Gian nan trận tuyến giữ rừng

Những cánh rừng Tây Bắc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực. Rừng được ví như 'mái nhà' che, đảm bảo an toàn sinh thái cho nội vùng. Không những thế, rừng Tây Bắc còn có vai trò điều tiết nước và phòng hộ đầu nguồn cho các nhà máy thủy điện: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình... Những năm qua, công tác bảo vệ rừng thường xuyên được các địa phương quan tâm chỉ đạo. Song thực tế cho thấy, giữa chủ trương bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng và công tác thực thi pháp luật, quy định trong quản lý bảo vệ rừng vẫn còn 'độ chênh' rất lớn. Câu chuyện giữ rừng Tây Bắc chưa khi nào bớt nóng...Những cánh rừng Tây Bắc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực. Rừng được ví như 'mái nhà' che, đảm bảo an toàn sinh thái cho nội vùng. Không những thế, rừng Tây Bắc còn có vai trò điều tiết nước và phòng hộ đầu nguồn cho các nhà máy thủy điện: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình... Những năm qua, công tác bảo vệ rừng thường xuyên được các địa phương quan tâm chỉ đạo. Song thực tế cho thấy, giữa chủ trương bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng và công tác thực thi pháp luật, quy định trong quản lý bảo vệ rừng vẫn còn 'độ chênh' rất lớn. Câu chuyện giữ rừng Tây Bắc chưa khi nào bớt nóng...

Tây Bắc trung tuần tháng 6, những cơn mưa rừng ào ạt đổ về. Nước lũ từ đỉnh núi lao xuống khiến dòng sông trở nên hung dữ. Nhớ lại trận lũ những ngày đầu tháng 8/2017, nước lũ khiến hàng chục người thiệt mạng, lũ cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, tàn phá của cải, hoa màu của người dân Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, lũ ống đổ từ độ cao ước 2.000m hùng hổ như con thác đứng, bứt theo những tảng đá núi và những thân gỗ to tông vỡ nhiều thứ khác cản đường, làm tan hoang cả một vùng dân cư sầm uất thị trấn Mù Cang Chải. Nước lũ đánh sập cây cầu Nậm Păm ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cuốn theo bao sinh mạng... Thương xót khi nhìn thấy những cánh tay, những mái đầu ngoi ngóp nhô lên, vẫy gọi trong vô vọng.

Tình trạng phá rừng trái phép tại các tỉnh Tây Bắc vẫn diễn biến phức tạp

Không ai có thể khẳng định, những nơi này không tiếp tục đón nhận những cơn lũ. Mưa lớn là yếu tố gây ra lũ, nhưng căn nguyên của lũ ống, lũ quét dồn dập như vừa qua không chỉ tại thời tiết mà có một phần nguyên nhân của việc phá rừng nhiều năm qua.

Hiện nay, gần 90% diện tích rừng Tây Bắc là rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng nghèo. Những năm qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án phát triển kinh tế như: thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Rừng ở Tây Bắc đã “không cánh mà bay” mỗi ngày từ nhiều nguyên nhân, do cháy rừng, phá rừng làm nương, do khai thác gỗ trái phép… Trong đó, vấn đề chính của Tây Bắc, phải kể đến sự gia tăng của nạn dân di cư tự do ở một số tỉnh Điện Biên, Lai Châu... Để có đất sản xuất, các hộ này đã ngang nhiên phá rừng nơi họ đến, bất chấp luật pháp và sự quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng. Tình trạng di cư tự do không chỉ gây ra nạn phá rừng, mà còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Việc thiếu biên chế kiểm lâm, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý rừng

Những năm gần đây, điểm nóng nhất về phá rừng Tây Bắc vẫn là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và một số huyện của tỉnh Yên Bái. Dân di cư ồ ạt vào phá rừng, chỉ trong một đêm, hàng chục héc ta rừng bị “trảm” không thương tiếc trước sự bất lực của các cơ quan chức năng.

Ngày 1/3/2017, Kế hoạch 420/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn huyện Mường Nhé được triển khai thực hiện đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Từ tháng 4/2017 đến nay, không phát hiện trường hợp phá rừng mới, không có trường hợp nào tiếp tục di cư tự do vào Mường Nhé”. Song, điều mà những người giữ rừng Mường Nhé lo ngại là sau khi các lực lượng, các Tổ Công tác của Kế hoạch 420 rút lui, đơn vị nào sẽ tiếp quản công cuộc giữ rừng Mường Nhé mới chỉ tạm nguôi. Chẳng ai đứng ra đảm bảo rừng Mường Nhé sẽ không tiếp tục bị xâm hại...!

