Giáo dân ở Quang Trung xứng danh cùng nông thôn mới kiểu mẫu

Quang Trung là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Cần ghi nhận những đóng góp tích cực của đồng bào theo đạo Công giáo (chiếm 98% dân số của xã) trong mọi mặt phát triển kinh tế xã hội và kinh tế hợp tác ở địa phương, giúp cho vùng quê thêm giàu đẹp, đời sống người dân ngày càng khá giả.

Với vai trò là Chánh xứ giáo xứ Ninh Phát ở xã Quang Trung, thời gian qua, linh mục Ngô Công Sứ và Ban hành giáo đã tích cực vận động bà con giáo dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, tu sửa đường giao thông nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng ấp văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu, tham gia bảo hiểm y tế…

Sẵn sàng chung sức, đồng lòng

Bên cạnh đó, linh mục cũng tuyên truyền, vận động bà con giáo dân bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu chăn nuôi, không xả thải ra suối gây ô nhiễm môi trường.

“Với tinh thần sẵn sàng chung sức, đồng lòng, chúng tôi luôn cố gắng bằng nhiều hình thức khác nhau cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho đời sống của người dân”, linh mục Ngô Công Sứ tâm niệm.

Bà con giáo dân ở xã Quang Trung luôn đoàn kết một lòng, sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Từ nhiều năm trước, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Quang Trung - nơi có gần 99% dân số là đồng bào theo đạo Công giáo, đã có dấu ấn, vai trò góp sức rất lớn của bà con giáo dân và các vị linh mục, chức sắc trong đạo.

Điển hình như giáo dân Vũ Viết Châu đã từng hiến 540m2 đất và đóng góp tiền của để xây dựng dự án khu chăn nuôi tập trung Nguyễn Huệ. Từ đó, ông còn vận động được người dân đóng góp hơn 2,3 tỷ đồng và 3 ngàn m2 đất để dự án này hoàn thành.

Hoặc như giáo dân Phạm Văn Ray (ngụ ấp Lạc Sơn) đã hiến 9 ngàn m2 đất để mở đường nội đồng, đóng góp 600 triệu đồng cho việc xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tại ấp… Ông còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiệt tình đóng góp vào công tác từ thiện xã hội tại địa phương…

Bên cạnh đó, Chánh xứ Ninh Phát đã từng tham gia vận động giáo dân giải tỏa hành lang để xây dựng, nâng cấp 11 tuyến đường dài hơn 8km với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng…

Ngoài ra, có thể kể đến ấp Lê Lợi 2 ở xã Quang Trung có gần 3.000 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào theo đạo Công giáo. Trong những năm qua, bà con giáo dân trong ấp đã phát huy tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hiện nay, ấp có gần 98% số hộ có đời sống kinh tế ổn định và khá giả; 100% số hộ được sử dụng nước sạch, điện lưới quốc gia; 99,2% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% tuyến đường trong ấp đã được bê tông hóa và có hệ thống đèn chiếu sáng.

Thành quả từ cách làm riêng

Ông Trần Văn Vinh là một giáo dân và cũng là một đảng viên, Bí thư Chi bộ ấp Lê Lợi 2. Ông cho biết Chi bộ có 15/20 đảng viên là người Công giáo.

Từ thực tế của bản thân, ông Vinh nhận thấy dù là người Công giáo hay vào Đảng thì tất cả đều có điểm chung là hướng con người đến những việc làm tốt, tránh xa điều xấu và góp phần xây dựng gia đình, quê hương phát triển.

Giáo xứ Ninh Phát có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới ở xã Quang Trung.

Không chỉ với Chi bộ ấp Lê Lợi 2, Đảng bộ xã Quang Trung có 237 đảng viên thì trên 50% trong số này là đồng bào theo đạo Công giáo. Đặc biệt, 6/6 bí thư chi bộ ấp đều là người Công giáo.

Giáo dân Lê Thế Lực, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Lam Sơn (xã Quang Trung), cho hay trong ấp có 1,2 ngàn hộ thì 97% trong số này là gia đình đồng bào Công giáo.

Để xây dựng cảnh quan khu dân cư, ông Lực cùng Ban ấp đã vận động từng hộ dân, bà con giáo dân chủ động trồng và chăm sóc cây xanh, hoa, dọn dẹp vệ sinh trước khu vực mỗi nhà và nhà thờ.

