Giảng dạy chương trình lớp 1: Không còn áp lực, căng thẳng

So với thời điểm này năm ngoái, học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm nay đã có kỹ năng đọc tốt hơn. Điều này một phần do thời lượng dành cho môn Tiếng Việt nhiều nên học sinh có nhiều thời gian luyện đọc. Mặt khác, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh đã không còn bỡ ngỡ với sách giáo khoa mới nữa.

Học sinh lớp 1/14, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP.Biên Hòa) hào hứng với trò chơi “tìm tiếng có chứa vần” trong giờ học môn Tiếng Việt. Ảnh: Hải Yến

* Học sinh tiến bộ

Khác với tâm trạng lo lắng hồi đầu năm học, đến nay, nhiều giáo viên dạy lớp 1 cho rằng, xét về mặt bằng chung thì học sinh đã có kỹ năng đọc, viết tốt. So với cùng thời điểm này của năm học trước, kỹ năng đọc của học sinh có nhỉnh hơn. Nhờ đó, không chỉ giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường mà cả phụ huynh học sinh cũng trút bỏ dần áp lực tâm lý khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.

Cô Phạm Thị Thu Hạnh, Khối trưởng Khối 1 Trường tiểu học An Hảo (TP.Biên Hòa) kể, đầu năm học, lớp của cô có trường hợp một học sinh chưa biết bảng chữ cái. Với mỗi chữ cái, cô phải dạy đi dạy lại nhiều lần mà bé vẫn không nhớ. Vì vậy, giờ ra chơi, cô phải tranh thủ dạy kèm cho bé.

“Mấy ngày đầu, khi các bạn được ra chơi còn bé phải ở lại trong lớp để học bài, bé buồn và khóc. Mình động viên bé gắng học xong rồi ra chơi với bạn. Sau đó, bé quen dần và tiến bộ rõ rệt. Bây giờ mỗi ngày đi học, bé đều lấy một cuốn truyện trên giá sách của lớp để đọc cho cô nghe. Có hôm cha mẹ đến đón nhưng bé không về liền mà phải đọc hết truyện rồi mới về” - cô Hạnh kể. Nhằm khuyến khích học sinh siêng đọc, cô Hạnh đã mua nhiều cuốn truyện để ở giá sách cho các bé đọc tự do trong giờ nghỉ.

Cũng như cô Hạnh, tất cả giáo viên đang dạy lớp 1 trong trường đều phải tranh thủ dành thời gian ra chơi để kèm thêm cho những học sinh còn yếu. Rất nhiều học sinh khi bước vào lớp 1 chưa thuộc “mặt” 29 chữ cái. Vì vậy, công việc của các cô càng trở nên vất vả.

Theo phân bổ chương trình, mỗi tuần, môn Tiếng Việt có đến 12 tiết. Có khi 1 bài học sinh phải học đến 3 vần mới cùng lúc. Do đó, cả cô giáo và học sinh đều phải chịu nhiều áp lực. Đối với trường hợp học sinh còn chậm, các cô đều yêu cầu đọc bài nhiều lần, đánh dấu những chữ, những vần các em hay quên để phụ huynh hỗ trợ con học thêm ở nhà.

Những vất vả, khó khăn nhất đã dồn vào học kỳ 1 nên bước sang học kỳ 2, việc dạy và học đều trở nên thuận lợi hơn. Phần lớn học sinh đã có kỹ năng đọc tốt. Những trường hợp đọc yếu đều có thể tự đánh vần để đọc được. Tình trạng “thuộc vẹt” cũng không xảy ra. Vì vậy, các em đều có thể đọc được những văn bản khác ngoài sách giáo khoa.

Cô Hạnh chia sẻ thêm: “Chương trình mới có thời lượng dành cho môn Tiếng Việt nhiều hơn nên đầu năm đúng là có vất vả. Tuy vậy, vì có nhiều thời lượng, các con được đọc nhiều hơn nên nếu so chương trình mới hiện nay với chương trình cũ ở cùng thời điểm thì học sinh năm nay đọc tốt hơn năm ngoái”.

