Giáo dục cần quyền lực hay quyền năng?

Một cô giáo dạy hóa, nhưng 20 năm làm thầy lại là các tình huống thao thức với một nữ sinh lớp 11 bỏ nhà chung sống với người yêu cùng lớp; hay nửa đêm bị dựng dậy vì một nam sinh tuấn tú thình lình đòi giết cha ruột khi chứng kiến người cha rượu chè bạo hành với mẹ mình... Nhà báo Lê Minh Đức kể câu chuyện của vợ mình với lời bình: 'Bất chấp bộ trưởng giáo dục là ai, hệ thống giáo dục như thế nào, nhà giáo vẫn thực hiện công việc thuộc về thiên chức ấy'.

Thiên chức ấy tồn tại ngàn đời nay, được các nghiệp đoàn giáo dục các nước đúc kết trong Hiến chương quốc tế nhà giáo: “Các nhà giáo thực hiện một chức trách quan trọng trong xã hội, vì giáo dục trẻ em là một vấn đề cốt tử, không chỉ cần cho sự phát triển cá nhân, mà còn cho sự tiến bộ của toàn xã hội”.

Nghề dạy học đặt cho người thầy những trách nhiệm, và những trách nhiệm này đòi hỏi những quyền tương ứng. Các nhà giáo cần có quyền thực hiện một cách tự do toàn bộ những quyền dân sự và nghề nghiệp. Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập.

Ảnh mang tính minh họa.Nguồn: Internet

Việt Nam chủ động tham gia xây dụng Hiến chương từ 1957 và vào 1982 chọn ngày 20.11 ra đời Hiến chương làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhiều năm nay, ngày này đã được xã hội tổ chức như một lễ tết trong đời sống văn hóa, được dân gian gọi giản dị là Tết thầy cô. Thầy cô giáo thì hay tự ví công việc của mình là đưa đò. Nhưng chuyến đò làm người trong thiết kế của nền giáo dục hiện thời đang thiếu vắng vai trò xứng đáng của thầy cô giáo. Nói chính xác hơn, chúng ta đang sa đà vào xoay trở với những thứ quyền lực có tính chất hành chính, với ngân sách, với cơ chế, với thi đua, với pháp lệnh, mệnh lệnh...

Thiết chế giáo dục của chúng ta xoay vần người thầy trong chỉ tiêu, trong thi đua, trong tuân thủ. Nền giáo dục của chúng ta vật vã với công việc quản lý mà quên đi câu hỏi chính cái gì làm nên điều kỳ diệu của giáo dục? Thiên chức người thầy, đó chính là thứ quyền năng lớn gấp vạn lần thứ quyền lực mà chúng ta đã trao nhầm cho giáo dục. Hãy trả quyền năng giáo dục cho người thầy. Quyền năng ấy phải được bảo đảm bằng chính những cam kết mà Việt Nam tham gia xác lập trong Hiến chương quốc tế các nhà giáo: “Liên quan đến chương trình học và thực hành giáo dục, sự tự do sư phạm và tự do chuyên môn của nhà giáo phải được tôn trọng, các sáng kiến cần được khuyến khích, đặc biệt trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và sách giáo khoa, cũng như trong việc nghiên cứu các vấn đề sư phạm và chuyên môn, thông qua đại diện nhà giáo. Nhà trường cần đóng góp vào sự phát triển nhân cách. Một nguyên tắc nhân đạo, phù hợp với lòng tự trọng của cả học sinh và nhà giáo, là phải loại trừ áp bức và bạo lực”.

Triết lý nào, dù được diễn đạt bằng cách này hay cách khác, thì tất cả mọi chính sách phát triển, trong đó có giáo dục, đều phải vì mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của con người.

Cho dù chính sách và pháp luật của Việt Nam luôn khẳng định hướng đến những mục tiêu giáo dục như đã đề cập, nhưng vì sao đến giờ, các thảo luận chính sách vẫn trong vòng luẩn quẩn đi tìm triết lý giáo dục?

Triết lý nào, dù được diễn đạt bằng cách này hay cách khác, thì tất cả mọi chính sách phát triển, trong đó có giáo dục, đều phải vì mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của con người. Hạnh phúc đó, không chỉ là giàu có về vật chất, mà có cả đời sống tinh thần phong phú, biểu hiện rõ ràng nhất là sự tự do của con người. Để có được tự do, mỗi người phải hiểu biết đầy đủ, từ đó có đủ năng lực ưu tư về chính mình, về xã hội và lựa chọn một thái độ sống đúng đắn trong khuôn khổ pháp luật. Tự do tính ở con người là cái căn bản để hình thành nên lòng tự trọng, tính tự lập, để xác lập nhiệm vụ, vai trò của mình trong cộng đồng.

Luật Giáo dục sửa đổi lần này, cũng hướng đến việc cải cách giáo dục trong bối cảnh nhận thức xã hội có tính đồng thuận cao, là đòi hỏi một không gian chính sách lấy con người làm trung tâm, hướng đến một môi trường học thuật tự do, trả lại quyền năng người thầy, có như thế, giáo dục mới đảm nhận đầy đủ chức năng đào tạo con người trong xã hội nhiều thay đổi và hội nhập thế giới.

Tân Dân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giao-duc-can-quyen-luc-hay-quyen-nang-16297.html