Gian nan chống xe chở quá tải (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Kiên quyết ngăn chặn xe chở quá tải bùng phát trở lại - Theo Chỉ thị 32/CT-TTg, ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải (XQT) hoạt động trên địa bàn. Thế nhưng, rõ ràng chỉ thị này chưa “thấm” tới một số địa phương. Vì vậy, vừa qua Thủ tướng đã có ý kiến giao Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn tình trạng XQT tái diễn nhằm bảo đảm ATGT, tạo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải (KDVT).

* Bài 1: Xe chở quá tải đại náo vùng ven

Nhiều doanh nghiệp vận tải mất niềm tin

Trong khi nhiều nơi vẫn làm nghiêm công tác kiểm soát tải trọng (KSTT) thì tại một số địa phương, “cuộc chiến” chống XQT đang có dấu hiệu chùng xuống. Có nơi dừng hẳn hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng (KTTT) khi kế hoạch phối hợp về KSTT phương tiện giữa liên bộ GTVT và Công an kết thúc. Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn còn khoảng 13 trạm KTTT trên cả nước đang dừng hoạt động.

Điều này dẫn đến tình trạng nơi lỏng, nơi chặt, gây mất công bằng trong hoạt động KDVT với những DN làm ăn chân chính. Thậm chí một số DN có dấu hiệu đứng trên “bờ vực” phá sản do vừa đầu tư thêm hàng loạt xe mới mà không có hàng để chạy vì bị các xe chở hàng quá tải cạnh tranh. Nếu chở đúng tải, giá cước cao hơn sẽ không có khách, còn chở quá tải để cạnh tranh thì lại vi phạm quy định.

Chia sẻ những bức xúc, đại diện DN vận tải Hiệp Phú Lâm (TP Hồ Chí Minh) cho biết, DN đã rất tự giác cải tạo sơ-mi rơ-moóc để chấp hành đúng quy định tải trọng trục mỗi xe mất hơn 20 triệu đồng, với 10 đến 20 xe. DN này đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, đây là một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, để đổi lại có một môi trường KDVT lành mạnh, DN sẵn sàng đầu tư và chấp hành, nhưng rồi cuối cùng cũng “bằng nhau” với DN chạy quá tải. Thí dụ như ở cảng Sài Gòn và cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), các DN vận tải ở đây chấp hành rất nghiêm việc chở đúng trọng tải, còn chỗ khác vẫn cố tình xếp hàng quá tải để cạnh tranh về giá, giành thị phần, nên giá cước vận tải luôn rẻ hơn từ 700 đến 800 nghìn đồng/chuyến. Điều này khiến nhiều DN thua thiệt đủ đường do không có nguồn thu, không có hàng để chạy, trong khi lãi ngân hàng vẫn tính từng ngày.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến cho rằng, tình trạng xe chở quá tải hiện nay đang là vấn đề nhức nhối của ngành GTVT. Thực tế tại các cảng, bến thủy nội địa vẫn xuất hiện nhiều DN sử dụng các xe tải chở hàng hóa gấp đôi, gấp ba tải trọng cho phép rồi chạy qua những con đê, con đường chỉ chịu được 12 đến 13 tấn mà không hề bị xử lý. Việc này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến các DN vận tải làm ăn chân chính ở Hải Phòng, bởi cứ xe nào chịu chở quá tải thì có nhiều mối hàng. Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý siết chặt các xe vận tải đường sông, có hướng xử lý nghiêm nếu xe ra vào bến thủy nội địa không đủ điều kiện, phải có chế tài cứng rắn ngăn chặn như thu giữ phương tiện, rút giấy phép kinh doanh,...

Có thể thấy, công tác KSTT phương tiện trong thời gian qua được Chính phủ rất coi trọng và chỉ đạo sát sao, từ đó các DN hoạt động chân chính tin tưởng rằng hiệu quả công tác này đem lại sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho thị trường vận tải. Nhiều DN làm ăn chân chính nhận thấy công tác KSTT làm rất nghiêm cho kết quả tốt, không còn phải cạnh tranh về giá cước vận tải bằng cách chở quá tải trọng cho phép nên đã tin tưởng đầu tư, cải tạo phương tiện. Tuy nhiên, sau khi kết thúc kế hoạch phối hợp KSTT giữa hai bộ GTVT và Công an, lực lượng CSGT nhiều tỉnh, thành phố đã rút khỏi các trạm KTTT liên ngành thì vấn nạn XQT, quá khổ tải lại có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây nhức nhối trong dư luận.

