Gian nan tìm một Tô Vĩnh Diện khác

Lâu lâu mới gặp lại người đồng hương cùng làng cao niên, đại tá Hoàng Hải. Ông sinh năm 1936. 18 tuổi tòng quân từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi là lính sư 332 Đông Bắc. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường B. Gần hết đời binh nghiệp gắn bó với Binh chủng pháo binh. Lại có năng khiếu viết lách nên cuối đời được điều về cơ quan Tổng Cục Chính trị.

Đại tá Phạm Văn Cương họp mặt ngày truyền thống của Cựu chiến binh chiến sĩ Điện Biên đại đội 806 - Ảnh: Thạch Lợi

Đại tá Phạm Văn Cương họp mặt ngày truyền thống của Cựu chiến binh chiến sĩ Điện Biên đại đội 806 - Ảnh: Thạch Lợi

Thời gian tại ngũ cũng như khi về hưu đại tá Hoàng Hải là tác giả của nhiều đầu sách như Quân công Hoàng Đình Phùng, Danh tướng Hoàng Đình Ái, Đồng đội một thời, Ký ức đồng đội. Hỏi đáp về 36 phố cổ…

Một ngày đầu thu, đại tá Hoàng Hải tìm đến tôi với vẻ mặt phiền muộn. Hóa ra chẳng phải chuyện nhà chuyện làng nào đó như mọi khi. Mà ông bộc bạch một chuyện khiến lâu nay ông và đồng đội đã từng lao tâm khổ tứ. Đó là hành trình gian nan đi tìm địa chỉ một đồng đội. Thời gian và cuộc chiến qua đi. Bao nhiêu là thời gian và những đổi thay. Những bóng chim tăm cá. Nhưng ông và đồng đội vẫn chưa nản như trong bài viết của mình… (Xuân Ba)

… Người ấy không phải là vô danh! Đó là Liệt sĩ Nguyễn Văn Chức, đơn vị khẩu đội 3, trung đội 2, đại đội 806, trung đoàn 45 (K3, B2, C806, E45), Đại đoàn Công pháo 351 (nay là Lữ đoàn 45 Pháo binh, Bộ Tư lệnh pháo binh). Nguyễn Văn Chức chính là người pháo thủ đầu tiên hy sinh cứu pháo ở mặt trận Điện Biên Phủ.

C119 (sau đổi là C806), đại đội pháo binh cơ giới đầu tiên ra đời năm 1952 được trang bị lựu pháo 105mm chiến lợi phẩm lấy được của địch, thành phần cán bộ lãnh đạo chỉ huy phần lớn lấy từ Trung đoàn Sơn pháo 675 và các lớp pháo lớn 105mm, khoa pháo binh Trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Pháo thủ là tân binh, phần lớn là người dân tộc miền núi ở Lạng Sơn, Cao Bằng và ở Trung đoàn 174 là trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội mà quân số lấy từ các đơn vị của Trung đoàn Lạng Sơn (E28), Trung đoàn Cao Bằng (E24) và Trung đoàn Bắc Kạn (E23).

Tấm gương dũng cảm lấy thân mình chèn pháo đã được biên chép trong cuốn "Ký ức lữ đoàn Tất Thắng" (NXB QĐND - Hà Nội, 2012):

"Đêm cuối cùng của chặng đường kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa, khẩu đội 3 của đồng chí Thuyết đang trên đường đổ dốc, dây tời bị đứt, còn một dây, anh em cố gắng ghìm lại nhưng không cưỡng nổi, pháo lao dần xuống dốc. Không chần chừ Chức, Cừ, Ngói rượt theo để chèn. Chức nhanh hơn lao vào chèn phía trước. Pháo chồm qua người Chức, mất đà đâm vào một gốc cây dừng lại. Mọi người nghẹn ngào, xúc động cảm phục gương hy sinh quên mình cứu pháo của Chức. Hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Chức, người pháo thủ đầu tiên của pháo binh hy sinh cứu pháo đã nhanh chóng được truyền tới các đơn vị mặt trận. Nhạc sĩ Hoàng Vân, một cán bộ đại đoàn 312 trực tiếp tham gia kéo pháo, bắt gặp hình ảnh của Chức dũng cảm lao vào chèn pháo đã thôi thúc anh sáng tác bài "Hò kéo pháo", bài ca đã ghi dấu ấn vào lịch sử của các chiến sĩ Điện Biên. Đêm 26/1/1954, cả bốn khẩu pháo của đại đội vừa được kéo vào trận địa đang khẩn trương chuẩn bị chiến đấu thì được lệnh: Ngay đêm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, đưa về vị trí tập kết ban đầu"...

