Giao dịch lan đột biến: Không hóa đơn khó thu thuế

Chuyên gia kinh tế nhận định rằng, với giao dịch lan đột biến có giá trị lớn khó thu thuế nếu không có hóa đơn.

Thời gian gần đây các giao dịch lan đột biến có giá trị hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ khiến nhiều người xôn xao.

Ngày 12/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam. Tiếp đó, ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến lại xôn xao trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê.

Với thương vụ giao dịch lan đột biến Ngọc Sơn Cước, chủ vườn khẳng định việc giao dịch không phải là ảo, bán là bán giá trị tương lai của loài hoa.

Theo đó việc thanh toán được thực hiện sau một năm, khi chủ vườn giao đủ số lượng 5.000 cây giống thì bên mua sẽ thanh toán số tiền như đã thỏa thuận là 250 tỷ đồng.

Trước sự việc này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: "Những giao dịch trong tương lai chính là giao dịch phái sinh. Trong giao dịch này, xác định được giá trị ở thời điểm này và giao hàng ở thời điểm khác.

Cũng giống trong nông nghiệp, để ổn định giá lúa, người nông dân đã ký hợp đồng giao dịch hàng hóa trước đó bởi đề phòng trường hợp trong lúc sản xuất bị ép giá, bán lúa non. Trong giao dịch này cũng đã có quy chế rõ ràng và có quy định rồi.

Theo đó khi hai bên có giao dịch thật, có hóa đơn chứng từ thì đơn vị đó không thể trốn được thuế. Việc tính thuế dựa trên giao dịch tính thuế phát sinh, có doanh thu. Khi nào xác minh có giao dịch thì cơ quan thuế sẽ đến kiểm tra xem việc bán có hóa đơn chứng từ hay không hay chỉ giao tay. Nếu giao tay cho nhau thì cũng khó xác định để thu thuế".

Một giao dịch lan đột biến được tung lên mạng xã hội.

Một giao dịch lan đột biến được tung lên mạng xã hội.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ, nếu thu thuế trước thì pháp lý không cho phép. Nếu làm vậy là cưỡng chế và sai luật quy định. Muốn làm gì cũng phải có chứng cứ rõ ràng, chứng cứ để thu thuế chính là hóa đơn chứng từ giữa hai bên.

Trước những cuộc giao dịch lan tiền tỷ trên mạng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cảnh báo mọi người không nên tin và chạy theo, thực chất không có sản phẩm nào giá trị lớn đến thế.

Việc các nhóm người công khai các vụ giao dịch lan đột biến giá trị lớn chỉ là kiểu làm màu, đẩy giá. Còn chuyện thu thuế của những giao dịch này ngoài chuyện phải có hóa đơn chứng từ thì phải xác định đúng thời gian giao dịch của họ, nếu không sẽ không làm được gì.

Trước các hiện tượng này, trao đổi với báo chí, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, các thương vụ bán lan đột biến với giá trị vài tỷ đồng cho tới vài chục tỷ đồng thời gian vừa qua được nhắc tới trên mạng nhưng ngành thuế chưa xác định được dòng tiền chính thức ai phải trả.

Việc kinh doanh cây cảnh, bán cây cảnh nói chung (không chỉ có lan đột biến) hiện đang quản lý thu thuế bình thường như các loại hình kinh doanh khác. Bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, giám sát xem doanh nghiệp hay cá nhân có giao dịch thật không, nếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thì phải kê khai thuế.

Các thương vụ bán theo hình thức thương mại sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Còn với trường hợp người trồng lan đột biến đứng ra bán như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tự tay trồng “do mình làm ra” sẽ không chịu bất kỳ loại thuế nào cho dù là giá cao đến đâu. Cá nhân nếu bán tài sản nào đó của mình (trừ bất động sản) sẽ không phải chịu thuế.

Thu Thanh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/giao-dich-lan-dot-bien-khong-hoa-don-kho-thu-thue-3429583/