Gian nan gìn giữ và hồi sinh giống bưởi tiến vua

Nhờ những người dân địa phương như ông Huấn, ông Tâm... luôn nặng lòng, gìn giữ và phát triển giống bưởi quý, giàu nét văn hóa, tâm linh và những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình trồng bưởi Luận Văn, đến nay, toàn xã Thọ Xương có khoảng 22 ha bưởi; trong đó, có 3 ha được trồng tập trung tại khu đồi Chỉ Văn, diện tích còn lại được người dân phát triển qua phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Diện tích trồng bưởi Luận Văn của gia đình ông Lê Minh Tâm, xóm 8, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê hòa

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về làng Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân), vùng đất nổi tiếng với thương hiệu bưởi tiến vua.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, sở dĩ bưởi Luận Văn khi xưa được lựa chọn để tiến vua là bởi khi chín, quả bưởi sẽ chuyển từ màu vàng sang màu đỏ gấc, từ vỏ, cùi cho đến tép bưởi đều “nhuộm” một màu đỏ rất đẹp mắt. Điều thú vị, khi sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm rất đặc trưng và lưu giữ được màu sắc và vẻ tươi đẹp cả tháng trời. Không những vậy, với màu đỏ đặc trưng, bắt mắt, bưởi Luận Văn còn được xem như một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn lên vị trí “vua” của các loại bưởi.

Tuy nhiên, do sự tác động của thời gian, điều kiện chăm sóc, bảo tồn giống bưởi quý hiếm này không tốt nên đã có thời điểm giống bưởi đỏ bị mai một. Phần lớn diện tích bưởi tại địa phương đã bị người dân phá bỏ để sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Lo sợ mất đi một loại cây trồng bản địa hội tụ nhiều nét văn hóa, tâm linh, những năm 2003-2004, UBND huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp và Viện Cây giống Trung ương thực hiện chương trình đánh giá chất lượng của giống bưởi Luận Văn để công nhận đây là giống cây ăn quả đặc sản, mang nét đặc trưng của vùng đất Thọ Xương. Trên cơ sở đó, ngày 17-7-2006, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1953/QĐ-UBND giao cho Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hóa (nay là Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) triển khai thực hiện đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ vi ghép trong sản xuất, phát triển cây bưởi Luận Văn đặc sản của Thanh Hóa”. Qua đó, các ngành chuyên môn đã thực hiện lấy mô từ những gốc bưởi cổ tại làng Luận Văn để nhân cấy, phát triển. Ông Lê Viết Huấn, 67 tuổi, làng Luận Văn, chia sẻ: Thực chất, người dân địa phương nhất là những người cao tuổi trong làng luôn đau đáu gìn giữ và phát triển loại đặc sản truyền thống của làng. Song, nếu bằng sự nỗ lực nhân giống thông thường sẽ cho ra những giống cây không “hoàn hảo” dần sẽ làm mất chất, mai một đi những tinh túy của loại cây trồng bản địa này. Nhờ sự vào cuộc của Nhà nước, năm 2006, xã Thọ Xương đã được cấp 38 cây bưởi đầu dòng, trồng trong 3 ha nhà lưới tại khu đồi Chỉ Văn.

Cũng theo ông Huấn, việc nhân rộng giống bưởi không quá khó khăn khi đã tìm được nguồn giống cây chất lượng. Thông qua phương pháp chiết cành, ghép cành người dân đã nhân rộng, phát triển diện tích bưởi đỏ ra toàn xã. Đối với bưởi chiết cành, từ khi trồng đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 là đã cho ra quả; còn đối với bưởi ghép thì phải sang năm thứ 4 mới bắt đầu cho thu hoạch.

