Giáng sức ép chót, Mỹ 'nước đôi' về hạt nhân Iran

Gần đến thời hạn chót, các quan chức Mỹ đang thực hiện một cách tiếp cận 'nước đôi' về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các quan chức Mỹ đang thực hiện một cách tiếp cận “nước đôi” về thỏa thuận hạt nhân Iran, tiếp tục đàm phán với các đồng minh về những thay đổi cần thiết trong nội dung văn bản– điều Tổng thống Trump yêu cầu, trong khi vẫn chuẩn bị ra khỏi hiệp ước này, theo CNN.

Ông Trump đã đặt hạt chót là vào ngày 12/5 – thời hạn ông phải ra quyết định gia hạn việc dừng trừng phạt Iran (theo thỏa thuận hạt nhân 2015 - JCPOA) hoặc rời thỏa thuận này – để các quan chức Mỹ và đồng minh châu Âu kết thúc đàm phán về những điều ông cho là còn sai sót trong JCPOA.

Cách suy nghĩ của Tổng thống Trump hiện tại là, nếu Mỹ và châu Âu nhất trí trong việc sửa đổi thỏa thuận, các bên ký kết khác là Nga và Trung Quốc cũng sẽ đồng ý, và Iran sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ, theo một số quan chức Mỹ.

Tổng thống Trump đã ra hạn chót về thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. (Nguồn: Getty)

Các nhà phê bình lâu nay đã nhiều lần nói rằng, việc rời thỏa thuận này sẽ đe dọa tới mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, gây tổn hại cho các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ - một phần bằng cách giảm khả năng giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran, cũng như ra một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên rằng Hoa Kỳ không đáng tin cậy để duy trì các thỏa thuận hạt nhân.

Một thỏa thuận "tồi tệ"

Các đồng minh châu Âu nói rằng họ sẽ không xem xét thay đổi đối với JCPOA, trong khi đó, cách biệt về lập trường giữa các nước này và Mỹ đang ngày càng được nới rộng. Với việc Tổng thống Mỹ nói rằng thỏa thuận này là “tồi tệ” và gần đây nhất là bổ nhiệm Giám đốc CIA Mike Pompeo – người có lập trường cứng rắn đối với Iran vào ghế Ngoại trưởng đang khiến các quan chức ở Mỹ và châu Âu lo ngại Washington đã sẵn sàng từ bỏ JCPOA.

Trong bối cảnh này, các quan chức Mỹ dẫn đầu các cuộc đàm phán với đồng minh châu Âu nói rằng, họ đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng nếu ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA.

Brian Hook, giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người đang dẫn đầu các cuộc hội đàm với người châu Âu về thỏa thuận hạt nhân Iran, nói: "Chúng tôi luôn phải chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào".

Còn Bộ Tài chính Mỹ cũng đang chuẩn bị cho khả năng có thể phải "quay lại thực hiện" các lệnh trừng phạt đã bị chính quyền Obama bãi bỏ sau khi thỏa thuận Iran được kí kết năm 2015.

Hook đã gặp các đồng minh châu Âu ở Berlin tuần trước để tiếp tục thảo luận trước khi tới Vienna, Áo, vào ngày 23/3 để họp thường kỳ với tất cả các bên tham gia thỏa thuận.

Khi được hỏi liệu ông có tin tưởng vào việc đạt được sự nhất trí với châu Âu hay không, Hook cho biết, "chúng tôi đã đàm phán mang tính xây dựng với người châu Âu ... nhưng tôi không thể đoán trước liệu chúng tôi có đạt được thỏa thuận hay không".

Hook cũng thừa nhận rằng Iran đang "tuân thủ về mặt kỹ thuật các cam kết của họ" trong thỏa thuận này.

Thỏa thuận mới sẽ áp lệnh kiểm soát cứng rắn hơn với Iran nếu việc giảm trừng phạt tiếp diễn. Cụ thể, sẽ không bắt đầu hết hạn sau 10 năm như thỏa thuận hiện nay (điều khoản hoàng hôn), thay vào đó, sẽ áp lệnh trừng phạt vĩnh viễn với cả nhà máy hạt nhân và chương trình tên lửa Iran.

Bên cạnh đó, ông Trumpp cũng muốn các nước đồng minh hành động mạnh hơn để ngăn chặn sự hiện diện của Tehran ở Lebanon bằng hậu thuẫn cho Hezbollah, các cáo buộc về tấn công mạng, "hung hăng trên biển" cũng như sức mạnh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran – lực lượng mà Hoa Kỳ nói là đứng sau sự mất ổn định của Trung Đông.

Ông Trump cho biết vào ngày 12/1 rằng, "Tôi đã vạch ra hai con đường có thể đi: Hoặc điều chỉnh những sai sót thảm khốc của thỏa thuận, hoặc Hoa Kỳ sẽ rút lui. "Đây là cơ hội cuối cùng,"

Các quan chức châu Âu lâu nay nói rằng mặc dù họ đồng tình về việc thảo luận các biện pháp gây áp lực cho Iran về sự ảnh hưởng tại Trung Đông, nhưng họ không muốn bổ sung nội dung vào JCPOA. Và Iran cũng từ chối thảo luận về việc mở lại các cuộc đàm phán, đã phải kéo dài nhiều năm để đi tới hoàn tất vào năm 2015.

Một nguồn tin thân cận về các cuộc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu nói với CNN rằng, đã có "tiến bộ tốt" về các vấn đề về tên lửa và thanh sát các cơ sở hạt nhân , nhưng một điểm tranh cãi mấu chốt vẫn là yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc loại bỏ điều khoản hoàng hôn.

Ra tín hiệu mạnh?

Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã rõ ràng về những hệ lụy chiến lược khi Mỹ rời bỏ JCPOA.

Khi được hỏi về việc Triều Tiên có thể rút khỏi tiến trình hướng tới hòa bình khi ông Trump rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào hôm thứ 3 rằng ,"bất kỳ hành động nào của Hoa Kỳ cũng sẽ gửi đi một thông điệp trên khắp hành tinh, vì vậy, điều này (Mỹ rời khỏi JCPOA) sẽ gửi một thông điệp đến Triều Tiên, một thông báo đến Nga, Trung Quốc, các đồng minh của chúng tôi, cùng với Iran hay Saudi Arabia. Tất cả các bên đều bị ảnh hưởng. "

Một số đồng minh thân cận của Mỹ lâu nay vẫn phê phán các nội dung của JCPOA. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 20/3 cho biết đây là một "thỏa thuận sai lầm" và cảnh báo rằng, Iran vẫn có khả năng duy trì việc nghiên cứu hạt nhân. Có thể ngay khi thỏa thuận này chấm dứt, họ sẽ có thể làm giàu uranium cho một quả bom chỉ "trong vài tuần."

Ông al-Jubeir nói với các phóng viên ở Washington trong tuần này rằng, nếu những thay đổi mà ông Trump đang yêu cầu có thể được thực hiện, Saudi Arabia sẽ có thể hỗ trợ việc JCPOA.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/giang-suc-ep-chot-my-nuoc-doi-ve-hat-nhan-iran-284659.html