Giang hồ gác kiếm: Chuyện tự kể của một tướng cướp

Bài 1: Một phút và nửa cuộc đời Bài 2: Những trận tử chiến Kỳ 3: Vua bãi vàng Năm 1988, Khoái 'đù' được trả tự do. Cũng thời gian này, dân tứ xứ tìm tới Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) và Na Rì (Bắc Kạn) đào vàng. Khoái 'đù' quyết định tới Thần Sa tìm vận may những mong sẽ được đổi đời. Mặc độc chiếc quần xà lỏn, chiếc áo may-ô, đi đôi dép lê và một ba lô gạo trên vai, Khoái tìm đến bãi vàng...

Hồi đó, đi đào vàng là chấp nhận đối mặt với rủi ro, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Các chủ bưởng rất dã man, muốn ăn trên mồ hôi, nước mắt và máu của người khác. Cho đến bây giờ, mỗi khi nói về Thần Sa, Boong Xay, Na Rì... người đời vẫn còn nhắc tới những câu chuyện nghe rất man rợ nhưng đã xảy ra trên thực tế như: bắt người chôn sống dưới hầm; bịt mắt, bịt miệng những kẻ ăn trộm vàng của chủ bưởng rồi đem trói vào gốc cây ngoài bìa rừng cho hùm beo ăn thịt; chủ bưởng ép người làm công hút thuốc phiện vừa để cột chân họ, vừa vét kiệt sức lao động của họ... Thêm vào đó, dân tứ xứ quy tụ về đây, cướp của người nọ, hiếp đáp người kia. Khoái "đù" mới ra trại, chẳng biết các tay anh chị đó là ai, và các đại ca ở đây cũng chẳng biết Khoái "đù" là một giang hồ "có số". Khoái "đù" mạnh miệng tuyên bố: "Lên đây ai làm được người đó ăn. Kẻ nào cậy thế mạnh, hiếp đáp kẻ yếu, tôi sẽ tiêu diệt".

Sau lời tuyên bố hùng hồn đó, một số chủ bưởng đã tìm tới những mong "dạy cho thằng điên một bài học nhớ đời", trong đó có Khoát "mặt choắt". Khoát cao trên 1m70, vung sải tay dài đấm tới tấp vào mặt Khoái. Mặc dù chỉ cao 1m50, nặng chưa đầy 50 kg nhưng chỉ mới tung ra vài chưởng, Khoái "đù" đã hạ nốc-ao Khoát "mặt choắt". Tiếp đó, nhóm của Khoái phải thường xuyên nghênh chiến các băng đảng khác khi thì bằng dao, mã tấu, lúc bằng gậy gộc, tay bo... và Khoái "đù" luôn là người chiến thắng.

Có đất, chủ bưởng Khoái "đù" cùng 21 thuộc hạ đêm ngày đào bới, tìm kiếm vận may. Sốt rét rừng hành hạ. Đói khát. Khoái "đù" nhớ lại: "Khổ lắm ! 3 ngày ăn cháo mới có 1 bữa cơm. Sau 6 tháng 20 ngày thì chúng tôi trúng vàng lần đầu. Nhiều lắm. Chia cho anh em rồi, phần tôi còn được tới 6 - 7 cân kia mà! Anh em vui mừng khôn xiết nhưng lại phải lo đối phó với nạn cướp bóc, trấn lột". "Bọn Hải Phòng nghe tôi trúng rốn vàng, kéo quân tới đòi ăn chia. Biết chuyện, tôi bố trí anh em suốt cả tuyến đường vào Thần Sa dài vài cây số, tiếp đón bọn nó bằng những trận đòn thập tử nhất sinh. Lính của tôi không súng, không đạn nhưng tôi yêu cầu họ đánh thục mạng. Tôi còn nhớ, quân của tôi đã đập nát cả hai chân của thằng cầm đầu đám đầu gấu Hải Phòng ấy. Sau lần đó, chẳng ma nào dám nghĩ tới chuyện gây hấn, trấn vàng của Khoái "đù" này nữa. Đời là thế đấy các chú ạ !".