Buổi họp mặt truyền thống hàng năm của Cựu chiến binh Chiến sĩ Điện Biên đại đội 806 ngày 13 tháng 3, ngày đại đội có vinh dự bắn phát đại bác đầu tiên mở màn Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Thạch Lợi

Cũng cần nói thêm tấm gương hy sinh chèn pháo của LS Tô Vĩnh Diện là sau thời điểm hy sinh của LS Nguyễn Văn Chức. Tức là vào thời điểm bộ đội pháo binh đã phải tổ chức kéo pháo ra để thực hiện nghiêm lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh chắc tiến chắc như mọi người đã biết.

Từ đáy lòng sâu thẳm nghĩa tình đồng đội, hàng bao năm nay thôi thúc Ban liên lạc Cựu chiến binh đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn công pháo 351 và Hội đồng đội Lữ đoàn 45 pháo binh, đã bỏ nhiều công sức trong việc đi tìm địa chỉ gia đình, quê quán của LS Nguyễn Văn Chức.

Hội đồng đội Cựu chiến binh Đại đội 806 ở Hà Nội hiện nay chỉ còn không hơn 10 người, tuổi từ trên 85 đến ngoài 90, như Đại tá Nguyễn Đức Tình, Trưởng ban liên lạc; Đại tá Bạch Ngọc Giáp, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh; Nguyên B phó B1 Nguyễn Phú Doanh; Nguyên B trưởng Nguyễn Xuân Đài; Nguyên B trưởng B1 Vũ Minh... Đây là những đồng đội, những nhân chứng trực tiếp chứng kiến sự hy sinh, anh dũng cứu pháo của Nguyễn Văn Chức ở Điện Biên Phủ.

Hàng năm, Ban liên lạc cựu chiến binh C806 (tiền thân là C119) họp mặt truyền thống đều không quên bàn đến việc quan tâm giúp đỡ các gia đình đồng đội nhất là những đồng đội tuổi cao, mắc bệnh hiểm nghèo và đặc biệt là việc tìm địa chỉ của LS Nguyễn Văn Chức. Đại tá Bạch Ngọc Giáp và nhiều anh em đã lần tìm đến các cơ quan quản lý lưu trữ Hồ sơ của Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu, Cục chính sách - Tổng Cục chính trị, Cục Hồ sơ người có công - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đặc biệt cả những địa chỉ ở Nam Hà tìm gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Chức nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra. Năm 2017, theo hướng dẫn thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến, lữ đoàn 45 Pháo binh đã tiếp tục làm hồ sơ đề nghị xét truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Nguyễn Văn Chức nhưng lại bị "dừng" vì vẫn chưa có địa chỉ gia đình, quê quán của liệt sỹ! Qua năm 2018, Nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng báo Quân đội nhân dân đăng bài "Có một anh hùng như Tô Vĩnh Diện ở Điện Biên Phủ", tiếp theo ngày 22/12/2018, chương trình "Giai điệu tự hào" của Đài Truyền hình Trung ương phát sóng bài "Hò kéo pháo", kèm theo thông báo tìm địa chỉ LS Nguyễn Văn Chức đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Tối 22/12/2018, VTV tổ chức giao lưu bản hùng ca Hò kéo pháo thì 8h sáng hôm sau có hai gia đình trực tiếp cung cấp thông tin nhưng có một gia đình có bằng "Tổ quốc ghi công", sau khi đối chiếu tên họ, ngày tháng, trường hợp hy sinh và đơn vị thì nhận thấy liệt sỹ trong bằng Tổ quốc ghi công của gia đình không phải là liệt sỹ Nguyễn Văn Chức đang tìm kiếm.

