Giảng viên cần kỹ năng hài hước

Hài hước là kỹ năng vận dụng vốn ngôn ngữ vào tình huống thực tế một cách bất ngờ và đúng lúc để tạo tiếng cười sảng khoái hay làm giảm đi không khí căng thẳng của lớp học. Tuy nhiên, sự hài hước để lôi cuốn sinh viên phải được thể hiện một cách sắc sảo và lịch thiệp- như lời khuyên của một số giảng viên đã gặt hái khá nhiều thành công khi áp dụng kỹ năng này.

Thầy trò trở nên thân thiện hơn khi biết vui đùa đúng lúc

Thầy trò trở nên thân thiện hơn khi biết vui đùa đúng lúc

Hài hước phải thông minh và khéo léo

ThS Lê Thanh Hoài (ngành Kinh tế phát triển của ĐH Cần Thơ), nhận xét rằng: “Hầu hết các giảng viên mà tôi tiếp xúc đều mong muốn được trang bị kỹ năng hài hước để tạo ra chuỗi cười xen giữa buổi học, vì như vậy sẽ làm cho lớp học thoải mái hơn, thú vị hơn, việc tiếp thu bài lại dễ dàng hơn, thế nhưng ít người biết rằng hài hước có những nguyên tắc cần tuân thủ nếu không sẽ gây ra tác dụng không mong muốn”.

ThS Lê Thanh Hoài cho rằng có 4 nguyên tắc mà giảng viên không được vượt quá trong khi thể hiện sự hài hước. Thứ nhất là không lấy nỗi thống khổ và khuyết tật của người khác ra để gây cười. Thứ hai là không đem nhân cách của người khác ra đùa giỡn. Thứ ba là không làm buồn người khác vì câu chuyện hài hước mình vừa kể.

“Nguyên tắc thứ tư quan trọng nhất, thường bị nhiều giảng viên và học viên ngộ nhận khi tham gia dạy và học. Đó là dùng sự dung tục để gây hài hước. Thực ra, việc “đố tục giảng thanh” đã được ông bà ta sử dụng trong các câu ca dao tục ngữ để truyền đạt kinh nghiệm một cách dễ nhớ dễ hiểu. Thuở sơ khai, việc “đố tục giảng thanh” thường gắn liền với văn hóa phồn thực, nhưng được chuyển tải một cách ý nhị, kín đáo, không hề phô phang, lộ liễu. Thế nhưng, tôi thấy nhiều giảng viên đang lạm dụng sự dung tục để chọc cười sinh viên, chứ không hề thông qua yếu tố hài hước để bắc cầu vào kiến thức bài học. Có nhiều người còn xem việc chửi thề nói tục trên bục giảng hoặc khi diễn thuyết là “phong cách” độc đáo”, ThS Lê Thanh Hoài nói.

ThS Nguyễn Thị Minh Phượng (chuyên gia về phương pháp thực hành sư phạm tại TPHCM) kể rằng lúc học môn Luật Hiến pháp trong chương trình đào tạo Hành chính công, cô rất thán phục một giáo sư vì khả năng “đố tục giảng thanh” rất lịch thiệp và thông thái.“Giáo sư của tôi sau khi giảng về cơ cấu tổ chức và chức năng của Duma Quốc gia tức Hạ viện CHLB Nga xong thì nháy mắt bảo sinh viên rằng, ông biết sinh viên đầu óc sáng tạo, phong phú nhưng “các vị làm ơn” đừng “thêm gạch thêm dấu” vào tên cơ quan Nghi viện nước bạn rồi đem đi bêu rếu nhau”, ThS Nguyễn Thị Minh Phượng cười nói.

Theo ThS Lê Thanh Hoài, để sự hài hước đúng lúc, đúng chỗ, tốt nhất giảng viên nên làm dồi dào vốn sống của mình bằng cách đọc nhiều sách hoặc xem nhiều hí kịch kinh điển. Những trước tác đó sẽ cung cấp cho người dạy nhiều liên tưởng hay ho đến kinh nghiệm trong cuộc sống. “Tôi khuyên bất kỳ người đi dạy nào cũng nên đọc và ghi nhận lại các chi tiết từ danh tác của Mark Twain, Alexandre Dumas, hoặc gần hơn một chút là Woody Allen. Đôi lúc chỉ cần một câu chuyện hài hước sâu sắc để thư giãn là người học có thể ấn tượng mạnh về phong cách của người thầy”, ThS Lê Thanh Hoài nói.

