Gian nan ngăn chặn buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam

Tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp hiện nay khiến Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Thông tin tại Hội thảo “Phòng chống buôn lậu thuốc lá” do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức sáng 17/7, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, theo điều tra toàn cầu, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam là trên 45%, theo thời gian, con số người sử dụng thuốc lá không ngừng tăng lên, nhất là giới trẻ. Do đó, đây là cơ hội tốt cho những đối tượng buôn lậu thuốc lá vào Việt Nam hưởng lợi, khiến mặt trận phòng, chống buôn lậu thuốc lá trong nước vẫn luôn “nóng bỏng”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại thực hiện cam kết không kinh doanh, buôn bán thuốc lá nhập lậu

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tùy từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…. Trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất; khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt – Lào. Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse.... Ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới khoảng 400 nghìn đến 500 nghìn bao các loại.

Mặt trận phòng, chống buôn lậu thuốc lá trong nước vẫn luôn “nóng bỏng” trên cả đường bộ lẫn đường biển

Điển hình, vụ buôn lậu thuốc lá điếu trên biển lớn nhất từ trước tới nay, do Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phá án ngày 19/3/2020 trên tàu CHUNG CHING, quốc tịch Palau tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ đang sang mạn trái phép thuốc lá điếu xuống các xuồng cao tốc không có số hiệu để thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 22 thuyền viên là người nước ngoài, khoảng 8.549 kiện (tương đương gần 4,3 triệu bao thuốc lá điếu ngoại các loại), bao thuốc lá điếu các loại bao gồm ba số 555, ESSI, YUXI… Từ đó, thấy được phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, lợi dụng cả nước căng mình phòng, chống dịch Covid-19, nạn buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn lậu sử dụng những thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống đối, tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Nghiêm trọng hơn, việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới tiềm ẩn nguy cơ rất cao về việc lây lan bùng phát virus Covid-19 từ nước ngoài vào nội địa.

Khung xử phạt chưa đủ sức răn đe

Tại Việt Nam, ngày 18/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; ngày 30/9/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30-CT/TTg về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Ngoài ra, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy khác về chống buôn lậu thuốc lá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam báo cáo kết luận tại Hội thảo

Trong những năm qua các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá nhưng nạn buôn lậu thuốc lá vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, trái lại vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, trên cả trên bộ, trên biển và trên tuyến hàng không; với thủ đoạn gày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn; gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là sự xuất hiện thuốc lá điện tử, thuốc lá mới, hình thức mua bán qua thương mại điện tử mà hiện nay vẫn chưa có biện pháp quản lý.

Theo đó, đại diện các đơn vị tham gia kiến nghị, trong thời gian tới, để ngăn chặn có hiệu quả tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, các cơ quan chức năng quản lý cần tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Song song với đó là tham mưu sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập của chính sách, pháp luật, tăng chế tài xử phạt để tăng sức răn đe.

Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền cho người dân không buôn lậu, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá trục lợi; vận động ngưới tiêu dùng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, trong đó đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gian-nan-ngan-chan-buon-lau-thuoc-la-o-viet-nam-140539.html