Gian lận thi cử: 'Trảm' ông Lương này 'mọc' ông Lương khác nếu…

Giáo dục và cải cách giáo dục ở Việt Nam cần phải đi vào thực chất và chỉ có cách đó mới ngăn ngừa được gian trá.

Những hành vi gian lận có tính “hệ thống” ở Hà Giang và rồi đây rất có thể là ở các địa phương khác đang khiến dư luận cả nước bất bình gay gắt. Việc chính những người làm công tác chấm thi vào điểm sửa đến hàng trăm bài thi đã vượt quá ngưỡng chịu đựng, đặc biệt khi đây lại là kì thi tuyển sinh vào đại học, vốn có ý nghĩa quyết định con đường tiến tới tương lai của học sinh cả nước.

Trước mắt, công tác điều tra cần được tiến hành nghiêm túc để làm rõ những ai sai phạm và thông tin liên quan cần phải được công bố minh bạch, rộng rãi để nhân dân cả nước biết. Tuy nhiên, về lâu dài, Nhà nước và Bộ GD&ĐT cần phải có chiến lược cải cách giáo dục thực sự để ngăn ngừa hiện tượng tương tự tái diễn. Bởi một khi “quy trình”, “cơ chế” hiện hành không được sửa đổi cho hợp lý, khoa học thì có kỉ luật, có “trảm” ông Lương ở Hà Giang đi nữa, không sớm thì muộn sẽ lại mọc ra vô vàn “ông Lương” ba đầu sáu tay khác ở rất nhiều nơi khác.

Những hành vi gian lận có tính “hệ thống” ở Hà Giang khiến dư luận cả nước bất bình gay gắt. Ảnh minh họa

Cải cách hệ thống hành chính giáo dục

Một đặc điểm cơ bản của lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại là cải cách giáo dục cho dù được tiến hành nhiều lần, nhưng sự điều chỉnh chủ yếu diễn ra trên phương diện nội dung giáo dục (SGK, chương trình), hệ thống trường học (tái cơ cấu lại hệ thống trường và các cấp học), phương pháp-kĩ thuật dạy học (thay đổi phương thức truyền đạt tri thức). Trong khi đó, chúng ta không thấy những động thái cơ bản để sửa đổi hệ thống hành chính giáo dục và cơ chế hoạt động của nó.

Với nền giáo dục quốc dân hiện đại, hệ thống hành chính giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra và đảm bảo chất lượng giáo dục, vì nó gây dựng môi trường cho tất cả các hoạt động giáo dục. Hệ thống này tốt sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho giáo dục phát triển hợp lý, kích thích và bảo vệ được các mô hình, nhân tố sáng tạo và ngược lại.

Cho dù có khác nhau ít nhiều ở từng nước, nhưng về cơ bản, các nhà nghiên cứu cho rằng tính chất chung của hệ thống hành chính giáo dục tốt nằm ở tính dân chủ và phân quyền. Hai điều này sẽ giúp tăng cường tính tự chủ, sáng tạo ở cơ sở, địa phương và hạn chế được tình trạng lạm quyền phát sinh từ hệ thống cồng kềnh, từ đó giám sát và ngăn chặn được những hành vi bất chính của cán bộ hành chính giáo dục.

Không khó để nhận ra hệ thống hành chính giáo dục của chúng ta hiện nay có tính chất tập quyền cao độ, do đó cơ cấu nhân sự, cơ chế vận hành bộ máy có tính “quan liêu mệnh lệnh” rất rõ. Chẳng hạn quyền lực của Bộ GD&ĐT rất lớn và có thể can thiệp sâu cả vào nội dung và phương pháp giảng dạy của các trường cũng như trực tiếp làm công tác tuyển sinh, thi cử. Sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ tới sở, sở tới phòng, phòng tới các trường cũng theo một con đường can thiệp trực tiếp và thể hiện tính ý chí mạnh mẽ.

Cơ chế này giúp các nội dung mệnh lệnh được truyền đi nhanh và có hiệu quả trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nhược điểm của nó sẽ bộc lộ khi cần truyền đạt, thực thi các nhiệm vụ phức tạp (ví dụ như kì thi THPT quốc gia) hoặc khi cần giám sát, đối trọng lẫn nhau (ví dụ ngăn ngừa tiêu cực khi tổ chức thi ở địa phương).

Chính vì thế, bề ngoài tưởng rằng sự kiểm soát của cấp trên đối với cấp dưới là mạnh, nhưng thực tế khi hoạt động theo cơ chế “thẳng đứng” này, sự công chính trở nên mong manh và phụ thuộc vào lương tâm con người (mà lương tâm con người trước quyền lực và quyền lợi còn mong manh hơn nữa). Cho dù khi xảy ra sự việc thì quy trình luôn được mang ra biện minh cho hậu quả.

