Giằng co

Tiến trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã đạt được một số tiến triển gần đây khi Mỹ và Mê-hi-cô đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, đàm phán giữa Mỹ và Ca-na-đa vẫn đang là 'nút thắt' lớn và rất có thể điều này sẽ cản trở việc đưa NAFTA 'về đích' theo kế hoạch là vào cuối tháng 9 này.

Sau nhiều cuộc đàm phán giằng co gần đây, Mỹ và Ca-na-đa đã kết thúc cuộc đàm phán cấp cao kéo dài hai ngày tại thủ đô Oa-sinh-tơn về thỏa thuận sửa đổi NAFTA mà vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng. Hiện, Mỹ và Ca-na-đa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành chế biến sữa và một số điều khoản của NAFTA. Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô trong phát biểu cuối tuần qua khẳng định, nước này sẽ tiếp tục bảo vệ ngành công nghiệp chế biến sữa, bất chấp sức ép từ Mỹ. Bên cạnh đó, chính sách thuế cứng rắn của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm với các đối tác thương mại, trong đó có Ca-na-đa, cũng "phủ bóng đen" lên tiến trình đàm phán NAFTA thời gian qua. Ông G.Ði-át, Chủ tịch Unifor, nghiệp đoàn lớn nhất Ca-na-đa trong lĩnh vực tư, cho rằng, Ốt-ta-oa có thể không nhất trí về thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Mỹ nếu Oa-sinh-tơn tiếp tục đe dọa áp thuế đối với ô-tô nhập khẩu từ Ca-na-đa và duy trì mức thuế đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm, thép và nhôm.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ, Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa C.Phri-len nhấn mạnh, cuộc đối thoại giữa Mỹ và Ca-na-đa về NAFTA đã diễn ra "không ngừng nghỉ" và mang tính "xây dựng", xoay quanh nhiều vấn đề gai góc. Tuy nhiên, việc đàm phán không thu hẹp được bất đồng đang tạo ra sức ép với các bên. Ðối với Mỹ, chính quyền của Tổng thống Ð.Trăm muốn đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Ca-na-đa vào cuối tháng 9 tới, một phần là để kịp trình văn kiện này thông qua tại Quốc hội Mỹ trước khi chính quyền mới tại Mê-hi-cô nhậm chức vào đầu tháng 12. Trong khi đó, với Ca-na-đa, sức ép đạt được thỏa thuận NAFTA đang gia tăng trong bối cảnh "người láng giềng" Mê-hi-cô mới đây đã cơ bản đạt được thỏa thuận NAFTA với Mỹ. Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ và Mê-hi-cô đã đạt được thỏa thuận NAFTA và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mê-hi-cô. Ðiều này đã làm dấy lên quan ngại Ca-na-đa có nguy cơ sẽ bị đẩy vào thế cô lập ngay tại chính sân nhà. Trong thông báo mới đây, Hội đồng Ca-na-đa quan ngại rằng, đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thỏa thuận vì "nước Mỹ trước tiên". Giới phân tích cho rằng, bằng việc đổi tên thỏa thuận NAFTA vốn đã có 24 năm tuổi, Mỹ đang tạo ra phiên bản NAFTA mới theo hướng có lợi hơn cho nước này và Mê-hi-cô.

Các quan chức Ca-na-đa đến nay vẫn luôn bác bỏ ý kiến cho rằng Ca-na-đa đang chịu sức ép trong đàm phán NAFTA với Mỹ, nhất là sau khi Mê-hi-cô và Mỹ đã đàm phán thành công. Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa nhấn mạnh với báo giới rằng, mục tiêu của nước này là đạt được một thỏa thuận tốt cho người dân và Ca-na-đa không cảm thấy áp lực về thời gian. Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô cũng khẳng định chính quyền Ốt-ta-oa quan tâm đến một thỏa thuận tốt đẹp cho Ca-na-đa. Tuy nhiên, ông bày tỏ mong muốn phía Mỹ "thể hiện lập trường linh hoạt" để các nước sớm đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA.

Giới quan sát nhận định, tiến trình đàm phán NAFTA song phương giữa Mỹ và Ca-na-đa vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng sẽ đạt thỏa thuận trước ngày 30-11, thời điểm mà chính quyền Oa-sinh-tơn thông báo lên Quốc hội rằng sẽ ký hiệp định mới với Mê-hi-cô, thay thế cho NAFTA. Với những "nút thắt" lớn trong đàm phán giữa hai bên hiện nay, khả năng hình thành một NAFTA không có Ca-na-đa là hoàn toàn có thể xảy ra. Trên thực tế, phía Mê-hi-cô dường như cũng đã dự liệu đến "kịch bản" không mong muốn này. Tổng thống mới đắc cử của Mê-hi-cô A.Ô-bra-đô tuyên bố nước này mong muốn duy trì NAFTA như một thỏa thuận thương mại ba bên. Tuy nhiên, Mê-hi-cô sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương riêng rẽ với Ca-na-đa trong trường hợp các cuộc đàm phán NAFTA giữa Oa-sinh-tơn và Ốt-ta-oa "không đi đến đâu".

Hiện tại, dường như chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đang dồn trách nhiệm phải "tháo nút thắt" đàm phán cho Ca-na-đa với yêu cầu Ca-na-đa nhượng bộ nhiều hơn. Gần đây, Mỹ cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu ô-tô đối với Ca-na-đa, động thái được cho là nhằm gây áp lực đàm phán với Ốt-ta-oa. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đàm phán NAFTA thất bại, Ca-na-đa có thể là bên thua cuộc lớn nhất bởi khoảng 20% thu nhập quốc gia của Ca-na-đa là từ hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Mỹ, đây cũng là điểm đến của lượng hàng hóa tương đương 76% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Ca-na-đa.

Hà Việt

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37702502-giang-co.html