"Quân số của tôi ngày một đông lên, từ 21 người ban đầu đã phát triển lên tới 320 quân. Tôi chia họ ra 3 nhóm, thay nhau làm 3 ca trong suốt 24/24 giờ mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn, sau mỗi ca, tự tôi xuống hang kiểm tra kỹ rồi mới cho nhóm khác xuống đào tiếp. Tôi trúng vàng nhiều lắm nên trả công cho mỗi người vài chỉ mỗi tháng, đó là chưa kể tiền thưởng. Sau mỗi đợt trúng vàng, tôi đều cho anh em làm thuê lưng vốn, đủ xây một cái nhà khang trang ở quê, mua cho mỗi người một cái xe máy xịn. Người Thái Nguyên hồi đó, hễ thấy người nào đầu đội mũ cối tàu, chân đi dép đúc, mặc quần áo hộp, đeo đồng hồ SK, cưỡi xe Dream Thái đều biết đích thị đó là quân của Khoái "đù" này. Tôi còn nhớ tết năm 1991, gần 6 ngàn con người ở bãi vàng bị thất bại không có miếng ăn. Tôi trúng vàng và cho mỗi nhóm xuống hang 2 giờ. Mỗi ca, cả nhóm cũng kiếm được 7 - 8 cây. Nhưng làm với tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc mà tôi đã đề ra. Biết ai có ý định hút chích, tôi bắt người đó tự lột hết quần áo, rồi nằm xuống đất. Tôi lấy roi đánh 15 cái. Tôi đánh thẳng tay, lằn roi rớm máu. Chưa tha, tôi giã muối rồi tự tay xát vào vết thương - xót, kêu la thảm thiết. Tôi thương anh em đau đớn. Nhưng tôi làm vậy là vì họ".

Bãi vàng thời đó rất phức tạp. Đàn bà con gái gánh hàng vào bán thường bị bức hiếp. Khoái "đù" rất bất bình. Có lần Khoái "đù" tẩn một chủ bưởng "lên bờ xuống ruộng" rồi tuyên bố: "Thằng nào đụng vào mấy chị đàn bà, tao sẽ tiêu diệt đến cùng". "Tôi cũng là con người, chưa vợ con, lại đang còn trẻ, chuyện đàn bà con gái nhiều lúc cũng thèm muốn lắm chứ nhưng mình phải dằn lòng, sống làm gương cho bọn đàn em noi theo, không được bắt chước cái thói ăn chơi phè phỡn, hư thân mất nết vốn đang đầy rẫy xung quanh. Tôi phải nói rằng, trên bãi vàng, nhiều cô gái trong vùng muốn yêu tôi lắm. Không biết họ mến tôi kiểu gì mà ngồi chơi đến tận 12 giờ khuya. Những lúc như thế, tôi thường khuyên họ về nhà để bố mẹ khỏi lo rồi tự mình đưa các cô ấy về tận bản. Bởi thế, họ quý tôi lắm. Dần dần các chủ bưởng khác cũng học tôi về mặt ấy. Tôi vẫn tự hào rằng, cả miền Bắc này, cả miền Nam này, cả Việt Nam này, tìm ra một chủ bưởng đào vàng như Khoái "đù" quả là hiếm hoi thay", Khoái "đù" bảo vậy.