Cũng theo ông Lực, việc tuyên truyền, vận động giáo dân chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, chấp hành quy định về an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường… luôn có sự phối hợp của chính quyền địa phương, Ban ấp, Ban hành giáo. Hình thức thực hiện đa dạng từ họp dân định kỳ, kết hợp với các buổi sinh hoạt tôn giáo, tìm đến với từng gia đình.

Từ vai trò tích cực của bà con giáo dân trong mọi mặt hoạt động kinh tế, chính trị xã hội đã góp phần đưa xã Quang Trung được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2019. Rồi đến năm 2022, Quang Trung đã chính thức trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Thống Nhất.

Thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện đạt 75,8 triệu đồng/năm, tăng 9,7 triệu đồng so với năm 2019; giá trị sản xuất trên 1 ha đất đạt trên 195 triệu đồng, tăng hơn 44 triệu đồng.

Để đạt được thành quả xã nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền xã Quang Trung đã liên tục tìm tòi, mạnh dạn làm và mỗi ấp tùy vào đặc thù chọn một cách làm riêng.

Chẳng hạn như tại ấp Nguyễn Huệ 1, nơi có giáo xứ Ninh Phát, chính quyền xã tranh thủ sự ủng hộ của các linh mục, chức sắc, chức việc và nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao.

Đặc biệt, giáo xứ Ninh Phát còn chung sức với chính quyền xây dựng thêm nhiều thiết chế văn hóa như: Sân bóng đá, bóng chuyển, cầu lông… Qua đó, góp phần chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Hình thành nhiều mô hình liên kết nông sản

Cần nhắc thêm, xã Quang Trung cũng là một trong những địa phương đang phát triển mạnh hoạt động kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị nông sản ở huyện Thống Nhất, trong đó có dấu ấn của người Công giáo. Nhờ vậy đã giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá.

Với sự tham gia tích cực của bà con giáo dân, kinh tế hợp tác ở xã Quang Trung ngày càng phát triển, đã hình thành mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối.

Đơn cử như HTX thương mại, dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuận Thiên ở ấp Lê Lợi 2 đã liên kết với doanh nghiệp trồng đinh lăng dưới tán cây lâu năm.

Mô hình này mang lại tín hiệu khả quan. Đây là cơ sở góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao rồi nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã. Theo tính toán, sau 3 năm trồng, trên mỗi ha đinh lăng với 30.000 cây sẽ cho thu 36 tấn lá và 180 tấn cành, thân và rễ, giúp thành viên HTX có thể thu lời khoảng hơn 2 tỷ đồng/ha.

Hiện nay, HTX Thuận Thiên đang có hướng vận động các thành viên và bà con nông dân trên địa bàn xã Quang Trung mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng dưới tán cây lâu năm lên khoảng 100 ha trong các năm tới.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thuận Thiên cho biết, các thành viên trong HTX đều là thanh niên theo đạo Công giáo.

Trong xã còn có các HTX với sự tham gia của các giáo dân đang hoạt động ổn định và hiệu quả như HTX rau an toàn Lê Lợi 2, HTX thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Nông Việt Phát, HTX nông nghiệp Phương Nam, HTX thương mại - dịch vụ Quang Trung.

Mặt khác, ở xã còn hình thành nhiều mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, giúp người dân ổn định sản xuất, tránh lệ thuộc vào thị trường. Điển hình như mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối giữa nông dân với các cơ sở kinh doanh Cường Hoa, Hải Dương, Phạm Hiển Vinh với diện tích hơn 300ha.

Ngoài ra, có thể kể đến ấp Lạc Sơn có khoảng 360 hộ dân là giáo dân đang sinh sống và áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, giúp cho nhiều hộ có thu nhập khá. Lạc Sơn còn là ấp có nhiều tỷ phú xuất thân từ làm nông nghiệp.

Không những vậy, xã Quang Trung còn được xem là là “cái nôi” của nghề làm chuối sấy, đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai. Xã có vùng nguyên liệu để làm chuối sấy khá lớn với khoảng hơn 800 ha diện tích trồng giống chuối truyền thống.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/giao-dan-o-quang-trung-xung-danh-cung-nong-thon-moi-kieu-mau-1093781.html