Gian nan công tác đấu tranh phòng chống vi phạm lâm luật

Sau vụ việc Bộ Công an bắt quả tang 2 xe tải chở gần 40m3 gỗ tại khu vực thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắc Nông liên quan đến đối tượng Phan Hữu Phượng xảy ra vào ngày 27-4, chúng tôi về Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk công tác. Sự trầm lắng hiện hữu trên gương mặt của người chỉ huy cao nhất cho đến những chiến sĩ mới vừa nhập ngũ. Sai phạm, khuyết điểm của những cá nhân ở hai Đồn Biên phòng Bo Heng và Yok Đôn ở mức độ nào, đang chờ cơ quan điều tra đưa ra câu trả lời, nhưng có một điều chắc chắn rằng, vụ việc trên đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh của người chiến sĩ Biên phòng đang ngày đêm 'đội nắng dầm sương' vì sự bình yên biên giới. Thế mới biết, công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng BĐBP gian nan, khắc nghiệt đến nhường nào...

BĐBP Đắk Lắk phối hợp với lực lượng Kiểm lâm bắt giữ một vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Niềm tin không bao giờ đánh mất

Do đặc thù địa bàn có Vườn quốc gia Yok Đôn và những cánh rừng phòng hộ, phía đối diện vẫn là những thảm rừng nguyên sinh ngút ngàn tầm mắt nên có thể nói, tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk là một trong những khu vực trọng điểm diễn ra các hoạt động vi phạm lâm luật. Song song với kiểu “kiếm cơm” nhỏ lẻ của đám “lâm tặc con” là cư dân sinh sống tại khu vực biên giới, có thời điểm, những “lâm tặc chúa” núp bóng doanh nghiệp cũng manh động xuất đầu lộ diện làm phức tạp tình hình, tạo thêm “gánh nặng” trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của lực lượng BĐBP. Có kẻ phá thì ắt có người chống. Từ nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Bộ Tư lệnh BĐBP và lãnh đạo chính quyền địa phương, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đã nỗ lực vượt khó, kiên quyết đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm lâm luật.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cư dân vùng biên giới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn chặt phá rừng làm nương rẫy và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, lực lượng BĐBP tỉnh còn đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ vi phạm lâm luật qui mô lớn, cùng với các lực lượng chức năng và cấp ủy chính quyền địa phương các cấp giữ vững màu xanh cho những cánh rừng đầu nguồn biên giới.

Cũng chính vì xử lý một cách hiệu quả, kiên quyết, nhiều vụ việc vi phạm lâm luật mà BĐBP Đắk Lắk đã tạo dựng được niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con biên giới. Năm 2004, căn cứ vào tình hình thực tế vai trò trách nhiệm của BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định giao 5.726ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn biên giới trên 7 tiểu khu, thuộc địa bàn 2 xã Ea Bung và Ia Rvê, huyện Ea Suop cho BĐBP tỉnh quản lý, bảo vệ.

Lần đầu tiên, ở Tây Nguyên, “chủ rừng” là những người lính mang quân hàm xanh. Cũng vì thế, gần 15 năm qua, 7 tiểu khu rừng phòng hộ trải dài trên địa bàn hai xã luôn được các đồn Biên phòng bảo vệ, canh giữ một cách nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng. Hằng năm, cùng với các cơ quan chức năng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, nghiệm thu và toàn bộ diện tích rừng phòng hộ biên giới do BĐBP làm chủ đều được đánh giá đạt những tiêu chí đề ra.

Rõ ràng, niềm tin của chính quyền địa phương và nhân dân đã được trao đúng chỗ. Với sự nỗ lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm của BĐBP Đắk Lắk, niềm tin ấy không bao giờ bị đánh mất, để cho những cánh rừng phòng hộ trên biên giới mãi tươi xanh.

Gian nan công tác đấu tranh, bảo vệ rừng

Trong khi ở phía Bắc (7 tiểu khu rừng phòng hộ do BĐBP Đắk Lắk làm chủ rừng) được bảo vệ nghiêm ngặt, tình trạng xâm hại được ngăn chặn kịp thời, thì ở hướng Nam (khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn), vấn nạn nêu trên vẫn thi thoảng xuất hiện, mặc dù với tần xuất không phải lớn. Tại đây, tuy không phải là chủ rừng, song các đồn Biên phòng vẫn thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật. Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh còn đẩy mạnh công tác nắm tình hình, triển khai các kế hoạch truy quét cao điểm, bắt giữ, xử lý nghiêm nhiều vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

“Cuộc chiến đấu tranh chống lâm tặc ở thời điểm nào cũng hết sức gian nan. Tuy nhiên, chúng tôi xác định rõ là phải luôn kiên quyết đấu tranh đến cùng. Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và lãnh đạo chính quyền tỉnh Đắk Lắk, các đồn Biên phòng tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt giữ đối với những hành vi vi phạm lâm luật và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, tiếp tay cho các hoạt động xâm hại đến những cánh rừng đầu nguồn biên giới...” - Đại tá Tống Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk khẳng định.

Theo số liệu báo cáo của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Đắk Lắk từ năm 2016 đến nay, các đơn vị đã phối hợp bắt giữ 19 vụ/24 đối tượng, tịch thu hơn 35m3 gỗ các loại, gần 12 tấn than củi, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 128,3 triệu đồng, sung vào công quĩ. Con số này chưa phải là lớn, song nó thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ kiên quyết của một lực lượng vốn chỉ đóng vai trò tham gia phối hợp trong đấu tranh phòng chống vi phạm lâm luật. Số lượng vụ việc không lớn, nhưng tính chất vụ việc có thể nói là khá nghiêm trọng, bởi thủ đoạn hoạt động của lâm tặc ở địa bàn nào cũng như nhau: Manh động, liều lĩnh và biến hóa khôn lường.

Thượng úy Đ.T.N, trinh sát viên thuộc Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Đắk Lắk tâm sự: “Đối tượng lâm tặc hoạt động trên địa bàn rất đa dạng, vừa là người địa phương, vừa là người từ nơi khác đến, trong đó có cả những đối tượng nghiện ma túy. Khi bị lực lượng BĐBP bắt giữ, chúng giở ra rất nhiều thủ đoạn như xin xỏ, thậm chí là mua chuộc. Sau khi dùng “quyền lực mềm” không hiệu quả, chúng quay sang đe dọa, tụ tập đông người để tẩu tán tang vật... Tuy nhiên, anh em chúng tôi xác định phải kiên quyết đấu tranh đến cùng đối với tất cả những hành vi vi phạm lâm luật”.

Dùng những “quyền lực mềm” là chiêu trò được các đối tượng lâm tặc sử dụng trong các vụ vận chuyển lâm sản số lượng lớn. Đây thực sự là thử thách không hề đơn giản, đòi hỏi người lính Biên phòng phải có đủ bản lĩnh để vượt qua. Một điều rất đáng ghi nhận là trong những năm gần đây, BĐBP?Đắk Lắk không để xảy ra tình trạng phá rừng thuộc địa bàn đơn vị phụ trách.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gian-nan-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-vi-pham-lam-luat/