Giao đất cho doanh nghiệp: Biến đất công thành 'chùm khế ngọt'

Nhiều doanh nghiệp được giao đất sau đó cho thuê lại để 'mượn gà đẻ trứng' kiếm lợi nhuận từ đất đai của nhà nước.

Chính sách đất đai trong nông nghiệp hiện nay đang là rào cản lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Dù diện tích đất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa, nhưng thu nhập từ ngày càng thấp khiến nhiều nông dân không thiết tha với ruộng đất.

Giới hạn của Luật Đất đai chưa tạo đà phát triển

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải giải tỏa những rào cản bất cập trong chính sách đất đai hiện nay mới có thể tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định. Đơn cử như những bất cập về hạn điền, hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp; quy định về doanh nghiệp (DN) trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; DN nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

TS. Nguyễn Hữu Thọ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Luật Đất đai không cho phép xây dựng các công trình kiên cố phục vụ sản xuất trên đất lúa, trong khi sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất cần xây dựng những kho bãi diện tích lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao cũng cần phải có quỹ đất lớn… “Quy định như vậy rõ ràng đang cản trở mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất của DN khiến DN không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, TS. Nguyễn Hữu Thọ lưu ý.

Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều ý kiến cho rằng thời điểm hiện nay không cần chính sách hạn điền, cứ để thị trường tự điều chỉnh và người nông dân họ tự biết phải tập trung tích tụ đất đai đến mức độ nào thì có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, bà Vân Anh cũng nêu quan điểm, nếu như ở các nước khác thường họ làm rất tốt điều này, bởi vì họ có đồng bộ các giải pháp cho thị trường tự tích tụ đất đai, nhưng họ có công cụ thuế hữu hiệu để kiểm soát được nên tập trung đất đai đến mức độ nào và không được đầu cơ đất đai, nhưng ở Việt Nam thì chưa làm được như vậy.

“Ở đồng bằng sông Hồng, mỗi hộ có thể tích tụ đất với diện tích 20ha sẽ kéo theo việc hàng trăm hộ sản xuất khác phải bỏ sản xuất nông nghiệp, vậy làm sao giải quyết lao động cho các hộ sản xuất này lại là điều đáng bàn. Khi người nông dân cũng như nhà nước cũng chưa làm tốt được điều này, chủ chương của Luật Đất đai vẫn là hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân,… nhưng không hạn mức thuế đất của DN”, bà Vân Anh nhận xét.

Bày tỏ nguy cơ khó kiểm soát đối với việc bỏ quy hoạch đất đai, bỏ thời hạn giao đất cũng như bỏ việc phân biệt quyền sở hữu của các chủ thể đất đai, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, quy hoạch sử dụng đất đai là điều căn bản nhất định của mỗi quốc gia, là định vị các vùng, các hoạt động kinh tế… Một số quốc gia nước ngoài cấm các nhà đầu tư nước ngoài mua không đến 0,01 % ha đất nếu như giá trị đất đai của quốc gia đó quá rẻ.

“Chính vì thế, nếu đề xuất bỏ quy hoạch và bỏ cả hạn điền cũng như bỏ thời hạn giao đất sẽ tạo cơ hội cho những thế lực không thân thiện, hoặc những nhà tư bản kếch xù biến mình thành “vua”, vượt qua cả chính phủ để sở hữu đất nếu theo quy luật của kinh tế thị trường”, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Chính sách giúp người dân có đất yên tâm

Mặt khác, theo TS. Nguyễn Minh Phong, nếu không có quy hoạch sử dụng đất đúng công năng và mục đích sẽ không đảm bảo được an ninh lương thực. Nếu không phân biệt quyền sở hữu đất đai, sẽ lại xuất hiện các nhà tư bản thu gom đất, biến đất nhà nước, đất công thành đất tư nhân rất khó bảo vệ lãnh thổ khi có ngoại xâm…nên đây là điều hết sức nguy hiểm dẫn từ kinh tế sang chính trị, quân sự và an ninh quốc gia nên đặt vấn đề này cần phải tổng hòa toàn diện từ nhiều góc độ.

Mặc dù ủng hộ việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp nhưng TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý: Cần tránh sự lạm dụng, khiến cho sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích đất tốt sẽ rơi vào một số người thuộc nhóm công quyền, người nông dân sẽ nhận đất xấu.

“Mặt trái của chính sách giao đất cho DN là nếu không kiểm soát chặt sẽ tạo ưu đãi cho một số nhóm người có cơ hội “của người phúc ta”, biến đất công thành “chùm khế ngọt”. Rất nhiều DN tư nhân hiện nay được giao đất sau đó sử dụng đất đó không phải để sản xuất mà cho thuê lại để “mượn gà đẻ trứng” kiếm lợi từ đất đai của nhà nước”, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.

Ngoài ra, các hình thức góp vốn bằng đất cực kì khó ở chỗ sau khi góp đất và chuyển đổi công năng sau này hoàn trả và rút vốn ra sao? Đây là rủi ro chính sách rất lớn khi DN có thể phá sản mà chính quyền không đứng ra thu hồi được đất đai góp vốn.

Chính vì thế theo TS. Nguyễn Minh Phong, chỉ có thể còn hai hình thức là cho thuê đất bằng cách chính quyền trực tiếp dẫn nông dân đến với DN, nhưng phải có sự bảo lãnh của chính quyền. Thậm chí có một số nơi chính quyền đứng ra gom đất của dân, thuê lại đất của dân sau đó đứng ra cho DN thuê lại và nhà nước vẫn có một sự bảo lãnh nhất định.

“Đây có lẽ là một cơ chế được nhiều người nông dân hoan nghênh hơn cả. Còn hình thức cho thuê trực tiếp rủi ro cũng rất cao nếu như pháp luật không có cơ chế đòi đất thuê kéo dài cho người nông dân, hoặc cơ chế giao đất theo quy trình khi DN nghiệp quá nhiều mưu mẹo còn người nông dân lại quá thật thà”, TS. Nguyễn Minh Phong dẫn chứng.

Để giải quyết bài toán hiện nay theo TS. Nguyễn Minh Phong, rất cần sự hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo sự an tâm, an toàn cho người dân với sở hữu đất của mình. Bài toán này thực sự không dễ kể cả khi giao đất cho người dân 50 năm. Sau 50 năm như thế nào vẫn là bài toán cực kỳ khó giải quyết nên vấn đề pháp lý hiện nay vẫn đang bỏ ngỏ, kể cả về pháp lý lâu dài./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giao-dat-cho-doanh-nghiep-bien-dat-cong-thanh-chum-khe-ngot-972549.vov