Giang hồ mạng và vaccine miễn nhiễm

Ngày 13/11, Hội đồng xét xử TAND Từ Sơn (Bắc Ninh) đã tuyên phạt bị cáo Ngô Bá Khá (biệt danh Khá 'bảnh') 10 năm 6 tháng tù giam vì 2 tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Phiên tòa khép lại, án đã tuyên nhưng vẫn còn đó băn khoăn trong dư luận.

Vì sao vẫn có nhiều người “hâm mộ” đối tượng này đến thế khi họ tập trung trước cổng tòa, trên tay là điện thoại để “ghi lại hình ảnh”. Trong số đó có nhiều người rất trẻ trong đồng phục học sinh.

Họ “hâm mộ” Khá “bảnh” vì kiếm được nhiều tiền, hay chỉ đơn giản là họ tò mò?

Sự săn đón dành cho một nhân vật được gọi là “giang hồ mạng” như Khá “bảnh” cần được nhìn nhận một cách kỹ hơn, sâu hơn. Nhưng, nói như một người để lại bình luận trên mạng thì "khi xã hội vẫn còn những kẻ thất học, ngông cuồng, lếu láo mà vẫn kiếm được tiền, thậm chí là nhiều tiền thì sẽ còn rất nhiều bạn trẻ cổ vũ và đi theo chúng".

Đó thật là điều đau lòng khi ta đối diện với khao khát có tiền và những phương cách kiếm tiền mới trên mạng, bất chấp điều đó tác động xấu cỡ nào đến xã hội. Một thanh niên mới 26 tuổi, học hành không tới đâu, lêu lổng hư hỏng nhưng rồi chỉ do “kiếm tiền như rác” mà trở thành “thần tượng” thì quả là những chuẩn mực đã có nguy cơ bị đạp đổ và trở nên nguy hiểm.

Cần nhắc lại, cho tới trước khi bị bắt (tháng 4/2019), Khá “bảnh” đã phát tán nhiều video có lời lẽ tục tĩu đậm chất giang hồ, cổ xúy lối sống không lành mạnh trên YouTube. Người xem vào đông đến nỗi có tháng Khá kiếm được đến gần 20.000 USD.

Giống Khá “bảnh”, những “giang hồ mạng” khác cũng đã kịp vấy bẩn xã hội từ những video thóa mạ, nói tục, chửi thề, hăm dọa, thị uy lẫn nhau, khoe vàng bạc tiền của, “đạo nghĩa giang hồ”, “anh em xã hội”, những cuộc ăn chơi thác loạn... Chúng được phán tán rất nhanh trên mạng không khác gì virus độc hại gây thành những dịch bệnh khủng khiếp. Có thể kể đến “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Quang “Rambo”, Huấn “hoa hồng”… đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền lối sống mang đầy mầm bệnh. Tuy rằng những “giang hồ mạng” nổi đình nổi đám đã lần lượt tra tay vào còng, nhưng những gì chúng gieo rắc thì không phải một sớm một chiều đã có thể gột rửa.

Có ý kiến cho rằng , việc “lệch chuẩn” khi thần tượng hóa đám “giang hồ mạng” là do các em đã tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm, vì thế cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Điều đó đúng, nhưng cũng cần nhận thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội là một thực tế không thể ngăn trở. Cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc. Nhưng cũng không thể vì thế mà cấm cản người khác lên mạng, kể cả người còn rất ít tuổi. Cũng không thể đơn giản khi nói rằng cha mẹ, thầy cô phải kiểm soát chặt chẽ các em. Có ai muốn con mình tung hô những đối tượng như Khá “bảnh” không? Câu trả lời dĩ nhiên là “không”. Họ có kiểm soát con em mình không? Tất nhiên là có! Nhưng chắc chắn không có bậc cha mẹ nào có thể kiểm soát con 24/24 giờ xem chúng lên mạng làm gì. Vả lại, chắc gì cha mẹ đã thạo internet bằng con trẻ để có cách kiểm soát hữu hiệu.

Kiểm soát, cấm cản thì dễ nhưng khó giải quyết được vấn đề.

Cái chính phải là tạo cho mỗi một con người những liều vaccine phòng ngừa virus độc hại để họ không bị nhiễm độc, không bị băng hoại. Đây là công việc hết sức khó khăn. Nó đòi hỏi thời gian, công sức và cả phương thức hành động phù hợp. Mỗi một gia đình, mỗi một trường học thì không thể làm được điều đó, mà phải là cả xã hội. Một xã hội tạo cho con người sự miễn nhiễm trước cái xấu, xa lánh và lên án cái xấu trên một nền tảng chuẩn mực văn hóa và đạo đức. Như thế, chúng ta có niềm tin rằng những gì trong trẻo, tốt lành sẽ tới. Virus độc địa không thể hạ gục một cơ thể đã có vaccine phòng dịch bệnh, và những loài virus ấy sẽ dần biến mất khi chúng không còn đất sống.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/giang-ho-mang-va-vaccine-mien-nhiem-tintuc452571