Gian lận thi cử, giá điện làm 'nóng' nghị trường

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra liên tục 2 ngày, bắt đầu từ sáng nay, 30/5… Tại phiên thảo luận, nhiều vấn đề 'nóng' như gian lận thi cử, giá điện đã được nhiều đại biểu mổ xẻ, phân tích.

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Gang) bày tỏ vui mừng về những con số tăng trưởng và thành tựu đã đạt được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ.

Theo đại biểu, chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng bức xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. Do đó, “những cố gắng bị vài bộ phận nhỏ làm bẩn bức tranh toàn cảnh”.

Đề cập đến một trong những vấn đề đang gây bức trong xã hội, đại biểu Hiếu dẫn chứng vụ gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Vị đại biểu đoàn An Giang đề nghị Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra thiếu sót trong kỳ thi và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể vì không thể nói lỗi hoàn toàn thuộc địa phương khi gian lận xảy ra ở nhiều tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề cập đến nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề cập đến nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Theo đại biểu, nghịch lý là mỗi năm Bộ Giáo dục tổ chức cải cách việc thi cử một lần mà càng cải tiến thì càng kém đi. Bộ cũng chưa tổ chức tập huấn, chỉ rõ những kẽ hở có thể bị lợi dụng để tiêu cực trong việc thi 2 trong 1 để các địa phương dự liệu như việc bài thi không dọc phách, bài trắc nghiệm lại thực hiện tích bằng bút chì… Rồi khi có kết quả, Bộ Giáo dục cũng không sớm phát hiện việc phổ điểm của thí sinh ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại còn cao hơn nơi thành phố lớn, đô thị…

“Nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin còn nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua” - ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ và nhấn mạnh trong giáo dục, việc đánh giá kết quả hết sức quan trọng nên vừa qua có nhiều cải cách, nhưng phương pháp chưa đúng.

“Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ nhưng năm các con cắp sách đến trường” - ông Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm thẳng thắn.

Nỗi bức xúc khác về dân sinh là việc tăng giá điện. Đại biểu Hiếu phân tích, trong ngành y của ông, nhiều khi phác đồ điều trị rõ ràng đúng nhưng bệnh nhân vẫn ý kiến, phản ứng thì cần xem xét lại, điều chỉnh. Theo đại biểu, Bộ Công thương có báo cáo dài tới 20 trang, nhiều con số lập luận khẳng định đã làm đúng. Nhưng theo ông, khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ cần nghiêm khắc rà soát từ cách thức quản lý đến giám sát, tuyên truyền.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần phải xử lý triệt để vụ gian lận thi cử mới lấy lại được niềm tin trong nhân dân

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, hiện nay, giáo dục đang được coi là một “khoảng tối”. Mặc dù cần ghi nhận những cố gắng của Bộ Giáo dục nhưng gần một thập kỷ nay, ngành giáo dục vẫn loay hoay và không tìm ra được một giải pháp nào thực sự hữu hiệu … “Rất nhiều cử tri phàn nàn về bệnh thành tích, về những gian lận trong ngành giáo dục, thậm chí có cảm giác người dân “kỳ thị” với giáo dục”, ông Cương nói và nhấn mạnh, vụ việc gian lận trong kỳ thi vừa qua đang khiến người dân mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà. “Việc công khai danh tính học sinh, phụ huynh học sinh Bộ Giáo dục cũng không có chính kiến. Cần phải xử lý triệt để vụ việc mới lấy được niềm tin của người dân”, ông Cương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề giá điện, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, từ thuở khai sinh, giá điện luôn theo “tăng dần, tăng nữa, và tăng mãi”. Người dân luôn ủng hộ chủ trương của Chính phủ nhưng họ cần một giá điện công khai, minh bạch và công bằng, người dân có cơ sở để tin rằng giá điện không tăng 8,36% như công bố. Bên cạnh đó, theo ông Cương, cách chia giá điện thành các mức giá lũy tiến như hiện nay mặc dù được ngành điện lý giải là khuyến khích người dân tiết kiệm điện là không hợp lý, chỉ có lợi cho phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách so sánh giá điện với các nước khác cũng không chính xác khi chỉ so sánh giá đầu ra mà không tính đến giá đầu vào. “Vả lại nhiều nước giảm giá điện cho người dân khi thời tiết nắng nóng, vậy tại sao chúng ta lại không so sánh việc đó”, ông Cương nói.

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/gian-lan-thi-cu-gia-dien-lam-nong-nghi-truong-d98468.html