Gian nan đòi lại đất di tích Bạch Dinh

VH- Mang đất di tích quốc gia cho người dân thuê kinh doanh, hợp đồng thuê đất đã hết thời hạn gần hai năm qua nhưng ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa thu hồi lại được mặt bằng giao trả cho di tích.

Bàn ghế bày bán ngổn ngang trong di tích

Những người thuê đất thì chây ì không chịu trả lại mặt bằng, thậm chí đặt ra cả những yêu sách với ngành chức năng địa phương. Câu chuyện “trái tai” tưởng chừng vô lý này lại đang diễn ra tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bạch Dinh thuộc TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Thời hạn cho thuê đến tháng 10.2016 nhưng…

Câu chuyện bắt nguồn từ những năm 2004-2005, Công đoàn của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (đơn vị được giao quản lý Di tích Bạch Dinh) cho một số hộ dân thuê đất vùng II của di tích để kinh doanh dịch vụ giải khát. Đến năm 2009, Sở VHTTDL tỉnh này có văn bản xin chủ trương sử dụng triền núi thuộc khu vực II của di tích để tổ chức dịch vụ giải khát phục vụ khách tham quan và được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép tại văn bản số 4037 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lúc đó là ông Võ Thành Kỳ ký ngày 29.6.2009.

Trên cơ sở đề xuất của ngành chức năng, tháng 5.2011, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra văn bản 2460 cho phép Sở VHTTDL tổ chức khai thác mặt bằng để làm dịch vụ giải khát tại di tích Bạch Dinh theo hình thức đấu thầu hạn chế cho năm hộ kinh doanh giải khát đã có thời hạn gắn bó với di tích nhiều năm, và chấp hành tốt quy định của Nhà nước. Mức giá giao khoán 28.000 đồng/m2/tháng, diện tích giao khoán 2.555,41m2.

Ngày 1.11.2011, đại diện cho Sở VHTTDL là Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do ông Phạm Chí Thân làm Giám đốc ký kết hợp đồng kinh tế số 45 với ông Đỗ Hữu Côn (đại diện cho các hộ kinh doanh trúng thầu). Theo đó, Bảo tàng đồng ý giao cho các hộ thuê mặt bằng kinh doanh giải khát trong khu Di tích Bạch Dinh thuộc khu vực II. Diện tích mặt bằng kinh doanh là 2.555,41m2 với giá 72.062.562 đồng/tháng. Thời hạn có giá trị đến hết ngày 30.10.2016. Thế nhưng, trên thực tế tài sản mà Bảo tàng giao cho các hộ kinh doanh sử dụng gồm toàn bộ mặt bằng đã kè chắn, tường rào và cây cổ thụ có tổng diện tích hơn 4.200m2.

Quá trình hoạt động của một số hộ kinh doanh để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự tại di tích, nên tháng 7.2016, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản thông báo cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đến tháng 10.2016 phải chấm dứt hợp đồng với các quán cà phê, giải khát trong khu di tích.

Một trong những quán thuê mặt bằng kinh doanh trong di tích

Vẫn kéo dài đến nay

Tháng 9.2016, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra thông báo đến các hộ kinh doanh về việc chấm dứt hợp đồng và giao trả mặt bằng cho Bảo tàng, thời hạn chậm nhất hết ngày 31.10.2016. Thế nhưng, đến nay mặt bằng di tích vẫn bị chiếm dụng, dù các bên đã qua nhiều lần “ngồi” lại với nhau, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo hoàn thành thu hồi mặt bằng chậm nhất đến hết tháng 3.2018. Nhưng thực tế đến nay đất di tích vẫn bị chiếm dụng, các hộ kinh doanh tỏ ra chây ì, thậm chí bất hợp tác giao trả lại mặt bằng.

Mới đây nhất, ngày 17.8, Bảo tàng đã tiến hành họp với các hộ kinh doanh để thống nhất phương án giao trả lại mặt bằng cho di tích nhưng vẫn không có kết quả. Tính từ lúc hợp đồng hết thời hạn đến nay kéo dài gần hai năm nhưng các hộ kinh doanh vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, nhiều hộ vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, điều này đồng nghĩa với đất di tích bị xâm chiếm bất hợp pháp, Bảo tàng thì không thu được tiền thuê đất.

Theo tìm hiểu của phóng viên Văn Hóa, lý do các hộ kinh doanh không chịu bàn giao mặt bằng là vì đã đầu tư vào đây cơ sở vật chất khá lớn, vì thế muốn bàn giao phải có sự hỗ trợ đền bù hợp lý. Mặt khác, nếu thu hồi để thực hiện dự án vì cộng đồng thì đồng ý giao trả, nhưng vì chưa rõ thu hồi vì mục đích gì nên vẫn cứ chây ì. Một số hộ kinh doanh đề nghị đưa vấn đề ra tòa án giải quyết. Trong khi đó, ông Hồ Thành Hưng, Phó Chánh thanh tra Sở VHTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả lời rõ, việc thu hồi mặt bằng là căn cứ theo hợp đồng đã hết thời hạn, và nhằm phục hồi lại không gian khu di tích để phục vụ du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Trả lời tại kỳ họp gần đây nhất của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định sẽ chỉ đạo cương quyết thu hồi trong tháng 9 này chứ không đợi đưa ra tòa. Thiết nghĩ, với sự lòng vòng của các hộ kinh doanh, để sớm thu hồi lại mặt bằng và phục hồi cảnh quan của di tích, cần có sự vào cuộc kiên quyết và đồng bộ của các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chứ không riêng gì của ngành Văn hóa.

P. NAM – H. HẢI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/gian-nan-doi-lai-dat-di-tich-bach-dinh