Giao dịch chứng khoán phiên chiều 9/2: Bluechip gây sức ép cuối phiên, nhóm thủy sản vẫn nóng

Thị trường chung trải qua thêm một phiên ảm đạm với thanh khoản thấp, trong khi đó, dòng tiền dịch chuyển tìm kiếm cơ hội ở các mã thủy sản, nông nghiệp vừa và nhỏ.

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thị trường phân hóa cao với biên độ dao động các cổ phiếu ở mức thấp, ngoại trừ một số ít cổ phiếu nhóm nông nghiệp, thủy sản, thì sang đến phiên chiều, diễn biến này tiếp tục lặp lại.

Chỉ số VN-Index giằng co quanh tham chiếu với biên độ khoảng 5 điểm, trước khi bất ngờ có nhịp lao dốc khá mạnh ở phiên ATC do một số bluechip bị đẩy mạnh xuống mức thấp hơn với thanh khoản ở mức thấp.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index chuyển sang trạng thái tiêu cực sau khi rơi xuống dưới đường trung bình giá 20 ngày phiên giảm điểm mạnh 7/2, các nỗ lực đưa chỉ số trở lại quỹ đạo tăng 2 phiên sau đó đã không thành công do lực cầu không ủng hộ. Với diễn biến này thì mốc hỗ trợ mới cho chỉ số sẽ nằm ở khoảng 1.035 điểm.

Với diễn biến vận động trong biên độ hẹp suốt 3 tháng vừa qua, VN-Index đã bước vào giai đoạn sideway trung hạn giống như giai đoạn 2019 khi chỉ có các sóng tăng giảm trong chu kỳ ngắn với biên độ khoảng 100 điểm. Giai đoạn này, việc chọn mã đầu tư nên được coi là ưu tiên hơn là chờ một sóng tăng giảm mạnh của index.

Đóng cửa, sàn HOSE có 178 mã tăng và 217 mã giảm, VN-Index giảm 8,19 điểm (-0,76%), xuống 1.064,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 473,8 triệu đơn vị, giá trị gần 9.222 tỷ đồng, giảm gần 17% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 90,57 triệu đơn vị, giá trị 2.448 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có hơn 32,43 triệu cổ phiếu EIB, trị giá gần 813 tỷ đồng và hơn 12,53 triệu cổ phiếu VSC, trị giá 380,1 tỷ đồng.

Phiên này, nhóm VN30 chỉ còn 7 cổ phiếu tăng, trong đó, PLX là điểm tựa phiên sáng với mức tăng 3% thì đóng cửa chỉ còn +1,9% lên 37.900 đồng, các cổ phiếu BVH, BCM, VPB, MBB, GAS, GVR tăng nhẹ từ 0,2% đến 1,4%.

Ở chiều ngược lại, gây sức ép là VJC, khi là cổ phiếu bị ép mạnh nhất ở những phút cuối, giảm 5,6% xuống 101.900 đồng.

Theo sau là VHM -2,8% xuống 45.300 đồng, PDR -2,4% xuống 12.050 đồng, STB -2,2% xuống 24.450 đồng, TCB -2% xuống 27.300 đồng, MSN -1,8% xuống 91.800 đồng, CTG và SAB cùng giảm 1,7%, các cổ phiếu còn lại giảm nhẹ.

Tại nhóm VN30 này, đáng kể giao dịch tại STB, khi khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 37,3 triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại giao dịch rất sôi động khi mua vào hơn 14,76 triệu đơn vị và bán ra hơn 3,44 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu ngành nông nghiệp, thủy sản nổi sóng trong phiên sáng tiếp tục đứng vững, với các mã ANV, CMX, TSC, FIT, ACL, IDI đều đóng cửa ở mức giá trần.

Trong đó, FIT là cổ phiếu ấn tượng nhất khi khớp hơn 6 triệu đơn vị, khối lượng khớp lệnh cao nhất kể từ tháng 4/2022 và còn dư mua giá trần hơn 3,17 triệu đơn vị. Các cổ phiếu còn lại khớp từ 0,4 triệu đến gần 4 triệu đơn vị.

Ở nhóm này, các mã tăng tốt còn có FMC +3,2% lên 37.500 đồng, AAM +3,6% lên 11.600 đồng, GIL +3,9% lên 20.100 đồng, VHC +4% lên 68.000 đồng, ASM +4,2% lên 9.200 đồng.

Hai cổ phiếu riêng lẻ ở nhóm dầu khí có mức tăng vượt trội so với các mã cùng ngành là PSH +3,8% lên 6.300 đồng và PVD tăng trần +6,9% lên 20.850 đồng, khớp hơn 6,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu nguyên vật liệu TTF, NHH tăng kịch trần lên 4.800 đồng và 15.700 đồng, AAA +4,6% lên 8.620 đồng. Tương tự, hai cổ phiếu bất động sản nhỏ là MCG và PTL cũng đóng cửa trong sắc tím tại 2.470 đồng và 4.650 đồng.

Ở chiều ngược lại, AMD là đại diện giảm đáng kể nhất khi -4,5% xuống 1.280 đồng, khớp 0,78 triệu đơn vị, DCL -3,9%, CRE -3,4%...

Sắc đỏ khác xuất hiện tại khá nhiều các cổ phiếu thanh khoản cao, nhưng đa số chỉ mất điểm nhẹ, như KDC, DXS, DLG, CII, DPM, CII, DCM, HNG, SCR, BCG, HCM, VCI, DIG, HAG, LCG…khớp từ 0,83 triệu đến hơn 5,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp đà đi xuống trong phiên chiều và giằng co nhẹ quanh tham chiếu, trước khi có nhịp bật nhẹ lên sắc xanh ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 87 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,14%), lên 210,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,87 triệu đơn vị, giá trị gần 736 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị 7,1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí hoạt động mạnh hơn với PVC +5,9% lên 14.300 đồng, PLC +5,5% lên 27.000 đồng, PVS +3,4% lên 24.400 đồng, PVB +3,3% lên 12.700 đồng, với PVS khớp lệnh cao nhất sàn khi có 8,71 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng tốt đáng kể có TC6 khi leo lên giá trần +9,9% lên 8.900 đồng và TNG +7,2% lên 16.300 đồng.

Sắc đỏ có tại SHS, CEO, MBS, NRC, TIG, BII, MST, nhưng đa số chỉ giảm nhẹ, trong khi NAG, IDJ, MBG, BCC, AMV đứng tham chiếu, khớp từ 0,39 triệu đến hơn 6,1 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index bất ngờ có nhịp tăng khá mạnh ngay ở những đầu phút trong phiên chiều và đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,07%), lên 77,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,2 triệu đơn vị, giá trị 484,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 17,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã hút giao dịch nhất, khi chiếm hơn một nửa khối lượng khớp lệnh toàn thị trường UpCoM với 18,07 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng 3,1% lên 16.600 đồng.

Đáng kể khác còn có DRI khi nới rộng đà đi lên, tăng 10,7% lên 8.300 đồng, khớp 1,07 triệu đơn vị.

Cổ phiếu DFF tiếp tục giảm mạnh, mất 11,9% xuống 14.000 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2302 đáo hạn vào tuần sau giảm 15 điểm, tương đương -1,4% xuống 1.057 điểm, khớp lệnh hơn 371.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, với CSTB2218 phiên này khớp lệnh cao nhất khi có 1,88 triệu đơn vị, giảm 33,3% xuống 30 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-chieu-92-bluechip-gay-suc-ep-cuoi-phien-nhom-thuy-san-van-nong-post314871.html