Cần tiếp tục phối hợp liên ngành

Hiện tình trạng XQT, quá khổ chở VLXD tái diễn chủ yếu lưu thông trên các tuyến đường như quốc lộ (QL) 18, đoạn qua huyện Đông Triều (Quảng Ninh), QL 19 về tập kết tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (Bình Định), một vài tuyến quốc lộ huyết mạch khác như QL 1, 6, 5, 18, 13, 14 qua khu vực Tây Nguyên,… gần các bãi tập kết, mỏ VLXD. Trong ngày 10-7 vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đi kiểm tra tại QL 51 và QL 1 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, phát hiện hàng chục xe chở quá tải trọng từ 30% đến 160%, vi phạm chiều cao kích thước thùng xe lên đến 50 cm. Nhận thấy tần suất hoạt động của các XQT, quá khổ tại đây rất lớn và vi phạm nghiêm trọng, đoàn công tác đã yêu cầu các lái xe xuất trình giấy tờ để xử lý. Tuy nhiên, không những không chấp hành yêu cầu, nhiều lái xe, chủ xe tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối như đóng cửa xe bỏ đi hay ngồi lỳ bên trong không chịu xuống làm việc... gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, xử lý. Chỉ khi đoàn công tác đề nghị cẩu những xe vi phạm này về nơi xử lý hoặc kiên quyết dùng biện pháp mạnh đưa xe đi cắt bỏ thành thùng về kích thước cho phép thì họ mới chịu hợp tác.

Sau hai năm phối hợp thực hiện kế hoạch KSTT xe giữa liên bộ GTVT và Công an, lực lượng liên ngành trên cả nước đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra, xử lý XQT và đạt những kết quả khả quan khi có hơn 90% số XQT được dẹp bỏ. Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT dừng phối hợp, tại các trạm KTTT xe chỉ còn lực lượng Thanh tra Giao thông (TTGT) thì hiệu quả đã giảm sút rõ rệt. Nguyên nhân do trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, chức năng nhiệm vụ của lực lượng CSGT có tính toàn diện hơn bởi đây là lực lượng vũ trang nên uy lực trong thực thi pháp luật cao hơn. Trong khi đó, quyền hạn của TTGT vẫn còn hạn chế do chỉ là lực lượng công chức với chức năng chính là kiểm tra yếu tố liên quan đến mất ATGT về kết cấu hạ tầng và thực hiện các quy định pháp luật về KDVT đối với DN, chủ xe nhiều hơn là trực tiếp tuần tra, kiểm soát. Các lái xe và chủ xe thường có thái độ coi thường, bất hợp tác, rất khó xử lý triệt để. Vì vậy, việc duy trì sự phối hợp liên ngành giữa hai đơn vị này là điều cần thiết.

Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận, 10% số XQT còn lại chủ yếu là các xe chạy trong các mỏ VLXD, đa số các DN này được bảo kê nên cố tình chở quá tải. Bên cạnh đó, một số nhà thầu thi công, DN cảng, mỏ, DN vận tải dù ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đi kiểm tra đột xuất vẫn phát hiện vi phạm. Vì vậy, tiếp nối những kết quả đã đạt được cùng sự quyết tâm kiểm soát 10% số xe cố tình vi phạm chở quá tải còn lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp KSTT liên ngành để công tác chống XQT đạt hiệu quả cao hơn. Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ ra quân đồng loạt, kiểm tra đột xuất ngày và đêm, sẽ tăng cường xử lý XQT, nhất là tại khu vực Hà Nội và những nơi cung cấp nguồn VLXD lớn lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình,…

Tình trạng XQT hoạt động chủ yếu bắt nguồn từ các đầu mối bốc xếp hàng hóa, đặc biệt tại các bến sông, cảng sông, cảng thủy nội địa, mỏ và địa điểm tập kết VLXD,… Để kiểm soát tình trạng này cần gắn xử lý trách nhiệm của các DN quản lý bến, mỏ, bãi,… chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng XQT “hoành hành” thì mới mong hạn chế được phương tiện này. Đồng thời cần có chế tài mạnh như tăng thời gian tạm giữ phương tiện, rút giấy phép hoạt động, tăng mức phạt các chủ DN vận tải, chủ kho hàng, bến bãi vi phạm. Cùng với đó, cần siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành XQT, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cần nghiên cứu nâng cao chất lượng của cân tải trọng lưu động. Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) kiên quyết không đăng kiểm những phương tiện cơi nới kích thước thùng xe trái quy định. Từ đó sẽ giúp thiết lập một môi trường KDVT bình đẳng, lành mạnh.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 20-7-2017.

Các DN vận tải nhận thấy việc chống XQT là chính sách rất đúng đắn mà DN và Nhà nước cùng làm để bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ không bị xuống cấp, bảo đảm sự công bằng trong hoạt động KDVT. Tuy nhiên, cần đưa ra quy định cụ thể, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và phải xử lý cơ quan nào nếu XQT tái diễn. Ngoài ra, việc kiểm tra XQT cũng cần thường xuyên hơn và có sự thống nhất thì thị trường vận tải sẽ dần minh bạch và sòng phẳng hơn.

Bùi Văn Quản

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh

Tính đến ngày 15-6, các lực lượng chức năng trên cả nước tại các trạm KTTT lưu động, cố định sử dụng cân tải trọng đã kiểm tra gần 125 nghìn xe, xử lý hơn 14 nghìn xe vi phạm về tải trọng và kích thước thành thùng xe, tước hơn 4.300 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Ngân sách nhà nước gần 140 tỷ đồng.

(Nguồn: Tổng cục Đường bộ Việt Nam)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/giao-thong/item/33532602-gian-nan-chong-xe-cho-qua-tai-tiep-theo-va-het.html