Gian lận thi cử Hà Giang: Không tìm được bằng chứng các phụ huynh chi tiền 'mua điểm'

Liên quan đến vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang, dù cơ quan điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng không làm rõ được việc các phụ huynh chi tiền "mua điểm".

Công an công bố quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Khuông. Ảnh: Dân Trí.

Công an công bố quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Khuông. Ảnh: Dân Trí.

Báo Người Lao Động đưa tin, trong quá trình điều tra vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Tỉnh Hà Giang đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Theo dự kiến, TAND tỉnh Hà Giang tới đây sẽ đưa vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ra xét xử sơ thẩm. 5 bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (cựu phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính (2 cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang).

Tuy nhiên, theo báo Dân Trí, trong 20 trang của bản cáo trạng số 09/CT-VKS mà Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Giang Lý Văn Thu ký ban hành ngày 28/5, cơ quan An ninh điều tra đã không làm rõ được việc các phụ huynh chi tiền "mua điểm".

Theo nội dung cáo trạng, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị can Hoài đã bàn bạc thống nhất với Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh môn trắc nghiệm.

Mặc dù Hoài không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh nhưng Hoài đưa danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương. Ngoài ra Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình bị can Lương thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh.

Kết quả, Lương sửa kết quả bài làm 309 bài thi các môn của 107 thí sinh, nâng điểm cho 107 thí sinh này.

Ở diễn biến khác, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang Triệu Thị Chính là người đưa cho ông Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh và yêu cầu ông Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh (1 thí sinh Chính chỉ nhờ xem điểm). Giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần đạt được, tuy nhiên vì lý do khách quan nên bị can Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm.

Còn ông Phạm Văn Khuông là người trực tiếp nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai mình. Số điểm con trai ông Khuông được nâng sau đó là 13,3 điểm.

Riêng bà Lê Thị Dung là cán bộ công an, tuy không được phân công thực hiện nhiệm vụ liên quan trong kỳ thi nhưng đã nhờ ông Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh là con cháu bạn bè, người quen.

Trong quá trình điều tra, phụ huynh và các bị can đều một mực khẳng định không đưa-nhận tiền, không vì bất cứ lợi ích vật chất nào... Bị can Hoài, bị can Vũ Trọng Lương đều khẳng định chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giao-duc/gian-lan-thi-cu-ha-giang-khong-tim-duoc-bang-chung-cac-phu-huynh-chi-tien-mua-diem-a282694.html