Gian nan 'cuộc chiến' chống... 'ươi tặc'

Không phải ngẫu nhiên, cuộc họp báo ngày 4.6 vừa qua tại Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước, mọi người đặc biệt quan tâm đến tình trạng chặt phá ươi rừng (tức trái đười ươi) đang trở nên rất nóng ở Bình Phước.

Ươi được khai thác từ rừng và rất vất vả mới đưa ra khỏi rừng. Ảnh: C.V

Theo ông Đoàn Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp (địa bàn có diện tích rừng ươi lớn nhất tỉnh Bình Phước): “Chưa bao giờ “cuộc chiến” chống lại những kẻ chặt phá cây ươi, lại gian nan khó khăn như bây giờ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không lùi bước”.

Hấp lực… khai thác trái ươi

Hàng năm, cứ từ độ tháng 4 đến tháng 7, những cánh rừng ươi trải khắp các huyện giáp ranh biên giới Campuchia của tỉnh Bình Phước lại nặng trĩu trái. Đây là khoảng thời gian cây ươi ra trái nhiều nhất trong năm và chín đều... Hàng trăm thanh niên ở các xã vùng biên của các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh… lại lũ lượt khăn gói, chạy các xe gắn máy lội rừng, mang theo cưa, dao… để vào rừng chặt ươi lấy trái.

Ông Nguyễn Văn Thanh (trú xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) cho biết: “Thông thường, với loại ươi chín già, chỉ cần rung nhánh cây là hàng chục ký ươi rơi từ cây xuống, tha hồ mà lượm. Loại ươi này gọi là ươi bay (loại 1). Tuy nhiên, có những cây ươi cao từ 20 – 30m, không ai đủ sức leo lên cây mà rung nhánh cả; nên hầu hết là … chặt hạ cây, sau đó thu lượm không sót hạt nào”.

Hiện giá mỗi kilogram hạt ươi khô được thương lái thu mua từ 400 – 500 ngàn đồng. Vì vậy, hấp lực khai thác hạt ươi rừng cuốn hút rất nhiều người dân. Ngoài giá trị dinh dưỡng, hạt ươi còn là món giải khát có tác dụng điều hòa khí huyết, làm mát cơ thể, giống như vị thuốc lành, thanh nhiệt, không gây hại cho cơ thể…

Do đó, khai thác trái ươi càng trở nên hấp dẫn đối với nhiều người dân. Mỗi người, chỉ cần vào rừng rung cây lượm quả ươi chín, mỗi ngày đã thu được 12 – 15 kg ươi khô bay rụng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ, nếu quy ra thành tiền – từ 4-5 triệu đồng/người/ngày. Với những người khai thác ươi theo kiểu “thảm sát” chặt hạ cây để lấy “nguyên con”, thì mức thu nhập trên gấp 3-4 lần.v.v…

Trái ươi từ lâu là loại hạt có giá trị kinh tế rất cao và là loại cây thuốc quý. Ảnh: CT

“Cuộc chiến” với … “ươi tặc”

Ông Nguyễn Cảnh Đồng – cán bộ bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập – cho biết: “Đây quả là một “cuộc chiến” hết sức cam go, đầy gian nan. Thí dụ: Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm trên địa bàn 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập, với 25.600 ha. Do đặc điểm của cây ươi có chu kỳ ra hoa và đậu quả từ 4-5 năm.

Mặt khác, quả ươi có giá trị kinh tế cao, nên nguy cơ các đối tượng xâm nhập để khai thác vào mùa ươi chín là rất cao. Ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cây ươi phân bố khá rộng và nhiều. Mặc dù chúng tôi đã có rất nhiều phương án bảo vệ cây ươi; tuy nhiên, hiện tượng nhiều người vào rừng khai thác ươi vẫn liên tục xuất hiện. Thậm chí, các đối tượng khai thác ươi không đợi cho quả ươi chín rụng xuống (ươi bay) để nhặt, mà sử dụng cưa tay, dao, rựa để chặt cành hoặc cưa gốc sau đó nhặt quả già đem về bán cho các thương lái”.

Ông Đoàn Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp – cho hay: “Là huyện giáp ranh biên giới Campuchia, Bù Đốp có tới 6.400 ha rừng tự nhiên (chủ yếu phân bổ ở xã Phước Thiện, thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Mập). Trong những cánh rừng tự nhiên, có rất nhiều cây ươi. Do đó, hàng năm, từ tháng 4, cây ươi cho trái chín, lại là lúc các lực lượng phải nỗ lực đấu tranh với những đối tượng vào rừng khai thác trái ươi”.

