Gian nan 'cuộc chiến' xóa bỏ hủ tục trong đời sống đồng bào Mông ở Quan Sơn: Bài cuối: 'Cởi trói' từ nhận thức đến hành động

Để thay đổi tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông, vấn đề quan trọng là phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đó là kinh nghiệm được rút ra từ 'cuộc chiến' chống hủ tục trong đồng bào Mông ở Quan Sơn.

Một góc bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy. Ảnh: Nguyễn Đạt

Mưa dầm thấm sâu.

Để nâng cao nhận thức của người Mông trong việc thực hiện nếp sống mới là điều không hề dễ nếu như không có những người “đi tiên phong”, bám dân, bám bản, trực tiếp làm công tác vận động, tuyên truyền. Bởi, với quan niệm “phép vua thua lệ làng” những hủ tục đó đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ, thói quen của người Mông, làm cho đời sống nhiều hộ gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Là người con sinh ra ở bản Ché Lầu, từ lâu ông Thao Văn Dính đã ý thức được rằng, những hủ tục trong việc tổ chức tang ma, với việc giết mổ nhiều trâu, bò; người chết không được bỏ vào quan tài mà để lâu ngày trong nhà... không chỉ khiến đời sống bà con triền miên trong đói nghèo lạc hậu, mà còn khiến môi trường, sức khỏe cũng bị đe dọa. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng văn minh. Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” này, phải khẳng định rằng, nếu không có “Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, do UBND tỉnh ban hành, cùng chính sách khuyến khích thực hiện (Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) và giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, thì dù cố gắng cỡ nào, ông Dính và cán bộ cơ sở cũng không thể xóa được hủ tục tang ma của người Mông. Bởi, nhiều người không muốn xóa những tập tục lạc hậu mà họ coi là “báu vật” của tổ tiên, đã bao đời truyền lại. Do đó, ông Dính cùng cán bộ cơ sở xác định, phải coi việc xóa bỏ hủ tục là một “cuộc cách mạng”, mà để thành công phải làm từng bước, thay đổi dần dần với phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Biện pháp chính là tuyên truyền, vận động, thuyết phục; tổ chức họp dân, đến từng hộ gia đình nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và đời sống gắn với thực hiện hương ước, quy ước của bản.

Bên cạnh đó, ông Dính tìm gặp những người Mông là trưởng dòng họ, thuyết phục họ cùng tham gia vận động xóa bỏ hủ tục. Đồng thời, ông kiên nhẫn chờ... thời điểm thích hợp. Và rồi, khi cháu họ của ông là Thao Trọng Văn mất, ông quyết định nhân cơ hội này sẽ thực hiện đám tang theo nếp sống mới. Ông nhớ lại: “Vào tháng 5-2018 tôi nhận tin báo cháu họ mất. Ngay lập tức, tôi liên lạc với mấy anh em trong dòng họ và cán bộ cơ sở để bàn bạc cùng thống nhất lo tang ma cho cháu theo nếp sống mới, đưa thi thể cháu vào quan tài. Tuy nhiên, về đến bản tôi đã thấy anh em dòng họ và bà con dân bản đang chuẩn bị cáng tre treo thi thể cháu lên vách nhà theo tục lệ. Thấy vậy, tôi đã yêu cầu mọi người dừng lại, rồi vận động, thuyết phục họ đóng quan tài để khâm liệm thi thể. Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, dòng họ, nhưng tôi và cán bộ vẫn kiên trì giải thích nên cuối cùng gia đình đã đồng ý đưa cháu vào quan tài. Đồng thời, đám tang được tổ chức gọn nhẹ, với đầy đủ các nghi thức truyền thống, dưới sự chứng kiến của người dân trong bản. Cứ thế, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đám tang sau của người Mông trong bản đều được thực hiện theo nếp sống mới”. Thắng lợi trong việc xóa bỏ hủ tục từ đám tang của cháu họ đã giúp ông Dính có thêm động lực trong việc vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đời sống.

Tại bản Mùa Xuân, với sự vận động tích cực của ông Sung Văn Cấu, phó bí thư chi bộ bản, cùng cán bộ địa phương, từ khi đám tang của bà Thao Thị Mái (năm 2015), lần đầu tiên thực hiện đưa người chết vào quan tài, thì những đám tang sau đa số người dân đều đồng tình và thực hiện theo. Tuy nhiên, dù đã có người Mông nhận thức được rằng, hủ tục tang ma của dân tộc mình cần sớm được loại bỏ và đã có vài đám tang được gia đình tang chủ thực hiện theo nếp sống mới; song, để xóa bỏ hoàn toàn tập tục lạc hậu trong tang ma ở 2 bản người Mông xã Xuân Thủy, không phải việc một sớm một chiều là được. Ông Hà Văn Thể, phó chủ tịch UBND xã, cho biết: Tuy đã đạt được những thắng lợi không nhỏ trong “cuộc chiến” chống hủ tục lạc hậu, nhưng để loại bỏ hoàn toàn những tập tục đó ra khỏi đời sống đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Mông cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Trong đó, vấn đề căn bản nhất là cần có sự chung sức, quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, đoàn thể, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Theo ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, cho biết: huyện xác định phải tiếp tục nâng cao nhận thức của bà con trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, 10 hội nghị về đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, giai đoạn 2016-2020”, lồng ghép tại 3 bản Mông, thu hút hơn 1.300 lượt người tham gia; hỗ trợ cho 16 đám tang tại 3 bản Mông, với tổng kinh phí là 128 triệu đồng; quy hoạch nghĩa địa tập trung ở cả 3 bản. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại 3 bản người Mông. Các nội dung tuyên truyền tập trung làm rõ: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; hệ lụy của tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống...

