Giao Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định đặc xá diện đặc biệt

Chiều nay (19.11), Quốc hội tiến hành biểu quyết Luật Đặc xá (sửa đổi), trước khi biểu quyết toàn văn, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết 2 điều luật quan trọng.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) (ảnh quochoi.vn).

Hai điều được biểu quyết riêng là Điều 11 quy định điều kiện được đề nghị xét đặc xá và Điều 22 quy định người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Có 94,43% số đại biểu Quốc hội tán thành Điều 11; có 95,67% tán thành Điều 22 và 92,99% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua toàn bộ Luật Đặc xá (sửa đổi).

Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).

Về đặc xá trong các trường hợp đặc biệt, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định dự thảo Luật là quá rộng, dễ bị lạm dụng; chỉ nên xét đối với một số đối tượng được hoãn thi hành án thuộc trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tiêu chí xác định thế nào là “trường hợp đặc biệt” nhằm bảo đảm tính minh bạch và thống nhất trong tổ chức thực hiện. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối ngoại của Nhà nước. Có ý kiến đề nghị không mở rộng đặc xá đối với người thuộc diện được hoãn chấp hành hình phạt tù, người đang được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Ủy ban TVQH xin báo cáo như sau: Báo cáo tổng kết Luật Đặc xá trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, không phát sinh vướng mắc. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật, tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định. ”Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng không mở rộng đối tượng đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với người đang được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất của đặc xá”, bà Lê Thị Nga cho biết.

Điều 22 Người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, quy định: Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật này.

Có ý kiến nêu thời gian qua có phạm nhân chấp hành án nghiêm túc, có ý thức chấp hành tốt nội quy của trại giam nhưng do vẫn viết đơn kêu oan nên không được xác nhận là có ý thức cải tạo tốt để được xét đặc xá.

Ủy ban TVQH xin báo cáo như sau: Luật Đặc xá hiện hành cũng như dự thảo Luật không quy định nội dung này; tuy nhiên, Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12.02.2018 của Bộ Công an hướng dẫn một trong những tiêu chuẩn để được xếp loại cải tạo khá hoặc tốt là “phải nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải…”. Thực tế quá trình chấp hành hình phạt tù, có những phạm nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định nhưng do họ liên tục kêu oan nên không đạt tiêu chuẩn thi đua nêu trên và không được đề nghị đặc xá. “Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt tù, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước về đặc xá, Ủy ban TVQH đề nghị Bộ Công an sớm rà soát, xem xét lại quy định này”, bà Lê Thị Nga cho biết.

Ngoài ra, Ủy ban TVQH còn giải trình, chỉnh lý một số nội dung khác. Luật Đặc xá (sửa đổi) có 6 chương, 39 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019.

Ngọc Lương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/giao-chu-tich-nuoc-quyen-chu-dong-quyet-dinh-dac-xa-dien-dac-biet-931736.html