Theo chân cán bộ nông nghiệp - địa chính xã Thọ Xương, chúng tôi đến thăm khu vườn của gia đình ông Lê Minh Tâm, xóm 8, là một trong những hộ có diện tích trồng bưởi Luận Văn lớn nhất tại địa phương. Hiện gia đình ông đang có khoảng 500 gốc bưởi Luận Văn; trong đó, có khoảng 400 gốc đã cho thu hoạch, doanh thu hằng năm đạt khoảng 300 triệu đồng. Theo ông Tâm, bưởi tiến vua có những đặc tính rất khác so với các loại bưởi thông thường, khi nhỏ, bưởi cũng có màu xanh, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, bưởi Luận Văn sẽ chuyển sang màu vàng. Vào khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc, lúc này toàn thân quả bưởi từ ngoài vào trong tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Không chỉ có màu sắc quyến rũ, mà khi thưởng thức hương vị bưởi cũng rất ngon và có vị thơm đặc trưng. Tuy nhiên, để có quả bưởi đẹp, đều màu, người trồng cần có kinh nghiệm và áp dụng đúng quy trình trồng, chăm sóc khoa học. Giai đoạn khó khăn nhất là trồng mới, hố trồng bưởi không quá sâu và phải được bón phân chuồng, vôi bột, lân, NPK; đến giai đoạn đâm chồi, cần cung cấp thêm đạm từ 4-5 lần/năm để cây phát triển tốt. Với những gốc bưởi đã cho quả, không nên để quá dày, dẫn đến quả bé và không đều. Nếu muốn điều chỉnh cho quả chín sớm thì bón thêm bột ngô, đậu tương hoặc các loại phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp. Trong quá trình cây sinh trưởng nếu phát hiện sâu đục thân thì diệt vật chủ trung gian, cây nào bị nặng dùng xi lanh bơm trực tiếp thuốc vào gốc để diệt. Đồng thời, sau mỗi vụ thu hoạch nên đào rãnh xung quanh tán cách gốc cây 1 mét để cho cây ăn thức ăn gián tiếp, giúp cây “trẻ” lâu và kéo dài tuổi thọ.

Nhờ những người dân địa phương như ông Huấn, ông Tâm... luôn nặng lòng, gìn giữ và phát triển giống bưởi quý, giàu nét văn hóa, tâm linh và những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình trồng bưởi Luận Văn, đến nay, toàn xã Thọ Xương có khoảng 22 ha bưởi; trong đó, có 3 ha được trồng tập trung tại khu đồi Chỉ Văn, diện tích còn lại được người dân phát triển qua phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Hằng năm, cung cấp cho thị trường hàng triệu quả bưởi chất lượng, doanh thu từ trồng bưởi Luận Văn đạt hơn 10 tỷ đồng. Ngoài xã Thọ Xương, hiện giống bưởi Luận Văn đã được phát triển nhiều tại các xã Xuân Bái, Xuân Lam (Thọ Xuân).

Được biết, năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 3462/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi “Luận Văn”... Đây chính là căn cứ pháp lý khẳng định thương hiệu, chất lượng của giống bưởi đỏ tại vùng đất huyện Thọ Xuân. Tuy giống bưởi quý đã được hồi sinh, chất lượng được bảo đảm, song nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại tỉnh Thanh Hóa, ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh thành khác. Lý giải về vấn đề này, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm bưởi, như: Bưởi Diễn, bưởi da xanh... có giá cạnh tranh hơn, đồng thời, diện tích trồng bưởi Luận Văn tại địa phương chưa đủ lớn về diện tích để cung ứng số lượng sản phẩm lớn cho thị trường nên việc mở rộng tiêu thụ chưa được đẩy mạnh. Trong thời gian tới, cùng với việc gìn giữ và phát triển giống bưởi quý này, địa phương sẽ phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển thương hiệu bưởi Luận Văn nhằm bảo hộ danh tiếng của giống bưởi tiến vua; đồng thời, còn giúp giống bưởi phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/gian-nan-gin-giu-va-hoi-sinh-giong-buoi-tien-vua/112687.htm