Vụ việc ông phó phòng Vũ Trọng Lương ở Hà Giang có thể sửa hàng trăm bài thi trong sự “giám sát” của đủ thứ ban bệ là một ví dụ cụ thể. Sẽ đáng lo hơn nữa khi xảy ra tình huống sự gian lận đến từ cấp trên và cấp trên chỉ đạo cho cấp dưới làm. Khi đó hệ thống hành chính tập quyền sẽ bộc lộ nhược điểm của nó.

Đó chính là lý do tại sao cùng với quá trình phân quyền, dân chủ hóa hệ thống hành chính giáo dục, Nhật Bản và nhiều nước khác đã chuyển giao chức năng tổ chức thi và chấm thi cho các tổ chức có pháp nhân độc lập. Ở Nhật, kì thi thứ nhất vào đại học (gần giống như kì thi THPT quốc gia của Việt Nam nhưng không có chức năng xét tốt nghiệp) được Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ ủy thác cho một tổ chức có pháp nhân độc lập gọi là “Trung tâm tuyển sinh đại học”. Trung tâm này sẽ lo liệu tất cả mọi việc từ ra đề, tổ chức thi, chấm thi, công bố điểm và phúc khảo.

Ngoài ra, cơ chế hành chính quan liêu tập quyền trong giáo dục cũng là một rào cản đối với tiến trình tự chủ về nội dung và phương pháp giáo dục ở địa phương và các cơ sở giáo dục. Đây là công việc chủ yếu nhất, quan trọng nhất các trường phải làm khi cải cách giáo dục. Đấy là lý do giải thích tại sao các ý tưởng nằm trong đề án cải cách giáo dục dù đúng đắn về chiến lược vẫn chỉ dừng lại ở trên giấy hoặc hóa thân thành “phong trào” rồi mất tăm.

Cần phải suy ngẫm và tính toán phương án đổi mới triết lý giáo dục trước. Ảnh minh họa

Đổi mới bắt đầu từ triết lý giáo dục

Xem xét các văn bản chỉ đạo và các động thái cải cách giáo dục thời gian qua có thể thấy ý tưởng của Bộ GD&ĐT muốn chọn “thi cử là khâu đột phá” cho cải cách. Rất nhiều người lo ngại chuyện “học gì thi nấy” cho nên rất đồng ý với phương án chọn thay đổi thi cử là giải pháp để tác động trở lại quá trình giáo dục với vô vàn các yếu tố phức tạp.

Tuy nhiên, kiểm tra đánh giá bao gồm thi về bản chất là công việc nhằm thẩm định lại, lượng hóa, định tính hóa xem học sinh đã đạt được mục tiêu giáo dục như thế nào, từ đó cung cấp thông tin cho cơ quan hành chính giáo dục, giáo viên, phụ huynh để điều chỉnh môi trường, hoạt động giáo dục cho phù hợp. Vì vậy, kiểm tra đánh giá không thể nào vượt ra khỏi cái khung “triết lý - mục tiêu” của giáo dục. Khi điểm cốt lõi này không có gì thay đổi thì có cố lắm phạm vi cải cách của hình thức thi cử và các đề thi cũng chỉ là sự sửa đổi bề ngoài hoặc sa vào những thay đổi vụn vặt.

Triết lý - mục tiêu của giáo dục không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, nhìn thấy mà còn tác động âm thầm theo cơ chế cộng hưởng do sự tác động qua lại của rất nhiều yếu tố phức tạp. Vì thế trong vô thức, mọi hành vi giáo dục nảy sinh ở trường học sẽ bị dẫn dắt theo.

Hiện tượng gian lận của các cán bộ có trách nhiệm và thí sinh cho thấy, rất đông học sinh và gia đình học sinh đã tư duy “học để làm quan”. Đã gian lận lại muốn vào học các trường được bao cấp ăn ở, học phí hay các trường có khả năng cao có được việc làm có thu nhập tốt. Đấy là hiện tượng phản ánh trung thành sự yếu kém trong triết lý giáo dục.

Vì vậy, thay vì tư duy “đổi mới thi cử là khâu đột phá cho cải cách giáo dục”, cần phải suy ngẫm và tính toán phương án đổi mới triết lý giáo dục trước, tức là đảo ngược lại logic đang hiện hữu. Giáo dục và cải cách giáo dục ở Việt Nam cần phải đi vào thực chất và chỉ có cách đó mới ngăn ngừa được gian trá.

Nguyễn Quốc Vương

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/gian-lan-thi-cu-tram-ong-luong-nay-moc-ong-luong-khac-neu-464272.html