* Tăng cường lắng nghe, chia sẻ

Năm học này, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (H.Tân Phú) có 6 lớp 1. Đội ngũ giáo viên của trường đa số đều đã lớn tuổi. Do vậy, việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin có phần hạn chế so với những giáo viên trẻ. Trong khi đó, phương pháp dạy học mới lại đòi hỏi nhiều kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Đầu năm học, giáo viên chưa có nhiều thời gian tiếp cận sách giáo khoa mới, việc soạn giảng còn bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, họ vừa phải giảng dạy, vừa tiếp tục tham gia các đợt tập huấn…

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học An Hảo (TP.Biên Hòa) trong giờ học môn Tiếng Việt. Ảnh: Hải Yến

Theo cô Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng nhà trường, đó chính là những khó khăn mà tập thể giáo viên của trường buộc phải vượt qua để dạy học chương trình lớp 1 mới. Vượt qua những trở ngại ban đầu, hiện nay, giáo viên của trường đã quen dần với việc áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới.

“Qua nắm bắt tình hình từ các lớp 1, tôi thấy học sinh năm nay đọc trơn nhanh hơn so với trước đây. Bây giờ thì giáo viên đã quen với chương trình mới rồi nên việc triển khai chương trình ở lớp 2 sẽ thuận lợi hơn. Chỉ mong sao tỉnh chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp”- cô Hương cho biết.

Để có được kết quả khả quan bước đầu như hiện nay, việc sinh hoạt chuyên môn đúng hướng đóng vai trò không nhỏ. Trong đó, thay vì tổ chức mang tính hình thức, các cuộc họp chuyên môn đã thực sự trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý chia sẻ, gợi mở những phương pháp, cách làm hay.

Cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hảo chia sẻ: “Ở trường chúng tôi, Ban giám hiệu, khối trưởng và các giáo viên luôn ngồi lại với nhau để trao đổi, chia sẻ khó khăn, vướng mắc rồi cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề. Chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi: các cô đang gặp phải khó khăn gì. Với mỗi tình huống, chúng tôi lại đặt câu hỏi với các giáo viên khác xem nếu là cô thì cô sẽ giải quyết như thế nào…”.

Ở cấp phòng, phòng GD-ĐT đã tổ chức cho lãnh đạo phòng, chuyên viên phòng giáo dục tiểu học và đội ngũ cán bộ cốt cán đi dự giờ ở các trường. Sau khi dự giờ, đội ngũ cán bộ cốt cán sẽ tìm hiểu khó khăn, đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên trực tiếp đứng lớp để họ làm tốt hơn công việc của mình.

Cán bộ cốt cán chính là những người trực tiếp tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức nên hiểu rõ về chương trình, sách giáo khoa mới. Vì vậy, những tư vấn, định hướng của đội ngũ này rất sát sườn. Cô Phạm Thị Nguyệt chính là một trong những cán bộ cốt cán đó.

“Chương trình mới, giáo viên có quyền chủ động điều chỉnh phân phối chương trình, điều chỉnh tiết học để phù hợp với tình hình của lớp. Chẳng hạn, với nội dung bài đọc khó, cần nhiều thời gian để đọc thì cô có thể lấy tiết luyện tập, tiết dự phòng để bù sang. Giáo viên cũng được chủ động thiết kế hoạt động học tập phù hợp với lớp. Nhiều giáo viên chưa hiểu lại đòi hỏi phải có quy trình, khung hoạt động. Như vậy là mình đang tự bó buộc chính mình… Có rất nhiều vướng mắc từ phía giáo viên mà chỉ thông qua những buổi tư vấn như vậy thì họ mới chia sẻ để đội ngũ cán bộ cốt cán biết và định hướng lại” - cô Nguyệt chia sẻ.

Ngoài ra, Phòng GD-ĐT còn chia các trường tiểu học thành nhiều cụm chuyên môn (theo bộ sách) để sinh hoạt chuyên môn, trao đổi khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm. Đây là hình thức sinh hoạt chuyên môn mà các phòng GD-ĐT trong tỉnh đang thực hiện.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202103/giang-day-chuong-trinh-lop-1-khong-con-ap-luc-cang-thang-3048847/