Để kinh tế phát triển

Bản Ché Lầu dù vẫn còn 40/64 hộ nghèo (chiếm gần 70%), song khi nói đến công cuộc xóa nghèo ở đây, không thể không nhắc đến những người “đi trước mở đường”, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Chẳng hạn, hộ ông Hơ Văn Di, những năm trước, vốn là một trong những hộ nghèo của bản. Hai vợ chồng phải lên nương, lên rừng mưu sinh kiếm sống qua ngày, bởi không có sinh kế, không có vốn để làm ăn. Được sự vận động của cán bộ cơ sở, ông Di đã đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã tổ chức và vay 30 triệu đồng để mua giống lúa lai, cây quế, vầu về trồng; đồng thời kết hợp chăn nuôi bò, lợn, gà. Với sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, sự cần cù, chịu khó, gia đình ông từng bước nhân lên số lượng đàn bò, gà, vịt và trả hết số vốn đã vay. Năm 2017, gia đình ông đã thoát nghèo bền vững.

Trao đổi về các giải pháp giảm nghèo của địa phương, ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết: bản Ché Lầu may mắn đã có điện lưới quốc gia từ năm 2016, nên thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Những năm qua, huyện, xã đã triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ, như các Chương trình 30a, 135... Bên cạnh đó, xã cũng đã triển khai một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, như chuyển diện tích lúa kém năng suất sang trồng ngô lai; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà, vịt; đưa cây vầu, nứa vào trồng rừng... Nhờ đó, đời sống của người Mông ở bản ngày càng đi lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đa số người dân đều được sử dụng nước hợp vệ sinh, 98% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi...

Thời gian qua, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước, huyện Quan Sơn đã từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội tại các bản Mông, với tổng vốn đầu tư trên 25 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các công trình như: nhà văn hóa, khu trường mầm non, tiểu học, đường giao thông nội đồng... Việc đầu tư hỗ trợ sản xuất; chính sách giáo dục, y tế; hỗ trợ xóa nhà tranh tre, tạm bợ dột nát theo Chương trình 167, hỗ trợ nhà theo Chương trình 134, 135, 30a; công tác định canh, định cư, sắp xếp dân di cư 3 bản Mông được quan tâm. Trong đó, việc quy hoạch, sắp xếp dân cư đã cơ bản ổn định, các hộ yên tâm phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng di cư tự do. Huyện đã thực hiện giao đất, giao rừng theo chủ trương của tỉnh với tổng diện tích là 3.554,287 ha/203 hộ, trong đó đã cấp sổ đỏ cho 130 hộ đồng bào Mông, số còn lại đang hoàn thiện hồ sơ giao đất, giao rừng. Thực hiện Quyết định 304/2005/QĐ-TTg ngày 23-11-2005 và Quyết định 100/2007/QĐ-TTg ngày 6-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ cho đồng bào Mông đang sinh sống tại các xã có rừng, hàng năm huyện Quan Sơn đã cấp gạo ăn hàng tháng với mức 13 - 15kg/người. Đồng thời, hướng dẫn bà con sản xuất, kinh doanh; ổn định diện tích nương rẫy và khai hoang mở rộng được hơn 60 ha diện tích lúa nước; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất như: lúa lai, ngô lai, đậu tương, sắn... từng bước hình thành sản xuất hàng hóa. Bằng nhiều chính sách hỗ trợ, đến nay đời sống ba bản người Mông đã được cải thiện đáng kể. Lương thực bình quân đạt 374 kg/người/năm; có 63% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 64% có nhà ở kiên cố; 54% có nhà vệ sinh tự hoại...

Tuy nhiên, theo ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn thì: trên thực tế, hộ nghèo ở các bản người Mông vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Bởi vậy, để ổn định đời sống cho đồng bào, trước tiên cần ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là phát triển giao thông. Chỉ khi giao thương thuận lợi thì mới có điều kiện để phát triển giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Hơn nữa, khu vực người Mông sinh sống vốn thiếu nước nên cũng phải ưu tiên phát triển thủy lợi, để có nước cho người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; đồng thời, cần làm tốt công tác tư tưởng để thay đổi tập quán sinh hoạt, dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thì đời sống người dân mới theo đó mà khấm khá lên. Và khi ấy “cuộc chiến” thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng đời sống văn hóa trong đời sống của đồng bào Mông, mới dần đi đến hồi kết đẹp.

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/gian-nan-cuoc-chien-xoa-bo-hu-tuc-trong-doi-song-dong-bao-mong-o-quan-son-bai-cuoi-coi-troi-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong/140630.htm