Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/5: Nhóm bất động sản hút tiền, thị trường bật tăng cuối phiên

Những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trên thị trường bất động sản đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản trên sàn được chú ý.

Sau thời gian dài gặp khó khăn, nhiều dự án bị đứng hình vì vướng mắc pháp lý và thiếu dòng tiền, thị trường bất động sản đã nhúc nhắc trở lại trong thời gian gần đây sau hàng loạt chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản đã được các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ tổ chức, nhiều văn bản chỉ đạo, các tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường cũng liên tiếp được ban hành, cho thấy sự quan tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành với thị trường bất động sản.

Thậm chí, nhiều dự án cụ thể đã được chỉ mặt, đặt tên để đưa ra thảo luận để gỡ vướng, trong đó có những dự án đã được giải quyết và tái khởi động.

Bên cạnh đó, lãi suất đang dần hạ nhiệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, trong đó khối doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất, cùng với đó là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành các thông tư về hoãn, giãn và cơ cấu nợ cho các khách hàng khó khăn, trong đó nhiều khách hàng cũng thuộc khối bất động sản… Chưa kể, gói tín dụng cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng cũng đã sẵn sàng giải ngân, chỉ chờ các địa phương công bố dự án đủ điều kiện…

Những chính sách trên đã bắt đầu phát huy tác dụng khi một doanh nghiệp đã khởi động lại dự án, như Novaland với dự án Dự án The Grand Manhattan tại quận 1 (TP.HCM), Bcons với Dự án Bcons Polaris (Dĩ An, Bình Dương), hay Hưng Thịnh, Thắng Lợi, DKRH và ngay cả Novaland cũng lên kế hoạch triển khai loạt dự án tại TP.HCM, Bình Dương, Long An.

Những chuyển động tích cực trên thị trường địa ốc cũng giúp nhóm cổ phiếu bất động sản được nhà đầu tư chú ý trong những phiên gần đây.

Trong phiên hôm qua (9/5), bất động sản chính là nhóm cổ phiếu có giao dịch tích cực nhất cả về giá và thanh khoản, bên cạnh nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FIT Group, Gelex và một vài mã đơn lẻ khác.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhóm bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư đón sóng phục hồi của thị trường địa ốc, sắc xanh bao phủ nhóm này, nhất là ở các mã có thị giá thấp. Trong đó, QCG, CIG và VPH tăng kịch trần, các mã tăng mạnh trên 3% có TLD, DXG, HDG, CRE, bên cạnh đó cũng có nhiều mã tăng trên 2% như HQC, LGL, SCR, LDG, DXS, DRH, KHG, hay NLV, NLG, HBC, LHG, DIG… cũng đang tăng tốt. Trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay cũng chủ yếu là các mã bất động sản hoặc có liên quan như DXG, HQC, GEX, DIG, SCR,

Trong khi ở chiều ngược lại, các mã giảm chỉ với biên độ hẹp và có thể quay đầu đảo chiều bất kỳ lúc nào với lượng cầu không cần quá lớn.

Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FIT Group cũng tiếp tục duy trì sức nóng với FIT, TSC tăng trần. Còn nhóm Gelex dù không có sắc tím, nhưng cũng có mức tăng tốt với thanh khoản cao ở GEX, VIX, VGC.

Trên bảng điện tử, sắc xanh cũng đang chiếm ưu thế, nhưng do sức ép từ nhóm bluechip như VHM, GAS, VCB, HPG, BID, VJC nên VN-Index không thể bứt lên, mà chỉ lình xình quanh tham chiếu.

Sau đó, BID đảo chiều, VCB, VHM và GAS hãm đà tăng, trong khi nhóm bất động sản còn lại nới rộng đà tăng giúp VN-Index có được sắc xanh khi chốt phiên.

Chốt phiên, VN-Index tăng 3,76 điểm (+0,36%), lên 1.057,53 điểm với 242 mã tăng, vượt trội so với chỉ 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 335,9 triệu đơn vị, giá trị 4.961,8 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 5% về giá trị giao dịch, cho thấy dòng tiền đang hướng tới các mã có thị giá nhỏ và vừa. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28 triệu đơn vị, giá trị 545,4 tỷ đồng, thấp hơn hôm qua.

Trong nhóm bất động sản, trong khi có thêm ITC gia nhập sắc tím, thì DXG cũng có lúc lên kịch trần trước khi đóng cửa dưới ngưỡng này 1 bước giá với thanh khoản đứng đầu thị trường. Cụ thể, DXG tăng 6,3% lên 14.250 đồng, khớp 22,09 triệu đơn vị. Ngoại trừ SHB thuộc nhóm ngân hàng chen chân ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với 14,29 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,1% lên 11.550 đồng (cũng là mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng), các mã còn lại trong Top 5 đều thuộc nhóm bất động sản.

