Gian lận xuất xứ hàng hóa: Cần chế tài đủ mạnh

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mặt hàng 'nước ngoài đội lốt...', xâm phạm đến lợi ích quốc gia, gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất chân chính lẫn người tiêu dùng. Giải pháp nào để xác định đúng xuất xứ hàng hóa đang là vấn đề đang được các cơ quan quản lý, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Nhiều mặt hàng vi phạm xuất xứ hàng hóa

Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, trung bình từ 25-30%/năm. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30%, tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt trên 8 tỷ USD. Đầu tiên phải nói đến là những website thương mại điện tử của các tập đoàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Dienmayxanh, Adayroi… đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua tranh giành người dùng và xác lập vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế số.

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều lô hàng có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ tại ga Sài Gòn

Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thương mại điện tử đã bộc lộ nhiều “tử huyệt” là tiếp tay cho nhiều doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác, xuất xứ là hàng Thái Lan, Malaysia, Việt Nam... để bán được giá cao. Đến khi sự việc vỡ lở ra thì người tiêu dùng là người chịu thiệt hại nhiều nhất. Điển hình như vụ khủng hoảng truyền thông Asanzo mới đây và Khảisilk đình đám trước đó khiến hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam hoang mang.

Nhìn vào kết quả xử lý về buôn lậu, gian lận thương mại gần đây, số lượng hàng hóa bị tịch thu mới thấy người tiêu dùng hiện đang đối mặt với “ma trận” của các loại hàng gian, hàng giả được tạo ra hết sức tinh vi. Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) thống kê, chỉ riêng trong năm 2018, có đến 35.943 sản phẩm vi phạm về nhãn mác, xuất xứ, chất lượng, hàng giả, hàng nhái bị gỡ bỏ tại các sàn thương mại điện tử; trên 3.000 tài khoản bán hàng bị khóa, trong đó có gần 2.800 trường hợp được phản ánh từ người tiêu dùng.

Trong 4 năm (từ 2014 - 2018), lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý 1.024.000 vụ vi phạm; riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách 490 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm nhiều nhất là buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Lĩnh vực vi phạm chiếm số nhiều là vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép, gian lận tên hàng, xuất xứ hàng hóa qua cửa khẩu hải quan và trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cần chế tài đủ mạnh để trị “cầm nhầm” xuất xứ hàng hóa

Hiện tại, Tổng cục Hải quan đang tổ chức điều tra và sẽ có báo cáo chi tiết trong nay mai về các vụ gian lận xuất xứ Việt Nam, kể cả đối với hàng nhập khẩu của nước ngoài đang lưu hành tại Việt Nam. Trong đó kể cả hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - ngành hải quan đã và đang xây dựng giải pháp căn bản để chống gian lận về xuất xứ, giả mạo nhãn mác hàng hóa, chống chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Theo đó, ngành hải quan sẽ xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu về nhóm doanh nghiệp, nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác hàng hóa để áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp.

Trên thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để bán hàng giả, gian lận xuất xứ đã trở thành vấn nạn phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay rất ít doanh nghiệp hoặc website nào dám đứng ra nói thật về những mặt trái về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm mà họ đang kinh doanh, kể cả các doanh nghiệp, website bán hàng trực tuyến lớn.

Từ thực tế cho thấy, nền kinh tế nước nhà và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cần phải được đặt đúng chỗ. Theo đó, nhà nước cần sớm ban hành những quy chuẩn cụ thể về xuất xứ hàng hóa kèm theo các chế tài đủ mạnh để trị vấn nạn “cầm nhầm” xuất xứ hàng hóa vốn đang sinh sôi trên thị trường.

Để lập lại trật tự về kinh doanh trên không gian mạng, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho rằng, việc xây dựng một nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, cùng với đó là dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong giao dịch, buôn bán hàng hóa.

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho rằng, tình hình vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa hiện nay đang diễn biến rất phức tạp và chưa có quy chuẩn chung, dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với cơ quan chức năng và của người tiêu dùng gặp khó khăn. Về quy chuẩn xuất xứ hàng hóa, ông An cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho Cục Xuất nhập khẩu hoàn thiện trong thời gian sớm nhất quy định về xuất xứ “Made in Vietnam” để áp dụng và quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Trước khi các cơ quan chức năng ban hành những quy chuẩn, quy định rõ về xuất xứ hàng hóa thì cũng đã có doanh nhiệp tự cứu lấy mình bằng cách cam kết với người tiêu dùng bán hàng đúng nguồn gốc và cam kết sự thật về chất lượng hàng hóa do mình kinh doanh. Đơn cử như Công ty Cổ phần tập đoàn An Tín giới thiệu với người tiêu dùng với hình thức kinh doanh “An tâm là vô giá” và đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam dám đứng ra nói lên những mặt tiêu cực về nguồn gốc, xuất xứ, chiêu trò của các nhãn hàng đang kinh doanh tại Việt Nam.

Đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn An Tín cho biết, mặc dù mới thành lập năm 2015 nhưng công ty đặt ra hai mục tiêu: giúp người tiêu dùng có được những thông tin đúng đắn nhất trước khi quyết định chọn mua sản phẩm, thông qua sự phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp qua tổng đài 19008080 – 028.77777779 miễn phí hoặc email: info@antincorp.vn. "Công ty sẽ đóng vai trò là trung tâm đối chứng, so sách chuẩn về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Việc làm này nhằm góp phần tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh, nhất là thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đưa các sản phẩm của các nhãn hàng về đúng giá trị thật của nó”, vị đại diện doanh nghiệp An Tín cam kết. Tiếc rằng, hình thức kinh doanh như doanh nghiệp An Tín hiện nay còn quá ít trên thị trường, vì vậy người tiêu dùng rất cần sự đồng thanh và đồng tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, giao thương hàng hóa.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-can-che-tai-du-manh-122437.html