Gian nan giải bài toán thuốc giả ở Nigeria

Kết nối các nhà sản xuất có uy tín với người tiêu dùng, Startup mang tên Medsaf đang nỗ lực hạn chế tình trạng thuốc giả tràn lan gây thiệt mạng tới 100 ngàn người mỗi năm ở quốc gia châu Phi Nigeria.

Nhiều người cho rằng, startup của Vivian Nwakah sẽ “chết yểu” ở Nigeria, và cô bắt đầu tin vào điều đó. Người phụ nữ này có làn da bánh mật giống hầu hết người dân ở thành phố lớn nhất Nigeria Lagos, ngoại trừ chất giọng Mỹ. Những người bạn có chung mục đích và cùng cô đến Nigeria cũng đã quay trở lại Mỹ.

Nhiệm vụ cũng như lý do khiến Nwakah quyết định tiếp tục ở lại Lagos ngày càng rõ ràng ngay sau khi cô đến Lagos. Trước khi có bằng lái xe, Nwakah phải nhờ một người bạn đưa đi vòng quanh thành phố. Và rồi một ngày, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét, người bạn đó đã ra đi vinh viễn - không phải do bệnh tật, mà do thuốc sốt rét giả. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến việc ra đời Medsaf.

Theo số liệu của Chính phủ Nigeria, năm 2015, thuốc giả chiếm khoảng 17% nguồn cung cấp ở Nigeria, giảm từ 40% ở năm 2001. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 116.000 ca tử vong mỗi năm ở vùng phụ cận Sarahan châu Phi có liên quan đến thuốc giả hoặc thuốc chống sốt rét không đạt tiêu chuẩn.

Mục tiêu ban đầu khi Medsaf được thành lập là cung cấp các loại Vitamin. Tuy nhiên, sau đó công ty chuyển hướng tập trung vào việc kết nối các cơ sở sản xuất thuốc và các bệnh viện để có thể cung cấp các loại thuộc đảm bảo chất lượng và hiệu quả về chi phí. Nigeria chiếm hơn 60% nguồn cung cấp thuốc ở Tây Phi và vấn đề thuốc giả không còn là câu chuyện riêng của quốc gia châu Phi này.

Nwakah lớn lên ở Chicago. Cha cô rời Nigeria đầu những năm 1970, sau cuộc nội chiến, cùng vài người bạn, quyết tâm du học tại Mỹ và trở thành luật sư, bác sĩ và chủ ngân hàng. Cha của Nwakah đã trở thành chủ một ngân hàng và chu cấp cho cô con gái một cuộc sống thoải mải.

Nwakah theo con đường học tập do cha mình sắp đặt và du học nước ngoài theo chương trình MBA quốc tế tại Đại học bang Georgia. Cô học ở Rio de Janeiro và Paris trước khi chuyển đến Lagos thực tập trong một công ty truyền hình cáp với mức lương chưa đến 50 USD/tháng. Sau đó, cô đã chuyển qua nhiều lĩnh vực, và gần đây nhất, đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch một công ty năng lượng sạch có trụ sở tại Lagos. Công ty của cô chuyên xử lý vấn đề cung cấp năng lượng của Nigeria cho các tập đoàn tại địa phương.

Sự ra đi của người bạn đã thôi thúc cô hợp tác với Awosika, một dược sĩ, để cho ra đời thương hiệu Vitamins.ng. Nhưng sau khi tiến hành khảo sát các nhà sản xuất, bệnh viện, nhà thuốc và người tiêu dùng thuốc, công ty đã hướng sự tập trung sang mảng dược phẩm. Hiện Medsaf có 10 nhân viên ở Lagos, chủ yếu là các nhà khoa học và dược sĩ, và có một nhóm nhỏ khác ở Bồ Đào Nha để quản lý trang web.

Thuốc giả tràn lan gây thiệt mạng tới 100 ngàn người mỗi năm ở Nigeria.

Kể từ khi ra mắt, Medsaf đã hợp tác với hơn 500 nhà thuốc và gần 100 bệnh viện. Doanh thu hàng tháng của công ty giao động trong khoảng 15.000 – 20.000 USD. Tuy nhiên, công ty cũng gặp không ít rào cản trong việc sản xuất và cung cấp thuốc tới những người bệnh. “Hầu hết các loại thuốc cần thiết ở Nigeria hoặc là không có sẵn hoặc không được chế tạo đúng cách, do đó, việc sản xuất và đăng ký sản phẩm ở Nigeria gặp rất nhiều khó khăn”, Nwakah cho biết. Chẳng hạn Medsaf phải chi trả các khoản chi phí đi lại cho các quan chức của Cơ quan quản lý và kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia (NAFDAC) để kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc của Medsaf, hầu hết đều nằm ngoài Nigeria.

Một thách thức khác đối với Medsaf là tình trạng vô cùng nghèo đói ở Nigeria. Gần đây, Nigeria đã "thay thế" Ấn Độ giữ vị trí quốc gia nghèo đói của thế giới với 87 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Con số này có giảm, nhưng tình trạng lạm phát vẫn còn trên 11%, hạn chế sức mua của người dân. Zubair Abdulahi, một bác sĩ từng làm việc tại bệnh viện lớn nhất ở Lagos cho biết: “Không ai muốn mua thuốc giả, nhưng có rất nhiều mẫu mã không được đăng ký, được bán lậu các cửa hàng thuốc không có giấy phép với mức giá rẻ hơn. Những năm gần đây, Nigeria đã trở thành một bãi rác cho những biến thể kém chất lượng hơn từ bên ngoài. Nếu không có sự kiểm soát của chính phủ, những nỗ lực của Medsaf, rất có thể sẽ trở nên công cốc”

Nwakah cùng các đồng nghiệp tại Medsaf đang tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp mới và tốt hơn cho việc phân phối thuốc an toàn, hiệu quả ở Nigeria, và hy vọng sẽ huy động được 5 triệu USD, đồng thời mở rộng mạng lưới tới 4.000 cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu không có nỗ lực của cả công đồng, doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập của cô khó có thể làm xoay chuyển tình hình ở quê hương mình.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/gian-nan-giai-bai-toan-thuoc-gia-o-nigeria-77997.html