Gian nan công cuộc tìm kiếm đồng minh của Tổng thống Pháp Macron

Lãnh đạo các phe đối lập cho rằng đã đến lúc Tổng thống Pháp phải chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình, phải học cách đàm phán, thỏa hiệp…

Sau khi để mất thế đa số trong cuộc bầu cử cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán khó khăn với các đảng đối lập để cứu vãn chương trình nghị sự cải cách của ông.

Tổng thống Macron đã gặp lãnh đạo của các đảng đối lập hôm 21/6, đánh dấu bước đầu tiên tiến tới các cuộc đàm phán khó khăn về thành lập liên minh.

Việc mất thế đa số tuyệt đối tại nghị viện có nghĩa là liên minh theo đường lối trung dung "Ensemble" (Chung sức) của ông Macron cần sự hỗ trợ từ các phe đối lập để cứu vãn chương trình cải cách của Tổng thống. Ensemble hiện còn thiếu 44 ghế để đảm bảo vị thế đa số tuyệt đối.

Theo quy định, một liên minh cần ít nhất 289 ghế để giành được thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội có 577 thành viên.

Các cuộc họp tại Điện Élyseé (Phủ Tổng thống) ở Paris diễn ra sau khi Thủ tướng mới được bổ nhiệm Elisabeth Borne chính thức đệ đơn từ chức hôm 21/6. Tuy nhiên, để giữ cho chính phủ của mình tiếp tục hoạt động, ông Macron đã nhanh chóng bác đề nghị của bà Borne.

Công cuộc tìm kiếm liên minh bắt đầu

Sự phân mảnh trong chính trị sau cuộc bầu cử có nghĩa là Tổng thống Macron và các đồng minh có thể cần đàm phán trên cơ sở từng dự luật một với các đảng đối lập để tìm ra các ưu tiên chính trị phù hợp.

Liên minh trung hữu do Đảng Cộng hòa - Les Republicains (LR) dẫn đầu, giành được 61 ghế, được coi là đồng minh tiềm năng cho Ensemble của ông Macron. Đó cũng có thể là lý do vì sao cuộc gặp đầu tiên của ông Macron hôm 21/6 là với nhà lãnh đạo bảo thủ Christian Jacob.

Sau cuộc gặp, ông Jacob cho rằng ông Macron là kẻ “kiêu ngạo” trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Ông Jacob tuyên bố, LR sẽ không tham gia "hiệp ước hay liên minh" nào với đảng của ông Macron, và LR sẽ vẫn ở trong phe đối lập.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay Christian Jacob, người đứng đầu đảng bảo thủ Pháp Les Republicains (LR), sau cuộc gặp tại Điện Élyseé ở Paris, Pháp, ngày 21/6/2022. Ảnh: Inquirer

"Chúng tôi sẽ không phản bội những người đã đặt niềm tin vào chúng tôi. Họ đã bỏ phiếu cho chúng tôi, không phải để chúng tôi tham gia vào bất kỳ một liên minh cũ nào một cách thiếu suy nghĩ", ông Jacob nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, ông Jacob cho biết, ông sẽ không "chặn các thể chế", để ngỏ khả năng bỏ phiếu ủng hộ các chính sách phù hợp với cương lĩnh của LR, bao gồm cải cách lương hưu và nâng tuổi nghỉ hưu.

Đảng LR của ông Jacob là khối duy nhất vừa đủ lớn theo quyền riêng của mình để cho khối của Macron chiếm đa số, đồng thời không công khai và rõ ràng là thù địch với tổng thống.

Kỷ nguyên Tổng thống tự quyết đã qua

Sau cuộc gặp với ông Jacob, ông Macron cũng đã gặp Olivier Faure, người đứng đầu Đảng Xã hội, một đối tác trong khối liên minh NUPES cánh tả.

Ông Faure cho biết, đảng của ông sẽ sẵn sàng ủng hộ các đề xuất chính sách của ông Macron nếu Tổng thống tiếp thu một số ý tưởng của liên minh NUPES. Liên minh cánh tả đã đề xuất một biện pháp để tăng mức lương tối thiểu hàng tháng từ khoảng 1.300 Euro lên thành 1.500 Euro (khoảng 1.369 USD đến 1.580 USD)

“Chúng ta đã có một thời kỳ được gọi là thời kỳ Jupiterian khi Tổng thống một mình ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai”, ông Faure nói với các phóng viên.

"Kể từ bây giờ... ông ấy buộc phải chấp nhận một vai trò lớn hơn cho quốc hội... và điều tuyệt vời hơn là ông ấy phải chịu trách nhiệm, đàm phán, tìm kiếm các điểm thống nhất".

Tuy nhiên, đảng trung tả của ông Faure chỉ nắm giữ 26 trong số 137 ghế của lien minh NUPES, do đó, không đủ để giúp ông Macron hoàn thành mục tiêu giành lại thế đa số.

Phần lớn ghế của NUPES (71) thuộc về đảng cực tả La France Insoumise (Nước Pháp bất khuất) của ông Jean-Luc Mélenchon. Nhưng đảng này ít có khả năng tìm thấy điểm chung với ông Macron.

Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc hội đàm tại Điện Élyseé ở Paris, Pháp, ngày 21/6/2022. Ảnh: China Daily

Tổng thống Macron cũng chuẩn bị gặp lãnh đạo cực hữu và đối thủ trong vòng bầu cử Tổng thống nước rút hồi tháng, bà Marine Le Pen. Đảng cực hữu Rassemblement National (Tập hợp quốc gia) của bà đã giành được thành tích bầu cử tốt nhất từ trước đến nay, với 89 ghế trong quốc hội khóa tới.

Kịch bản tệ nhất

Văn hóa chính trị của Pháp khác với Đức, nơi các liên minh chính trị phổ biến hơn.

Cuộc bầu cử năm 2022 là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đương nhiệm không giành được thế đa số trong kỳ bầu cử lập pháp kể từ thời cựu Tổng thống Francois Mitterand năm 1988.

Nếu Ensemble của ông Macron không giành được sự ủng hộ từ phe đối lập, Pháp có thể sẽ đối mặt với tình cảnh bế tắc chính trị mà cuối cùng có thể buộc Tổng thống Macron phải giải tán quốc hội và tiến hành một cuộc bầu cử mới.

Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng đối lập cực tả Pháp La France Insoumise và lãnh đạo liên minh NUPES chụp ảnh với các thành viên mới đắc cử của quốc hội trước tòa nhà Quốc hội tại Paris, Pháp, ngày 21/6/2022. Ảnh: Inquirer

Minh Đức (Theo DW)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gian-nan-cong-cuoc-tim-kiem-dong-minh-cua-tong-thong-phap-macron-a557330.html