Xung quanh Khoái "đù" có rất nhiều giai thoại. Nào là Khoái rất thích thanh toán mọi thứ bằng vàng, đi đâu cũng lận lưng một xấp vàng lá. Nào là Khoái "đù" ăn chơi trác táng, kiểu như đi du lịch thì thuê luôn cả khách sạn, đi xem phim, mua cả suất chiếu chỉ để xem một mình, thuê hẳn đoàn kịch vào Thần Sa diễn cho anh em đào vàng xem cả tuần lễ, đánh xe ca xuống Hà Nội gom đầy một xe gái "bán hoa" lên phục vụ đàn em cả tháng trời, mua hơn 40 con lợn và vài ngàn chai rượu ngoại để khao quân... Đem chuyện này hỏi Khoái "đù", chúng tôi nhận được câu trả lời: "Mình bỏ mồ hôi, máu và nước mắt mới làm ra vàng nên mình không ăn chơi, không bài bạc, không nghiện hút. Ăn chơi là vô vị. Mình có tiền phải sống sao cho người đời nể trọng". Khoái "đù" chỉ xác nhận đã giúp đỡ rất nhiều người. "Giúp thì tôi giúp nhiều, giúp một cách vô tư, có những người tôi cho họ cả đống tiền nhưng chẳng biết họ là ai. Tôi xây nhà lầu, sắm xe hơi cho anh em bạn bè, chẳng tiếc gì hết. Thế nhưng, bây giờ tôi nghiệm ra rằng, giúp là cho, mà cho là mất. Tiền, vàng tôi cho, có người giữ được, nhưng nhiều người lại không giữ được. Mồ hôi và nước mắt không đổ ra nên họ chi tiêu vô tội vạ, ăn chơi không biết tiếc tiền".

Một lần, Khoái "đù" tìm về Đồng Hỷ và gặp Thu, một người đàn bà góa đã có 2 đời chồng và 2 đứa con (một 12 tuổi, một 3 tuổi). Khoái đem lòng yêu Thu và nhanh chóng ngỏ lời cầu hôn. Đi đăng ký kết hôn ở Đồng Hỷ, người ta cứ bảo số Khoái là cái số... mùa thu, vợ trước cũng Thu, vợ sau cũng Thu. Cuộc sống gia đình hạnh phúc chỉ đến với Khoái trong một thời gian ngắn. Thu là một người đàn bà hư hỏng, bao của cải chồng làm ra, chị ta ném đi hết. Rồi Thu bị đi tù. Mọi người bảo, giàu như Khoái "đù" mà đâu ngờ có lúc phải trắng tay!

"Cuộc đời nhiều khi vẫn xảy ra những chuyện mà mình không ngờ tới. 2 năm trước, tôi đã 55 tuổi rồi nhưng có một cô gái 22 tuổi (quê ở Sóc Sơn, Hà Nội), đang học trung cấp y, tìm tới năn nỉ mãi cũng chỉ để... xin tôi một đứa con. Gặp tôi, cô gái trình bày: "Em chỉ xin anh một đứa con thôi, trai cũng được, gái cũng được, chỉ mong nó có được lòng nhân nghĩa giống anh. Đứa con ấy, em sẽ lấy họ của anh nhưng ai hỏi về cha của đứa trẻ chỉ trước khi chết, em mới nói rõ sự thật!". Nhấp chén trà, Khoái "đù" chép miệng: "Cuộc đời thế đấy các anh em à ! Không cho cô ấy, thế thì tôi đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Nói cho các chú biết, tôi đã trả lời cô bé đó: anh sẵn sàng !".

Bây giờ mọi chuyện trở lại bình thường. Đã 57 tuổi rồi nhưng với Khoái thì chưa đến mức già quá. Bà Thu cũng vừa mãn hạn tù, con cái dần trưởng thành, Khoái "đù" chỉ mong được sống thanh thản, vui vầy bên người thân trong suốt phần đời còn lại. Là những người biết rõ cuộc đời chìm nổi của Khoái "đù", cả trung tá Nguyễn Quang Sơn - Trưởng công an H.Đồng Hỷ và thiếu tá Ngô Minh Tiến - Trưởng công an thị trấn Chùa Hang đều bảo rằng, tên tướng cướp khét tiếng năm xưa, một chủ bưởng đào vàng giàu nứt đố đổ vách một thời nay đang cố gắng hòa nhập với cuộc sống yên bình của những người dân hiền lành, chất phác trên mảnh đất Chùa Hang này...

Quang Duẩn - Mạnh Dương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/giang-ho-gac-kiem-chuyen-tu-ke-cua-mot-tuong-cuop-364315.html