Gian lận thi cử ở hàng loạt địa phương: Yêu cầu làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi và giải pháp khắc phục; có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi điểm thi.

Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định.

Như VTC News đã đưa tin, trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tranh luận với Bộ trưởng Tô Lâm về việc điều tra tiêu cực thi cử THPT, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội) cho rằng cử tri rất quân tâm đến kết luận và thời gian điều tra vụ việc.

"Ngoài 4 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình, Bộ Công an có mở rộng phạm vi điều tra ra các địa phương khác và các năm trước hay không? Cử tri cũng rất băn khoăn khi việc tuyển sinh vẫn phải theo kết quả đã công bố. Tất cả đang chờ kết quả của Bộ Công an. Việc tuyển sinh này ảnh hưởng đến chỗ học của các thí sinh nếu không có gian lận có thể đã đỗ. Cử tri mong muốn biết thời hạn giải quyết vì kết quả ảnh hưởng rất nhiều thí sinh có phổ điểm chấp chới?", đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời về quá trình điều tra gian lận thi THPT Quốc gia 2018.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết lực lượng điều tra rất muốn tập trung kết thúc nhanh nhưng phải đảm bảo vạch trần được tội phạm, nêu được hành vi vi phạm và chỉ ra đối tượng vi phạm.

"Thời gian ban đầu có thể điều tra trong 4 tháng nhưng chưa xong thì phải gia hạn chứ không thể áp lực việc đi học để có thời gian sớm nhất. Về thời gian, hiện nay chưa thể nói được việc đó. Hiện nay chúng tôi mới khởi tố, bắt giữ một số đối tượng. Nếu phạm vi điều tra liên quan những người khác, mở rộng những vấn đề khác nữa thì vẫn phải tiếp tục điều tra", Bộ trưởng Công an khẳng định.

Với những người ở 3 địa phương đó, nếu qua khai thác đấu tranh, nắm tình hình phát hiện đối tượng khác vi phạm thì vẫn tiếp tục xử lý.

Bộ trưởng Công an cho rằng không phải chỉ ở 3 địa phương này, nếu dấu hiệu phát hiện ở những địa phương khác có tình trạng như vậy thì Bộ vẫn tiếp tục xử lý, chứ không có giới hạn nào.

"Còn kết quả thi những năm trước sẽ tiếp tục cùng Bộ GD&ĐT kiểm tra đánh giá kết quả. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì phải điều tra theo quy định. Tóm lại là không có gì giới hạn trong điều tra, xử lý hành vi trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Tô Lâm tiếp tục khẳng định.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng lực lượng công an có tham gia vào nhiều khâu của kỳ thi, tuy nhiên việc tham gia này chưa tạo ra ý nghĩa để ngăn chặn tiêu cực.

"Sắp tới, Bộ Công an sẽ xứ lý việc này như thế nào, có biện pháp gì để tăng cường vai trò của lực lượng công an trong các khâu tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia?", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá những tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, đến sự công bằng trong lựa chọn người tài.

Người đứng đầu ngành công an cho biết lực lượng công an tham gia nhiều khâu vào quá trình tổ chức thi, phối hợp cùng các cán bộ trong ngành giáo dục.

"Trong quá trình tham gia, chúng tôi đã có những quy chế để hạn chế vi phạm. Qua rà soát, đã có dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân trong lực lượng công an. Có sự móc nối với những người có trách nhiệm trong việc quản lý đề thi, tổ chức thi, hoặc can thiệp, nhờ người này người kia để tác động"- Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Người đứng đầu Bộ Công an cho biết thêm đối với những vi phạm pháp luật, Bộ đang xem xét, rà soát.

"Còn tiêu cực, vi phạm khác chúng tôi đang tiếp tục điều tra. Nếu có vi phạm về luật pháp thì cũng bị xem xét xử lý. Quan điểm chung của Bộ Công an là những vi phạm đó, bất kể lực lượng nào, kể cả trong nội bộ đều phải được xử lý thích đáng", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Video: Vì sao gian lận thi cử ở Hòa Bình tinh vi hơn ở Sơn La, Hà Giang?

Trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: "Loại tội phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua là loại tội phạm gì? Có phải mới hay không và những năm trước liệu đã xảy ra hay chưa. Bộ Công an có bất ngờ về loại tội phạm này không và cần làm gì để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này trong những năm tới?"

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an phối hợp với công an các địa phương đã khởi tối 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thi sinh.

Người đứng đầu ngành Công an khẳng định: "Đây là thủ đoạn hoạt động mới. Đối với các kỳ trước cũng có những thủ đoạn gian lận, Bộ Công an đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tránh được gian lận trong các lỳ thi. Đây là hoạt động tinh vi, được phát hiện lần đầu. Với chúng tôi, những hoạt động tội phạm này không phải là mới. Gian lận thi cử có nhiều thủ đoạn, không phải bắt đầu có từ 2018. Có thể những năm trước đã có".

Bộ trưởng Tô Lâm cung cấp thêm, trước đó Bộ Công an đã khảo sát các cháu điểm rất cao nhưng vào học với yêu cầu cao đã không học được.

"Để phòng chống được cần phải đưa ra quy trình quản lý từ khâu ra đề thi, chấm thi và tuyên sinh. Về phía Bộ Công an cũng kiểm tra giám sát các tổ chức tội phạm có liên quan, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật. Ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện gian lận cũng là thách thức rất lớn", Bộ trưởng Công an khẳng định.

Minh Đức

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gian-lan-thi-cu-o-hang-loat-dia-phuong-yeu-cau-lam-ro-trach-nhiem-ban-chi-dao-thi-cap-tinh-d421312.html