Giao dịch không tiền mặt: Tương lai thanh toán trên toàn cầu

Hầu hết các giao dịch ở Australia đều đang được thực hiện thông qua các hình thức thanh toán điện tử như: thanh toán không tiếp xúc, chuyển khoản ngân hàng, ghi nợ trực tiếp hoặc thấu chi tín dụng.

Tổng giá trị thanh toán bằng tiền mặt ở Australia chỉ chiếm 6% tổng giá trị giao dịch tại các điểm bán hàng vào năm 2022. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Tổng giá trị thanh toán bằng tiền mặt ở Australia chỉ chiếm 6% tổng giá trị giao dịch tại các điểm bán hàng vào năm 2022. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Trong bối cảnh tiền mặt trở nên ít phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày, câu hỏi đặt ra là liệu người Australia có nên giữ tiền mặt hay chuyển sang thanh toán hoàn toàn bằng các hình thức thanh toán điện tử hay không.

*Tình hình ở Australia

Theo công ty công nghệ tài chính FIS toàn cầu, tổng giá trị thanh toán bằng tiền mặt ở Australia chỉ chiếm 6% tổng giá trị giao dịch tại các điểm bán hàng vào năm 2022.

Ông Richard Holden, Giáo sư kinh tế tại Đại học New South Wales (UNSW), cho biết con số trên có thể tiếp tục giảm. Ông cho rằng thanh toán “một chạm” bằng thẻ hoặc qua điện thoại di động thường nhanh hơn. Vì vậy hình thức thanh toán này cũng trở nên thuận tiện hơn.

Giáo sư Holden cũng cho rằng việc đi rút tiền mặt trở nên bất tiện hơn khi hiện nay các ngân hàng đang dần ngừng hoạt động đối với các ATM theo “đúng nghĩa đen”. Ông cho rằng vấn đề mấu chốt nữa chính là sự xuất hiện của Nền tảng thanh toán mới (NPP) do Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng trung ương) phát triển vào năm 2018, được gọi là Osko hoặc PayID. Nền tảng thanh toán mới này cho phép chuyển tiền đến tài khoản người nhận gần như ngay lập tức vào bất kỳ thời điểm nào.

*Lý do nhiều quốc gia hạn chế tiền mặt

Thụy Điển là quốc gia gần như không dùng tiền mặt. Các nhà nghiên cứu trước đây từng dự đoán rằng đến thời điểm tháng 3/2023, việc chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt không còn mang lại lợi ích cho những thương gia tại quốc gia này.

Giáo sư Holden cho biết tiền mặt chiếm khoảng 2% giá trị giao dịch ở Thụy Điển vì hầu hết người dân nước này hiện đang sử dụng ứng dụng chuyển tiền Swish. Theo ông Holden, giá trị giao dịch bằng tiền mặt ở Thụy Điển đã thay đổi khá rõ rệt, từ tỷ lệ dưới 40% vào năm 2010 xuống còn 8% vào năm 2020.

Ông cho rằng tồn tại một số lý do khiến các quốc gia muốn loại bỏ sử dụng tiền mặt. Xét từ góc độ kinh doanh, việc loại bỏ tiền mặt giúp giảm thiểu rủi ro trộm cắp và phải giữ tiền, qua đó có thể giúp hạn chế chi phí bảo hiểm kinh doanh cũng như giảm bớt khối lượng công việc. Giáo sư Holden cho rằng: “Nếu sử dụng tiền mặt, các nhân viên phải đếm, đóng gói và mang đi cất giữ ở nơi an toàn, và điều này làm tốn thời gian, phát sinh phiền phức và không an toàn. Việc loại bỏ tiền mặt đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp”.

Giáo sư Holden cho biết việc chuyển tất cả các hoạt động thanh toán sang nền tảng kỹ thuật số còn giúp ghi lại các hoạt động giao dịch. Nhắc đến trường hợp của Thụy Điển, ông cho rằng khó có thể nói chính xác động cơ của Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank), song không có gì đáng ngạc nhiên khi một trong những lý do thúc đẩy nỗ lực hạn chế thanh toán bằng tiền mặt là nhằm kiểm soát “hoạt động kinh tế ngầm”.

Theo Cơ quan Thuế Australia (ATO), việc sử dụng tiền mặt nhằm cố tình che giấu thu nhập để trốn thuế hoặc né đóng quỹ lương hưu cho người lao động được gọi là “hoạt động kinh tế ngầm” hay “nền kinh tế tiền mặt”.