Gia đình thứ hai, ông Nguyễn Văn Thường, sinh năm 1953, bộ đội QK2 đã nghỉ hưu, hiện ở khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Thông tin ông Thường cung cấp: "Ông nội tôi tên là Nguyễn Văn Sông và bác cả tôi tên là Nguyễn Văn Chức. Sau nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) đi lên Lạng Sơn làm ăn, vào khoảng ngày 01/9/1946 rồi từ đó gia đình không có tin tức. Sau năm 1954, hòa bình lập lại, gia đình có đi tìm nhưng không biết ông nội và bác Nguyễn Văn Chức ở chỗ nào tại Lạng Sơn nên gia đình coi như mất tích và lấy ngày ra đi 1/9 làm ngày giỗ và hiện gia đình tôi thờ cúng ông nội và bác Nguyễn Văn Chức. Tuy coi như đã mất tích để thờ cúng, nhưng gia đình vẫn luôn nghe ngóng tin tức, luôn canh cánh bên lòng không nguôi ước vọng đi tìm vì nghĩ rằng ông nội già sẽ mất nhưng bác Chức vẫn còn. Khi nghe tin bác Chức đi bộ đội rồi hy sinh, những năm tôi công tác ở Bộ Tham mưu quân khu 2, tôi đã từng đi suốt từ Tuần Giáo lên Điện Biên, đến các nghĩa trang đi tìm nhưng hầu hết mộ liệt sỹ ở Điện Biên đều không có tên. Bất ngờ tối 22/12/2018 xem chương trình trên TV thấy thông báo kêu gọi ai là thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Chức hãy cung cấp thông tin. Vì vậy gia đình tôi làm giấy đề nghị với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh pháo binh xin được giúp đỡ xác minh, xác nhận. Nếu được, để gia đình tôi được nhận giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công cho bác tôi, liệt sỹ Nguyễn Văn Chức".

Nhưng thông tin của gia đình ông Nguyễn Văn Thường cũng chưa đủ căn cứ để xác nhận liệt sỹ Nguyễn Văn Chức (K3, B2, C806, E45) là thân nhân của gia đình. Bởi gia đình ông Nguyễn Văn Thường không có giấy báo tử, không có bằng Tổ quốc ghi công mà chỉ cho biết bác Nguyễn Văn Chức cùng ông nội đi Lạng Sơn làm ăn rồi mất tin, mất tích!

Lại nói về nhạc sỹ Hoàng Vân thường được mời tham dự, giao lưu kể chuyện truyền thống, chuyện viết "Hò kéo pháo" như thế nào. Nhạc sĩ Hoàng Vân nhiều lần tâm sự, ông có duyên với pháo binh, bởi khi viết "Hò kéo pháo" ông không phải là nhạc sĩ mà là chiến sĩ, là Đại đội trưởng đại đội độc lập của Đại đoàn 312, trong tổ công tác của mặt trận được trực tiếp tham gia kéo pháo tại C806, E45. Chính hình ảnh dũng cảm kiên cường, hy sinh cứu pháo của Nguyễn Văn Chức đã cho ông xúc cảm mãnh liệt viết nên bài "Hò kéo pháo". Ông tâm sự, không hiểu duyên số thế nào lại đưa ông gặp lại đồng chí Phạm Tuệ, nguyên Trung đội phó pháo, trung đội 2, người trực tiếp chỉ huy kéo pháo của khẩu đội 3, khẩu đội mà Nguyễn Văn Chức hy sinh cứu pháo ở Điện Biên Phủ năm xưa. Nay về nghỉ hưu hai người lại sinh hoạt cùng chi bộ Đảng, cùng hội cựu chiến binh phường, cùng hội cựu chiến sĩ Điện Biên. Là chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Văn Chức, sau này giữ chức đại đội trưởng C806, ông Phạm Tuệ thường nêu gương liệt sỹ Nguyễn Văn Chức với các thế hệ chiến sĩ pháo binh. Nay cả hai đều đã mất!

Dù "hành trình" gặp muôn vàn khó khăn trắc trở, có lúc tưởng không lối thoát nhưng lãnh đạo chỉ huy lữ đoàn 45 và Ban liên lạc cựu chiến binh lữ đoàn vẫn cố gắng vượt qua. Chúng tôi vẫn hy vọng là sẽ có hồi âm và tìm được địa chỉ quê quán của người đồng đội anh hùng.

Và lần này qua Báo Tiền Phong Chủ nhật chúng tôi cũng đang phập phồng niềm hy vọng ấy.

Ai biết được thông tin về gia đình, quê quán của liệt sỹ Nguyễn Văn Chức ở đâu xin báo cho Nguyệt san Sự kiện & Nhân chứng, Báo QĐND số 7 Phan Đình Phùng - Hà Nội, điện thoại: 0243.7333.598 hoặc Đại tá Hoàng Hải, điện thoại: 0979.221.936.

Đại tá Hoàng Hải

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/gian-nan-tim-mot-to-vinh-dien-khac-1453782.tpo