Có thể thấy, năm nào, địa phương nào cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Song, các vụ việc phá rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Giữa chủ trương đề ra và thực tế công tác giữ rừng vẫn chưa thể gắn kết. Trong báo các của các Chi cục Kiểm lâm cũng thể hiện rất rõ những mặt còn tồn tại, nghĩa là nhiệm vụ giữ rừng đề ra vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Tại tỉnh Lào Cai, năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 239 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn những tồn tại: Nhận thức trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; ý thức trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo của một số chủ rừng chưa cao, chưa quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, còn để xảy ra tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng...

Công tác trồng rừng hàng năm gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện và xử lý 84 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, có 33 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 26 vụ chế biến, cất giữ lâm sản trái phép, 3 vụ khai thác rừng, 3 vụ phá rừng trái pháp luật, 8 vụ phá rừng làm nương rẫy, 11 vụ vi phạm khác; tịch thu 33,156 m3 gỗ xẻ, hơn 58,71 m3 gỗ tròn. Phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép... vẫn tiếp tục xảy ra thách thức chủ trương bảo vệ rừng của các địa phương.

Một nguyên nhân cơ bản khác liên quan đến lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là kiểm lâm. Theo quy định tại Nghị định 119/2006/NĐ-CP, ngày 16/10/2006, của Chính phủ, mỗi kiểm lâm viên được quy định phụ trách 1.000ha rừng. Tuy vậy, tại các tỉnh Tây Bắc hiện nay, nhiều kiểm lâm viên đang phải phụ trách 2.000 đến 3.000ha rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Biển, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết: “Lực lượng kiểm lâm Lai Châu hiện nay chỉ có 222 biên chế, mới đạt được 50% theo quy định. Việc thiếu biên chế kiểm lâm khiến công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn hơn”.

Thực trạng phá rừng Tây Bắc đang ở mức đáng báo động và hậu quả khôn lường. Trước thực tế này, các địa phương khu vực Tây Bắc đã đề ra những giải pháp tăng cường cứu giữ rừng. Một trong những giải pháp được cho là “cứu cánh” của Tây Bắc là đẩy mạnh trồng rừng bổ sung, thay thế. Tuy vậy, việc trồng rừng ở các địa phương đang được triển khai ỳ ạch, đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Một trong những nguyên nhân khiến “điệp khúc” không hoàn thành nhiệm vụ trong trồng rừng là nguồn kinh phí hỗ trợ trồng rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT Điện Biên chia sẻ: “Năm 2018, tỉnh Điện Biên được giao kế hoạch trồng 400ha rừng phòng hộ, với nguồn kinh phí dự toán trên 12 tỷ đồng. Nhưng đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào có vốn để triển khai trồng. Chúng tôi chỉ chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là khâu thiết kế, khi nào có nguồn vốn mới bắt đầu triển khai trồng rừng. Khi mà không có kế hoạch chắc chắn thì rất khó cho chúng tôi. Tổ chức thực hiện trồng mà không có kinh phí thanh toán cho người dân là một vấn đề cực kỳ nan giải...”

Năm 2017, tỉnh Sơn La đã tổ chức trồng mới được 2.524,7ha/6.000ha rừng, đạt 42,08% so với kế hoạch. Nguyên nhân được lý giải các cơ quan chuyên môn tỉnh Sơn La lý giải là do khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2017 nên dẫn tới tỷ lệ trồng rừng mới đạt thấp. Năm 2018, tỉnh Sơn La dự kiến bảo vệ tốt 599.732ha diện tích rừng hiện còn. Trồng rừng tập trung 3.500ha; chăm sóc hơn 9.000ha rừng trồng; trồng 1 triệu cây phân tán.

Mùa trồng rừng các tỉnh Tây Bắc thường diễn ra khoảng từ tháng 5 đến hết tháng 7 hàng năm. Thời điểm này, mùa trồng rừng lẽ ra đã được một nửa chặng đường nhưng nhiều địa phương lại chưa được giao kinh phí để trồng rừng, liệu rằng kế hoạch đề ra có đạt được không?

Rừng Tây Bắc đang ngày càng khó giữ, việc trồng bù rừng ở các tỉnh luôn đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị của các tỉnh này.

Mất rừng và hệ lụy là sự cuồng nộ của thiên nhiên, lũ ống, lũ quét, hạn hán, sạt lở đất, ngày càng gia tăng. Vẫn biết công cuộc giữ rừng vô cùng gian nan, nhưng chúng ta nên nhìn vào thực tế giữ rừng chứ đừng nhìn vào con số báo cáo. “Nếu nơi nào xảy ra phá rừng nghiêm trọng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.” Điều này đã được Thủ tướng quy định tại Quyết định 245/QĐ-TTg về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định 07/2012/QĐ-TTg, ban hành một số chính sách nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Đã đến lúc chính quyền các cấp, các địa phương khu vực Tây Bắc hãy gỡ khó, thay vì chỉ biết kêu khó để có giải pháp giữ rừng.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/giu-rung-o-tay-bac-do-chenh-giua-noi-va-lam-1254820.html