Mặc dù có vẻ như hình thức thanh toán điện tử sẽ hoàn toàn thay thế thanh toán bằng tiền mặt ở Thụy Điển, song ngân hàng trung ương nước này có thể đang tạm ngừng thúc đẩy ý tưởng loại bỏ tiền mặt hoàn toàn.

*Tương lai thanh toán tại Trung Quốc

Theo Giáo sư Holden, mặc dù mức độ phụ thuộc vào tiền mặt của Trung Quốc trong năm 2022 là 8% trong tất cả các giao dịch tại các điểm bán hàng, cao hơn một chút so với Australia, nhưng Trung Quốc có thể chuyển sang thanh toán bằng các hình thức thanh toán điện tử sớm hơn Australia.

Ông cho rằng: “Trung Quốc về cơ bản đang hướng tới thanh toán bằng các hình thức thanh toán điện tử. Vì vậy có thể sẽ không còn xuất hiện đồng tiền vật lý ở Trung Quốc trong vài năm nữa”.

Theo các nhà nghiên cứu, việc hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và mức độ sử dụng Internet ngày càng cao đã góp phần thúc đẩy sử dụng các hình thức thanh toán di động ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số, trong đó ngân hàng trung ương nước này đã bắt đầu triển khai sử dụng đồng NDT kỹ thuật số (e-CNY).

Giáo sư Holden cho biết việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số ở Trung Quốc đã làm dấy lên những “lo ngại chính đáng" về việc chính phủ nước này có thể biết người dân đang tiêu tiền vào những gì.

Tuy nhiên, ông cho rằng bối cảnh ở Trung Quốc hoàn toàn khác so với ở Australia. Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào giám sát kỹ thuật số. Ông Holden cho rằng mối quan tâm này quan trọng hơn rất nhiều đối với một quốc gia như Trung Quốc so với các quốc gia như Australia hoặc Mỹ.

*Gạt bỏ lo ngại

Theo Giáo sư Holden, mặc dù những người phản đối tiến trình chuyển đổi sang không dùng tiền mặt thường cho rằng những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội sẽ bị thiệt thòi, ông tin rằng một khi hệ thống thanh toán được thiết lập đầy đủ, một xã hội không tiền mặt sẽ không gây bất lợi cho bất kỳ ai.

Giáo sư Holden cho rằng: "Ở Mỹ, nơi có rất nhiều người có địa vị xã hội thấp không có tài khoản ngân hàng và điều này thực sự sẽ là một mối lo ngại. Nhưng thực tế là ở Australia gần như không có ai là không sử dụng dịch vụ ngân hàng, nên mức độ ảnh hưởng tại Australia không thực sự là một vấn đề”.

Ông Holden thừa nhận rằng nhóm người cần được quan tâm khi Australia loại bỏ sử dụng tiền mặt là những người cao tuổi không thông thạo về công nghệ. Theo ông, những người cao tuổi ở nước này có thể không quen sử dụng công nghệ và ít được trang bị công nghệ, nhưng vẫn cần giao dịch, đó là một khía cạnh quan trọng cần được quan tâm.

Giáo sư Holden cho biết, chỉ riêng việc chuyển đổi sang thanh toán bằng các nền tảng kỹ thuật số có thể giúp Chính phủ Australia gia tăng nguồn thu thuế rất lớn.

Ông cho rằng: “Cho dù những người giao dịch là những nhân viên giữ trẻ, bảo mẫu, thợ sửa xe, thậm chí cả những người mua xe ô tô và những mặt hàng tương tự, thì hình thức giao dịch tiền mặt không được ghi nhận vào sổ sách sẽ dẫn đến thất thu thuế. Mức thất thu này ước tính khoảng từ 6-8 tỷ AUD (3,9-5,3 tỷ USD)”.

Giáo sư Holden đề xuất quá trình chuyển đổi sang thanh toán điện tử ở Austraia có thể diễn ra theo từng giai đoạn, trong đó các tờ tiền giấy có mệnh giá lớn có thể bị loại bỏ trước tiên, sau đó đến các tờ tiền khác, trong khoảng thời gian 3 năm. Ông cho rằng nếu không quyết tâm cải cách nhằm loại bỏ thanh toán bằng tiền mặt trong những năm tới, phải đến năm 2023, Australia mới có thể sẽ đạt được mức độ sử dụng tiền mặt tương đương với Thụy Điển hiện nay./.

Lê Đạt (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giao-dich-khong-tien-mat-tuong-lai-thanh-toan-tren-toan-cau/292335.html