Gian nan hành trình tới 'miền đất hứa'

Sau hành trình trên 4.000km kéo dài hơn một tháng, hàng nghìn người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ, như: Honduras, Guatemala và El Salvador đã tới thành phố Tijuana, phía bắc Mexico, giáp ranh với thành phố San Diego, bang California của Mỹ. Thế nhưng, hy vọng đặt chân hợp pháp đến 'miền đất hứa' Mỹ để có cơ hội 'đổi đời' vẫn còn xa tầm với của những người này...

Reuters cho biết, hàng nghìn người di cư nói trên có thể bị mắc kẹt tại Tijuana trong một thời gian dài khi cả chính quyền Mexico và Mỹ đều đang siết chặt các quy định xin tị nạn. Đó là chưa kể tới việc hàng nghìn binh sĩ Mỹ đã có mặt tại khu vực biên giới với Mexico, triển khai dựng hàng rào bê tông và hàng rào thép gai theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn điều mà ông chủ Nhà Trắng gọi là một “cuộc xâm lăng”.

Trong bối cảnh đó, họ, nhất là những thanh thiếu niên không có gia đình đi cùng, lại phải đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm Mexico, vốn thường xuyên bắt cóc, tống tiền và sát hại người di cư. Theo Reuters, Tijuana xếp ở vị trí thứ 5 trong danh sách các thành phố bạo lực nhất trên thế giới vào năm 2017. Tỷ lệ các vụ giết người tại Tijuana còn cao hơn cả các thành phố ở quê nhà mà những người di cư đã quyết tâm rũ áo ra đi. Josue, một thiếu niên 15 tuổi đến từ Honduras, kể với phóng viên của Reuters rằng trong một lần tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ hồi năm ngoái, cậu đã bị những kẻ buôn ma túy bắt cóc và đánh đập dã man tại Mexico. “Kết cục là cháu phải nằm viện. Cháu cũng không biết làm sao mình tới được bệnh viện. Chúng đã đánh cháu thừa sống thiếu chết”, Josue nhớ lại. Ngay khi sức khỏe hồi phục, Josue đã bị trục xuất về nước.

Dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ tại thành phố Tijuana của Mexico.

Hiện tại, chỉ có một nơi tạm trú cho trẻ em di cư tại Tijuana là tổ chức từ thiện mang tên Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA) của thành phố. Ông Mynor Contreras, Chủ tịch YMCA của Tijuana cho biết, chưa bao giờ tổ chức này tiếp nhận nhiều thanh thiếu niên di cư chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy. “Những người trẻ tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất”, ông Mynor Contreras nhấn mạnh.

Dòng người di cư từ Trung Mỹ thực sự đang tạo ra sức ép không nhỏ về an ninh và nhân đạo đối với chính quyền Mexico. Ông Juan Manuel Gastelum, thị trưởng Tijuana cho biết thành phố đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Theo ông Juan Manuel Gastelum, việc trợ giúp những người di cư khiến ngân sách của thành phố tiêu tốn hơn 500.000 peso (tương đương 25.000USD) mỗi ngày. Chính vì vậy, theo Reuters, nếu những đứa trẻ di cư không được phía Mỹ tiếp nhận, chúng rất có nguy cơ bị Mexico trục xuất về nước. “Cháu không muốn chết”, Justin-một thiếu niên 16 tuổi người Honduras-vừa khóc vừa nói với phóng viên Reuters. Trước khi gia nhập dòng người di cư tới Tijuana, Justin từng buôn bán quần áo cũ tại thành phố San Pedro Sula ở quê nhà. Cậu bé đã phải sống trong chuỗi ngày đầy bất an khi liên tục bị các băng đảng tội phạm dọa giết nếu không nộp tiền bảo kê cho chúng.

Trong khi nhiều người di cư từ Trung Mỹ vẫn quyết tâm chờ đợi cho dù không biết đến khi nào đơn xin tị nạn của mình sẽ được phía Mỹ xem xét giải quyết, cũng có không ít người đã quyết định gác lại “giấc mơ Mỹ” và chuyển hướng sang một “miền đất hứa” khác. Reuters cho biết, nhiều người trong dòng người di cư kể trên đã bán hết tất cả gia tài còn lại để mua vé máy bay đến châu Âu. Kết quả mà họ nhận được chỉ là lại tiếp tục sống cảnh màn trời chiếu đất, không quần áo ấm, không thức ăn, không tiền bạc bởi các nước châu Âu hiện đã quá tải trước làn sóng di cư từ Bắc Phi và Trung Đông. Chỉ tính riêng tại Tây Ban Nha, số lượng người muốn xin tị nạn đã tăng 12 lần kể từ năm 2010. Reuters dẫn số liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, trong năm nay, đã có 45.000 người tị nạn đến xứ sở Bò tót, chủ yếu là từ Venezuela, Colombia, Syria và Honduras. Hiện vẫn còn hơn 63.000 đơn xin tị nạn chưa được chính quyền Tây Ban Nha giải quyết.

“Con trai tôi mới 2 tháng tuổi và chúng tôi đã hết sạch tiền. Giờ đây chúng tôi không có nơi nào để ở. Nếu tôi không được nhận trợ cấp cũng không sao, tôi chỉ mong vợ con có một tương lai tốt đẹp hơn”, Nelson Delgado, một người đàn ông 40 tuổi đến từ El Salvador, nghẹn ngào chia sẻ khi đang xếp hàng ngày thứ ba liên tiếp cùng vợ con bên ngoài trung tâm hỗ trợ người di cư duy nhất tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Theo Reuters, việc xếp hàng này chỉ giúp những người như Nelson Delgado đặt được lịch hẹn để bắt đầu quá trình xin tị nạn. Những ai may mắn thì nhận được lịch hẹn trong năm 2019, còn không thì phải đợi tới năm 2020./.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/gian-nan-hanh-trinh-toi-mien-dat-hua-555975