Gian nan chuyện vay thế chấp nhà

Mua xong nhà mới đi vay: Bó tay! Khách hàng chỉ còn cách là làm thủ tục vay sửa chữa nhà.

Các ngân hàng vẫn đua nhau giới thiệu nhiều gói hỗ trợ cho vay với lãi suất rất ưu đãi, thủ tục đơn giản, thuận tiện. Tuy nhiên, khách hàng muốn vay, nhất là khách hàng cá nhân khi vay tiền bằng cách thế chấp nhà thì lại không dễ dàng chút nào. Có nhà cũng... chịu! Trong vai người cần vay tiền, địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến là phòng Hỗ trợ khách hàng của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) trên đường Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM. Gặp nhân viên tín dụng, tôi trình bày hiện tại có một căn nhà và muốn thế chấp để vay số tiền khoảng 150 triệu đồng. Tôi trình bày trước đây mua nhà thiếu tiền nên phải vay người thân, giờ muốn thế chấp căn nhà vay tiền ngân hàng để trả lại. Suy nghĩ một lúc, cô nhân viên tên T. cho biết chính sách của ngân hàng là không ưu tiên đối tượng vay này. “Nếu trước khi mua nhà, anh đến vay thì có thể được chứ mua rồi mới đến vay thì rất khó” - cô T. nói. Lý do theo cô T. thì hiện thời VietinBank không ưu tiên đối tượng vay này. Cũng với lý do vay trả nợ, chúng tôi tìm đến Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên, cũng như VietinBank, sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do vay, anh nhân viên tên H. bảo hiện tại Ngân hàng Đông Á không ưu tiên cho đối tượng vay thế chấp nhà để lấy tiền trả nợ giống như trước đây. Lý do mà nhân viên này đưa ra là nguồn thu chi của Đông Á đã cân bằng nên việc cho vay cũng chặt chẽ hơn trước. “Nhiều khách hàng vay theo kiểu thế chấp nhà như anh chị nhưng không được. Bây giờ chỉ có cách anh lên quận xin giấy phép sửa chữa nhà, sau đó làm hồ sơ vay ngân hàng để sửa chữa nhà. Vay sửa chữa thì được bởi hiện ngân hàng vẫn đang có chủ trương cho vay theo dạng này. Tuy nhiên, thủ tục hơi lâu vì phải qua nhiều giai đoạn” - anh H. tư vấn thêm. Thủ tục rườm rà, lãi suất cao Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại vẫn cho phép khách hàng vay theo dạng thế chấp tài sản nhưng khá mất thời gian và lãi suất khá cao. Mức lãi suất vay thế chấp mà Ngân hàng Techcombank quy định hiện là 13,25%/năm. Lãi suất đó ổn định trong ba tháng đầu tiên, sau đó sẽ điều chỉnh theo thị trường. Ví dụ, khách hàng muốn vay 300 triệu đồng trong thời hạn năm năm thì một tháng họ phải trả khoảng 8,5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Techcombank cho phép khách hàng chỉ được dành 40%-50% tổng số lương để trả nợ ngân hàng. Nghĩa là với số tiền phải trả là 8,5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi thì khách hàng phải có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên mới đủ điều kiện vay. Ngoài ra, người vay phải thế chấp giấy tờ gốc nhà, kèm theo đó là phải có hợp đồng lao động, bảng lương trong vòng ba tháng... Nếu tới hạn mà khách hàng chưa có tiền đóng thì sẽ bị phạt, thậm chí trả trước thời hạn cũng bị phạt. Techcombank quy định nếu khách hàng trả trước 1/3 thời hạn vay sẽ bị phạt 2% tổng số tiền vay, trả trước 1/2 thời hạn sẽ là 1%. Chị L. (quận 2, TP.HCM) vẫn chưa quên nỗi khổ khi vay thế chấp ngân hàng dù chị có quen biết. Chị L. mua một căn nhà mà chủ cũ cũng đang vay ngân hàng nên bắt buộc chị phải sử dụng dịch vụ vay trọn gói của Techcombank. Vì vậy, để được vay 140 triệu đồng, ngoài việc phải mất thời gian hai tháng lo thủ tục, chị L. còn phải tốn gần năm triệu đồng trả phí cho ngân hàng. Hiện nay, do các ngân hàng đang dần siết lại các khoản vay nên nhiều người khi muốn vay tiêu dùng đã chuyển sang vay tại các công ty cho vay tài chính. Đặc điểm dịch vụ của các công ty tài chính là thủ tục cho vay nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, thời hạn giải ngân nhanh chóng, thời gian vay linh hoạt. Tuy nhiên, điều mà nhiều khách hàng e ngại là mức lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra từ 16%-18%/năm, cao hơn hẳn so với lãi suất ngân hàng. Mức lãi suất này được coi là quá sức đối với người có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/kinh-te/view.aspx?news_id=268447