Theo ông Thảo, gần đấy, bên kia biên giới, phía Campuchia mở đường giao thông. Vì vậy, rất nhiều người dân qua lại biên giới đã thường xuyên xâm phạm lâm phần rừng tự nhiên để đi lại. Thêm vào đó, có 8 dự án trồng cao su và cấp đất an sinh, dẫn tới nhiều lối đi đã mở vào rừng, khiến cho việc quản lý và bảo vệ rừng thêm phức tạp, khó khăn hơn nhiều. Mặc dù, cơ quan kiểm lâm đã mở 8 chốt bảo vệ thuộc lâm trường và 10 chốt kiểm lâm, nhưng vẫn quá mỏng…

Chính các lý do trên khiến cho “cuộc chiến” chống “ươi tặc” hiện nay gặp nhiều gian nan. Theo ông Thảo, công tác chống “ươi tặc” được chính quyền địa phương hết sức coi trọng. UBND huyện Bù Đốp đã triển khai công tác ngăn chặn người dân vào rừng xâm hại rừng, nhất là khai thác ươi. Chính quyền chỉ đạo các lực lượng chốt chặn, ngăn người và phương tiện vào rừng.

Tính đến nay, huyện Bù Đốp đã nhắc nhở, trục xuất ra khỏi rừng 201 lượt người có ý định vào rừng chặt, lượm hạt ươi. Từ ngày 4 – 26.4 vừa qua, phát hiện 22 vụ vi phạm về khai thác ươi. Trong đó, có 11 vụ cưa cây ươi, 4 vụ vận chuyển hạt ươi, 4 vụ tỉa cành lấy hạt, 3 vụ vào thu lượm. Tạm giữ 15 xe máy, 199 kg hạt ươi, cùng nhiều phương tiện khác như võng, cưa, dao, búa…

Cơ quan chức năng cũng phá bỏ 7 chòi dựng trái phép trong rừng, lập biên bản vi phạm đối với 24 cá nhân khai thác ươi. Điều đau xót, qua các vụ trên, có tới 22 cây ươi đã bị chặt hạ để lấy hạt; trong đó, có những cây có đường kính từ 15-75cm, cao từ 15-29m, với trữ lượng gỗ gần 30m3… UBND huyện Bù Đốp đã chỉ đạo kỷ luật ông Nguyễn Văn Hải – phó Công an xã Phước Thiện, do hành vi cấp giấy phép cho người dân khai thác ươi trái thẩm quyền.v.v…

Hình ảnh một cây ươi 15 năm tuổi bị các đối tượng khai thác ươi đốn hạ. Ảnh: TN

Làm gì để công tác chống “ươi tặc” đạt hiệu quả?

Ông Nguyễn Cảnh Đồng (Vườn quốc gia Bù Gia Mập) cho rằng: “Sau khi xác định được các khu vực phân bố ươi và số lượng cây ươi có quả, Ban quản lý Vườn đã chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm, phối hợp với các cộng đồng nhận khoán tăng cường công tác tuần tra bảo vệ cây ươi có quả.

Với phương châm bảo vệ tận gốc, ngăn chặn từ xa, các cộng đồng nhận khoán thường xuyên cắt cử người kết hợp tuần tra lửa rừng với tuần tra bảo vệ ươi, Hạt Kiểm lâm tổ chức chốt chặn, kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện đi qua khu vực Vườn quốc gia, cùng với các cộng đồng nhận khoán tuần tra bảo vệ các khu vực phân bố ươi.

Song song với công tác tuần tra bảo vệ, thì đơn vị còn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, phát thanh trên đài phát thanh 3 xã vùng đệm về các quy định của pháp luật, trong công tác bảo vệ rừng, để tuyên truyền người dân không xâm nhập Vườn quốc gia khai thác lâm sản nói chung và khai thác ươi nói riêng”.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ, nên đến thời điểm này, trên toàn lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập vẫn chưa để xảy trường hợp nào bị cưa hạ cây ươi trái phép.

So với năm 2014, bị cưa hạ 2 cây, bị chặt cành 14 cây, thì có thể xem đây là kết quả khả quan cho sự nỗ lực của cán bộ nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, các đơn vị nhận khoán trong công tác bảo vệ, ngăn chặn khai thác ươi trái phép tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Và có thể xem đây là những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ cây ươi trong những năm tiếp theo.

Đông Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/gian-nan-cuoc-chien-chong-uoi-tac-611411.ldo