Gian nan đường đến trường sau mưa lũ nơi vùng cao xứ Nghệ

Sau những cơn lũ dữ, chặng đường đến trường của học sinh nghèo miền tây xứ Nghệ càng thêm gian nan. Thậm chí có những nơi học sinh phải lội trên con đường ngập ngụa bùn đến tận đầu gối mới có thể tới lớp...

Lội bùn đến trường học chữ
Các huyện miền tây xứ Nghệ vừa trải qua sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ lịch sử. Con đường đến trường của học sinh hai xã Mường Ải va Mường Típ, huyện Kỳ Sơn ngày thường vốn đã khó khăn sau cơn lũ lại càng thêm thê thảm. Nhiều vị trí đã bị cơn lũ cuốn trôi, sạt lở, ngập ngụa trong lớp bùn đặc quánh. Để có thể đến trường những giáo viên đang công tác tại hai xã Mường Ải, mường Típ phải vượt chặng đường khoảng 100 km từ trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn tới trung tâm xã. Con đường khổ ải kết thúc với 12km lầy lội, ngập ngụa trong bùn đất. Các giáo viên phải đi bộ, lội bùn, băng suối ... hàng tiếng đồng hồ để vào tới các điểm trường.

Đường vào hai xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở khiến chặng đường đến trường càng thêm khó khăn bội phần.

Đường bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều em học sinh ở trường tiểu học Mường Ải và trường tiểu học Mường Típ đành phải tìm đường, lội bùn sục ngang đầu gối để đến lớp. Quá trình vận động học sinh đến lớp trước đây vốn đã là một bài toán nan giải đối với thầy cô vùng cao bây giờ lại càng khó khăn thêm bội phần khi mưa lũ khiến con đường đến lớp của các em thêm gian nan.
Thầy Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nập Típ, huyện Kỳ Sơn cho biết, toàn trường có 584 học sinh, trong đó có 387 học sinh THCS và197 học sinh ở bậc tiểu học. Đầu năm học mới nhà trường cũng mới chỉ vận động được khoảng nửa số học sinh đến lớp. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng bị thiệt hại nặng sau lũ nên nhà trường cũng đang trong quá trình khắc phục. Cũng vì thế nên giáo viên vẫn chưa thể đến từng nhà để động viên học sinh đến trường.

Học sinh tại xã Mường Ải và Mường Típ những ngày đầu năm học mới phải lội trong lớp bùn đặc quánh để tới trường.

Con đường vào trung tâm xã bị sạt lở khiến giao thông chia cắt không những cản bước học sinh tới lớp mà còn khiến việc tiếp tế thực phẩm về trường gặp vô vàn khó khăn. Từ nhiều ngày qua, các giáo viên của trường này phải luân phiên nhau cõng gạo tiếp tế cho học sinh và đồng nghiệp.
Bắt đầu năm học mới, nhiều học sinh ở nội trú của Trường tiểu học Mường Ải cùng nhau khăn gói trường để bắt đầu năm học mới. Chặng đường gian nan với nhiều điểm bị sạt lở, các em phải lội trong bùn ngập sâu, vượt qua những con dốc trơn trượt, khi tới lớp cũng là lúc quần áo các em dính đầy bùn đất.
Dựng lán học tạm vì trường nằm trong vùng sụt lún
Tại địa bàn xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An sau cơn lũ, những vết nứt lớn kéo dài, tìn trạng sụt lún nghiêm trọng bủa vây hai điểm trường ở bản Piềng Cọc và Phà Kháo. Trước tình trạng nguy hiểm, thầy cô cùng phụ huynh đã phải dựng những dãy nhà tạm để dạy và học.

Sạt lở nghiêm trọng tại hai điểm trường tiểu học ở địa bàn xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đe dọa sẽ 'xóa sổ' hai điểm trường này.

Trước đó, sau những đợt mưa bão kéo dài thời gian qua, người dân bản Piềng Cọc và Phà Kháo, thuộc xã Mai Sơn phát hiện những điểm nứt, sụt lún kéo dài gần 1km. Những vết nứt, tình trạng sụt lún không ngừng mở rộng và bao vây nhiều nhà dân và Trường Tiểu học Phà Kháo, Trường Mầm non Phà Kháo. Có nhiều vị trí, vết nứt rộng 40-50cm, nhiều điểm rất sâu.
Đặc biệt tại Trường Tiểu học Phà Kháo, một đoạn sụt lún kéo dài theo hình bán nguyệt phía trên của khuôn viên trường tiểu học, vòng qua cổng trường mầm non và nhà ký túc xá. Đặt điểm trường này vào tình trạng “báo động” rất nguy hiểm. Trước tình hình trên, trường này đã kêu gọi phụ huynh cùng các giáo viên lên rừng chặt tre, nứa về dựng một dãy phòng học tạm bợ tại sân bóng để dạy và học. Các giáo viên ở nội trú cũng đang phải xin ở nhờ tại nhà người dân địa phương. Tình trạng nguy hiểm cũng buộc cô trò Trường Mầm non Phà Kháo phải bỏ trường, đến học tạm tại nhà văn hóa cộng đồng.
Hiện tại UBND huyện Tương Dương đã tiến hành kiểm tra đồng thời đề xuất tỉnh Nghệ An mời các nhà khoa học vào kiểm tra, để có phương án xử lý, sớm ổn định cuộc sống của người dân.
Những ngày đầu năm học mới ngành giáo dục các huyện miền tây xứ Nghệ đang phải gồng mình khắc phục thiệt hại sau các cơn lũ dữ. Hành trình nuôi con chữ nơi những bản làng vùng sơn cước vốn đã khó khăn nay càng thêm gian nan gấp bội phần.

Thế An - Nguyễn Quang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gian-nan-duong-den-truong-sau-mua-lu-noi-vung-cao-xu-nghe-324974.html