Đừng quên tự trào

ThS Nguyễn Thị Minh Phượng cho rằng, bên cạnh kỹ năng hài hước, giảng viên cũng nên rèn luyện kỹ năng tự trào, nói thẳng ra là tự cười mình. Vì tự trào là đỉnh cao, là tinh túy của hài hước. Tự trào khác với hài hước do có yếu tố tự phê phán, hay nói cách khác, một người tự giễu cợt các nhược điểm cơ thể, thói hư tật xấu, lịch sử bản thân, hoặc biết đùa bỡn các tin đồn, biết giải thích dí dỏm về sự xuất hiện và vai trò của mình…

Tự trào được thể hiện thông qua phương pháp “bùng nổ phút chót”, đoạn kết thúc càng bất ngờ bao nhiêu thì càng gây cười bấy nhiêu. Nó làm người nghe bật cười sảng khoái mà quên đi không khí nặng nề, áp lực công việc hay tình huống khó xử. ThS Lê Thanh Hoài nêu ví dụ về một cách tự trào: “Giả sử tôi mở đầu bài giảng như sau, tôi là thầy dạy môn chính sách kinh tế và tôi bị hói đầu, thì người bị hói đầu sẽ là thầy dạy môn chính sách kinh tế hoặc mấy bạn học chính sách kinh tế tương lai cũng sẽ bị hói đầu. Đấy là tôi mượn logic học tam đoạn luận để nói với sinh viên, có điều nó sai thôi”.

Còn theo ThS Nguyễn Thị Minh Phượng, những người dạy các môn như lịch sử học, chính trị học hay luật học có rất nhiều lợi thế để rèn luyện và phát huy kỹ năng tự trào. Họ không cần tự trào chính bản thân mình nữa mà đã có sẵn rất nhiều dẫn chứng cụ thể về người thật, việc thật, nhất là khoảnh khắc những nhân vật nổi tiếng ứng biến khôn khéo nhằm chữa thẹn giữ hình tượng.

Các lợi ích hết sức thiết thực

Khi một giảng viên biết hài hước đúng cách hoặc biết tự trào thì sẽ biến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa thầy và trò trở thành một hoạt động linh hoạt, thực chất, thân thiện, phá bỏ các rào cản hình thức, khách sáo. Câu nói tự trào - hài hước đặc sắc làm người nghe bật cười bao giờ cũng làm học viên nhớ lâu nhất trong các bài giảng thường vốn khô khan. Đồng thời, chính những giây phút cười sảng khoái đó sẽ tạo động lực giúp học viên tập trung theo dõi nội dung chính của bài giảng, làm tăng hiệu quả thuyết phục của giảng viên.

“Trong lớp tôi dạy, có nhiều em còn ghi lại những câu nói và ý tưởng giảng dạy hài hước của giảng viên. Tôi hỏi ghi làm gì, thì các em bảo là để vận dụng sau này, biết đâu khi các em làm giảng viên hoặc được ai đó mời phát biểu thì có kinh nghiệm mà dùng. Tôi chọc rằng tôi khoác lác đó, thế là có thêm một trận cười nữa”, ThS Lê Thanh Hoài nhớ lại.ThS Nguyễn Thị Minh Phượng dẫn chứng các nghiên cứu về sinh học và tâm lý học chứng minh khả năng hài hước có thể giúp làm tan biến cơn stress, điều hòa hệ thần kinh, tăng cường khả năng ghi nhớ thêm 60%. Ngoài ra, sự hài hước còn phản ánh phong cách, sức hút cá nhân, thể hiện trí tuệ, sự sắc sảo, thâm thúy và độ lượng của người đứng lớp.

“Nếu các bạn xem clip Bài giảng công lý thu hút trên 10.000 học viên của GS Michael Sandel (ĐH Harvard) thì bạn hãy để ý cách mà vị giáo sư này thể hiện tác phong hài hước rất lịch thiệp và thâm trầm. Không bao giờ có sự pha trò ở đây”, ThS Lê Thanh Hoài nói. Trong nhiều case study về lẽ công bằng, giáo sư Michael Sandel thường đưa ra tình huống trớ trêu gây cười rất thông minh.

Đơn cử như case study có 5 người cần thay 5 bộ phận nội tạng khác nhau trong cơ thể nhưng ngân hàng nội tạng hoàn toàn trống rỗng. Ông bắt đầu tăng độ khó của tình huống nhằm đánh lạc hướng sinh viên. Đầu tiên, có nên để một người hy sinh, lấy nội tạng cứu 4 người còn lại? Sinh viên tranh cãi không ngớt. Ông lắng nghe, phản biện lại và bẻ lái câu chuyện sang một kết thúc khác. Ông nói rằng, trong một tình huống diễn ra song song, có một người thứ 6 nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt đang sống nhờ thở oxy và nội tạng còn nguyên vẹn, vậy bác sĩ có nên tháo thiết bị cấp oxy để không ai trong 5 người ban đầu phải chết? Thế là tiếng cười tràn ngập hội trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giang-vien-can-ky-nang-hai-huoc-3939819-b.html