Gian nan sách mùa dịch

Nhà văn, diễn viên ảo thuật gia Mạc Can cầm những cuốn sách thơm mùi mực của ông mà tâm sự với phóng viên: 'Năm nay nhà sách in mấy cuốn của tôi rất đẹp, mục đích là giới thiệu sách vào ngày hội sách. Nhưng cho đến giờ sách vẫn còn nằm trong kho do ngày hội sách bị hoãn rồi'.

Đường sách TPHCM đang đóng cửa thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Đường sách TPHCM đang đóng cửa thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ðường sách đóng cửa

Đại dịch COVID-19 tấn công không chỉ vào kinh tế - xã hội mà còn làm đảo lộn văn hóa đọc, khiến cho những nhà văn “xa rời” bạn đọc và những nhà sách đóng cửa im lìm. Nhưng cũng vào lúc này, nhiều người chợt nhận ra giá trị của hương vị sách.

Nhà văn Mạc Can nói: “Thư viện dưới tỉnh họ nghe nói tôi ra sách mới, bèn tổ chức cho tôi gặp gỡ, nói chuyện với độc giả, nhưng chương trình cũng bị hoãn vô thời hạn do con virut corona!”.

Hội sách TPHCM, một hoạt động xuất bản lớn nhất của Việt Nam định kỳ tổ chức vào sau Tết Nguyên đán bị hoãn vô thời hạn vì đại dịch. Biên tập viên Đặng Hà của Nxb Văn Học nói: “Rất nhiều nhà xuất bản, nhà sách in ấn đầy đủ các ấn phẩm trước Tết Nguyên đán, chỉ chờ đưa vào TPHCM dự hội sách, nay đành phải “chờ” và chưa biết tới bao giờ”. Đặng Hà nói thêm: “Nhà xuất bản Văn Học hiện giờ hầu như không hoạt động kinh doanh gì được cả”.

Em bé vui mừng khi mua được sách qua mạng

Nhà báo, nhà văn Hòa Bình, người thường viết giới thiệu sách nói: “Hầu hết các hoạt động giới thiệu sách được tổ chức tại đường sách, nhưng đường sách đóng cửa mất rồi”.

Tết 2019, đường sách TPHCM đón 100.000 khách tham quan, mua sách, nhưng giờ đây một khung cảnh chưa từng thấy, các quầy sách của các nhà xuất bản đều then cài, những quán cà phê văn nhân vắng bóng, hai đầu lối vào đường sách bị ngăn bằng những chậu hoa, lối vào đã bị phong tỏa.

Các nhà sách vắng tanh

Với quy định không tụ tập đông người, thậm chí không tập trung quá 2 người ở nơi công cộng, rất khó có cơ hội cho các nhà sách hoạt động.

Chị Phạm Ngân Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiền Phong chia sẻ: “Hệ thống Nhà sách Tiền Phong đã đóng cửa để chung tay phòng chống dịch Covid-19”. Hệ thống Nhà sách Tiền Phong vốn là hệ thống nhà sách lớn tại các tỉnh thành phía Bắc, có hoạt động rất chuyên nghiệp, năng động, trẻ trung. Theo chị Ngân Hà: “Nhà sách Tiền Phong đang chuyển mạnh sang phục vụ trực tuyến, các bạn đọc có thể liên hệ mua sách qua mạng. Sách được chúng tôi giảm giá, phục vụ cho bạn đọc”.

Phóng viên có mặt tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM vào tối 5/4, khác với những cuối tuần đầy ắp người mua sách, giờ đây nhà sách vắng không một bóng người. Những giá sách im lìm. Nhà sách chỉ có người bảo vệ và người bán hàng.

Nhân viên giao sách “lăn xả” trong đại dịch

Trong hoàn cảnh giảm 30-70% doanh thu, các nhà sách đang thực hiện các chương trình giảm giá sốc để thu hút bạn đọc mua trực tuyến. Fahasa đang thực hiện “Hội sách online” giảm giá bán tới 70% so với giá bìa. Một công ty bán sách trực tuyến khác là Tiki cũng giảm 30-50% so với giá bìa.

Hội sách online

Một tín hiệu khá lạc quan với giới làm sách đó là xu hướng mua sách trực tuyến đang sôi động dần. Một nhân viên giao sách của Fahasa nói: “Trước kia mỗi ngày em chỉ giao 7-10 đơn hàng sách thì hiện em giao khoảng 30 thậm chí 50 đơn hàng sách”.

Chị Quế, một bạn đọc ở Quận 7 nói: “Tôi đặt mua các loại hàng hóa trên mạng thì chỉ trong một ngày đã nhận được, trong khi đặt mua sách phải 3 ngày sau mới có sách, nhưng trẻ con vẫn háo hức, đòi mua hết cuốn này sang cuốn khác”.

Mạng lưới bán sách trực tuyến Tiki thống kê trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng của ngành hàng sách trên Tiki tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó sách bán chạy nhất là sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh.

Các thư viện cũng ghi nhận nhu cầu bạn đọc tìm tới mượn sách. Thư viện tỉnh Đồng Nai thông tin rằng bạn đọc tới mượn sách về đọc tăng đột biến.

Sống chậm

Chung cư GoldView, phường 1, quận 4, TPHCM được cách ly do có các trường hợp lây nhiễm từ bar Buddha. Nhiều người miêu tả những ngày cách ly là “những ngày tháng hạnh phúc” bởi nhịp sống chậm lại. Con người tìm về với những thói quen tưởng như đã bị đánh mất, trong đó có đọc sách.

Chị Lan Huynh viết trên trang diễn đàn của chung cư GoldView rằng: “Tâm sự người bị cách ly tại nhà. Các anh chị biết không? Mình ngỡ cách ly thật sự chắc khủng khiếp lắm nha (…). Nhưng cho đến ngày thứ 5, mình mới cảm nhận được đôi khi cách ly lại là sự hạnh phúc, hạnh phúc vì được quá nhiều người quan tâm từ chính quyền địa phương đến bạn bè, không cô đơn lắm đâu các anh chị ạ”.

Thời gian ở nhà chị Lan Huynh “có thời gian xem những bộ phim yêu thích, có thời gian đọc quyển sách mà mình đang bỏ dở”.

Người mẫu nổi tiếng Châu Bùi có tài khoản xã hội với hàng triệu người theo dõi đã chia sẻ rằng trong những ngày bị cách ly (do cô tham dự 2 tuần lễ thời trang ở Ý), cô đã “Chống COVID-19” bằng việc: “thay đổi thái độ sống và học thói quen mới như tập thể dục, sống chậm lại, đọc sách…”.

Xu hướng đọc sách trong thời gian cách ly xã hội đang trở nên phổ biến. Mới đây, Đại học Cambridge (Anh) chính thức mở cửa miễn phí thư viện sách trực tuyến khổng lồ của mình để sinh viên toàn cầu tìm đọc trong mùa đại dịch, chương trình này kéo dài đến hết tháng 5/2020.

Các thư viện Việt Nam cũng chuyển sang hoạt động online. Tại TPHCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp thông báo: “Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện KHTH sẽ tạm thời ngưng phục vụ bạn đọc tại thư viện từ ngày 28/03/2020. Trong thời gian này, Thư viện sẽ phục vụ tài liệu điện tử qua website của Thư viện: http://thuvientphcm.gov.vn”.

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/gian-nan-sach-mua-dich-1636362.tpo