc phải làm lại bài thi vào cuối tháng.

"Đó là sự tra tấn tinh thần", Kirath Kaul, 15 tuổi, một nữ sinh ở Delhi phải làm lại bài thi môn Toán vào thời điểm đó tỏ ra mệt mỏi. "Tôi đã học cho đến tận sát ngày thi và thậm chí thức dậy vào ban đêm để chuẩn bị".

"Dấu hiệu của một hệ thống giáo dục hỏng"

Theo The Guardian, gian lận thi cử Ấn Độ là vấn đề đặc hữu, có tổ chức và phức tạp. Tại Bihar, một trong những bang nghèo nhất trong cả nước, hơn 1.000 học sinh đã bị đuổi khỏi phòng vì gian lận trong kỳ thi hồi tháng 2.

Năm ngoái, người đứng đầu điểm số môn nghệ thuật tại một trường đại học ở đông bắc Ấn Độ bị phát hiện gian lận khi khai trên giấy tờ là 24 tuổi, nhưng thực tế đã bước sang tuổi 42.

Vào năm 2016, một nữ sinh cao điểm nhất môn Nhân văn toàn bang Bihar đã bị hủy kết quả sau khi các nhà chức trách phát hiện nghi vấn về “lỗ hổng kiến thức” trên một show truyền hình. Theo đó, nữ sinh này khi trả lời MC đã không thể gọi đúng tên của môn khoa học chính trị và thậm chí còn tưởng đây là ngành học nghiên cứu về nấu ăn.

Vào năm 2015, bang Bihar cũng trở thành tâm điểm trên các trang tin tức toàn cầu về nạn gian lận thi cử, khi các video được đăng tải cho thấy các bậc phụ huynh trèo lên cửa sổ phòng thi ở những tòa nhà 5 tầng lầu để đưa câu trả lời cho con cái mình.

Phụ huynh trèo lên cửa sổ phòng thi để ném bài cho con ở Ấn Độ.

Năm nay, để đảm bảo tính trung thực, chính quyền bang đã cho lắp đặt camera tại các phòng thi và yêu cầu học sinh cởi giày và tất để bên ngoài.

“Đây là dấu hiệu của một hệ thống giáo dục hỏng”, Yamini Aiyar, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (Ấn Độ) cho biết.

Bà đổ lỗi cho sự gian lận thi cử ở quốc gia mình xuất phát từ áp lực quá lớn đối với học sinh trong việc có được một tấm bằng đại học và cách điều hành của các nhà quản lý, khi “chỉ biết xây thêm những trường học mới nhưng không quan tâm đến điều gì đang diễn ra bên trong”.

Một phần khác nữa là đến từ sự dễ dãi và bệnh thành tích của giáo viên, hội đồng quản trị nhà trường và thậm chí là chính quyền địa phương. Các trường học được cho là dễ thu hút học sinh theo học hơn khi chứng minh được tỷ lệ thi đỗ cao tại các kỳ thi, trong khi chính quyền bang cũng nở mày nở mặt hơn so với các bang khác về thành tích giáo dục.

Gian lận trở nên phổ biến

Sunita, mẹ của Raghav đã tiếp xúc với đường dây “mafia gian lận thi cử” thông qua một trung tâm luyện thi vào năm ngoái.

“Cô giáo nói, con trai tôi học rất yếu”, bà nhớ lại. "Con tôi chẳng màng đến việc học nhưng tôi lại không muốn nó trượt kỳ thi này”.

Sau đó, gia sư của trung tâm đã giới thiệu cho bà Sunita một người có thể gửi cho Raghav đáp án bài thi Kinh tế và Toán học. Không ai ở cả hai đầu dây điện thoại được biết danh tính của nhau. Mọi thứ đều được bảo mật tuyệt đối.

"Điều đó hoàn toàn phổ biến", bà Sunita nói, cho biết thêm rằng đã đăng ký cùng với 4,5 gia đình khác có chung nhu cầu. "Chúng tôi đã trả 60.000 rupee (khoảng 20 triệu đồng) cho người đàn ông này".

Snigdha Poonam, tác giả của một cuốn sách nói về tham vọng của giới trẻ Ấn Độ cho biết ngành “công nghiệp gian lận” của Ấn Độ đã có sự “tăng trưởng” nhanh chóng, đi kèm với những hình thức gian lận khác nhau, bao gồm cả giải đề qua điện thoại như trường hợp trên.

Với sự trợ giúp của “đường dây nóng” gian lận, Raghav đã vượt qua tất cả các môn học. Cậu hiện đang tham gia một lớp học nhiếp ảnh tư nhân và muốn tạo dựng sự nghiệp bằng chiếc máy ảnh của mình. Trong khi đó, Kaul – nữ sinh phải thi lại môn Toán hồi tháng 4 vừa qua thì tận dụng thời gian nghỉ trước ngày thi bắt đầu để củng cố thêm kiến thức.

“Tôi lo rằng những học sinh gian lận sẽ có thành tích cao hơn mình”, cô bé chia sẻ. “Tôi đã học tập rất chăm chỉ, nhưng mọi người chỉ nhìn vào kết quả, chứ không ai quan tâm đến việc người nào đó gian lận”.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/an-do-phu-huynh-treo-5-tang-lau-nem-bai-cho-con-a378698.html