Trong đó, DIG khớp 11,65 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,3% lên 19.300 đồng; HQC tăng 3,4% lên 4.610 đồng, khớp 10,19 triệu đơn vị; SCR tăng 4,7% lên 7.820 đồng, khớp 8,72 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn phải kể đến KHG tăng 3,9% lên 5.620 đồng, khớp 6,01 triệu đơn vị, NVL tăng 3,1% lên 13.400 đồng, khớp 5,94 triệu đơn vị, LDG tăng 4,2% lên 4.430 đồng, khớp 5,03 triệu đơn vị…

Trong nhóm ngân hàng, các mã giảm lúc đầu phiên sáng đa số đã hồi phục tăng hoặc về tham chiếu, chỉ còn VCB và TCB giảm nhẹ, không đáng kể.

Ngoài nhóm bất động sản, nhóm chứng khoán cũng khá hút tiền với VIX và VND, SSI trong top 10 mã vốn hóa lớn. Trong đó, VIX tăng 3% lên 9.690 đồng, khớp 8,13 triệu đơn vị, VND tăng 1,7% lên 15.300 đồng, khớp 8,08 triệu đơn vị, SSI tăng 0,9% lên 22.450 đồng, khớp 7,19 triệu đơn vị.

Về hệ sinh thái, nhóm GEX ngoại VIX tăng tốt và thanh khoản cao còn có GEX tăng 1,8% lên 14.150 đồng, khớp 7,51 triệu đơn vị, VGC tăng 3,3% lên 36.200 đồng, khớp 1,44 triệu đơn vị.

Trong khi 2 mã của nhóm FIT là FIT và TSC vẫn giữ vững sắc tím, còn DCL ở tham chiếu.

Ngoài ra, cũng có một số mã đơn lẻ khác tăng trần sáng như như YEG, DLG, SAM, TGG, SMA, QBS, PTC…

Nhóm chứng khoán ngoài VIX, VND và SSI còn có nhiều mã khác tăng, trong đó TVB tăng trần lên 4.690 đồng. Nhóm này không có mã nào giảm sáng nay, chỉ có duy nhất TVS đứng giá tham chiếu.

Nhóm thép cũng chỉ có 1 sắc đỏ ở DTL, nhưng HPG và NKG đứng giá, HSG chỉ tăng nhẹ.

Sàn HNX lại có giao dịch tích cực hơn khi chỉ số chính của sàn này này chỉ giao dịch trong sắc xanh suốt phiên sáng, đóng cửa với mức tăng mạnh hơn VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,87%), lên 213,8 điểm với 95 mã tăng và 41 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,9 triệu đơn vị, giá trị 827,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,6 triệu đơn vị, giá trị 64,4 tỷ đồng.

Sáng nay sàn HNX cũng có nhiều mã có sóng như DDG, DL1, TIG, TVC khi các mã này tăng kịch trần giống như những người anh em DLG hay TVB trên HOSE. Trong đó, đáng chú ý là DDG khi nhận được lực cầu bắt đáy khủng sau 19 phiên giảm sàn liên tiếp, mất 86% giá trị. Lực cầu bắt đáy đã đẩy DDG lên mức kịch trần 6.600 đồng sáng nay, khớp 6,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 6,35 triệu đơn vị.

Các mã tăng trần còn lại cũng có thanh khoản khá tốt với DL1 khớp 2,53 triệu đơn vị, TIG khớp 2,04 triệu đơn vị, TVC khớp 1,17 triệu đơn vị và đều còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, SHS và CEO là 2 mã có thanh khoản tốt nhất với 14,72 triệu đơn vị và 6,57 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,8% lên 11.100 đồng và 4,5% lên 25.700 đồng.

Một mã chứng khoán khác là MBS cũng tăng 1,1% lên 17.800 đồng, khớp 2,06 triệu đơn vị.

UPCoM giao động khá giống VN-Index khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu nửa đầu phiên, sau đó bứt lên vào cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,43%), lên 78,67 điểm với 129 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,8 triệu đơn vị, giá trị 191,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 14 tỷ đồng.

Sáng nay có 4 mã khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó VHG dẫn đầu với 4,55 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,3% lên 2.600 đồng, có lúc chạm trần 2.700 đồng. Tiếp đến là SBS khớp 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6% lên 7.100 đồng, trong khi BSR lại giảm 0,6% xuống 16.400 đồng, khớp 1,59 triệu đơn vị và C4G tăng 1,7% lên 12.300 đồng, khớp 1,21 triệu đơn vị.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-sang-105-nhom-bat-dong-san-hut-tien-thi-truong-bat-tang-cuoi-phien-post321090.html