Giáo dục chính trị tại đơn vị trong BĐBP: Cấp ủy, cán bộ chính trị cần chủ động, sáng tạo

Thực hiện Chỉ thị số 124-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Đảng ủy BĐBP đã ra Nghị quyết số 119-NQ/ĐU ngày 16-8-2011 về nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong BĐBP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Phó Chính ủy BĐBP về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Phó Chính ủy BĐBP

- P.V: Thưa Thiếu tướng, trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục chính trị có ý nghĩa như thế nào trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với BĐBP?

- Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình: Tình hình thế giới, khu vực thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, mau lẹ. Khủng hoảng tài chính dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, nhất là tầng lớp lao động nghèo trong xã hội; các cuộc “cách mạng màu” ở Bắc Phi, Trung Đông mang tính hiệu ứng “đô-mi-nô”; tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp; đặc biệt, các tranh chấp, xâm phạm chủ quyền và lợi ích từ biển của các bên trong khu vực đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển, đảo nước ta đã và đang trở thành vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ khu vực và quốc tế...

Những vấn đề đó đang được các thế lực thù địch lợi dụng cùng các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ... để thực hiện “diễn biến hòa bình” thông qua chiêu thức “tự chuyển hóa” để dẫn đến “tự diễn biến”... tác động sâu sắc vào tổ chức Đảng, Quân đội, Công an nhằm kích động, phân hóa, lôi kéo, hình thành lực lượng đối lập, gây mất ổn định xã hội tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ XHCN ở nước ta.

Tình hình đó đặt cho công tác quân sự - quốc phòng nói chung, công tác Biên phòng nói riêng, những yêu cầu, nội dung toàn diện và nặng nề hơn, trong khi quân số biên chế, phương tiện, trang bị của BĐBP còn nhiều bất cập. Vì vậy, vấn đề xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, trước hết là nhận thức chính trị có ý nghĩa cơ sở nền tảng cho phát huy sức mạnh tổng hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thực hiện Chỉ thị 124 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Đảng ủy BĐBP đã ra Nghị quyết số 119-NQ/ĐU về nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong BĐBP. Mục đích là nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng có nhận thức sâu sắc vai trò, yêu cầu, nội dung công tác chính trị tư tưởng của Đảng, Quân đội nói chung, công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong tình hình mới nói riêng.

Qua đó, tạo bước phát triển mới về bản lĩnh chính trị của bộ đội; làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP có tư tưởng, lập trường vững vàng, có đủ năng lực chính trị trong nhận thức, phân tích đánh giá tình hình; phân biệt được phải, trái, đúng, sai trước những thông tin tiếp nhận hàng ngày, nhất là trong môi trường thông tin đa dạng, đa chiều hết sức phức tạp hiện nay. Trên cơ sở đó, luôn kiên định, vững vàng trong mọi tình huống, xác định tốt trách nhiệm, động viên sức mạnh tổng hợp của tổ chức, cá nhân trong đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời làm tốt vai trò cán bộ chính trị tư tưởng của Đảng, của Quân đội trên địa bàn biên giới...

- P.V: Trong triển khai thực hiện Nghị quyết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị ở các đơn vị BĐBP cần chú ý những vấn đề gì, thưa Thiếu tướng?

- Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình: Trong Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết của Đảng ủy BĐBP có nêu rất rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện ở cấp mình, ở cơ quan đơn vị mình. Việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò, yêu cầu, nội dung và xác định rõ trách nhiệm các cấp, các tổ chức và cá nhân trong tiến hành công tác giáo dục chính trị ở đơn vị là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, phải khắc phục bằng được hiện tượng “khoán trắng” công tác giáo dục chính trị cho cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Do vậy, để triển khai hiệu quả nghị quyết, theo tôi, có mấy vấn đề cần chú ý như sau:

Một là: Đích của giáo dục chính trị không phải chỉ là những lý luận giáo điều, chung chung. Điều cốt lõi là mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong đơn vị có nắm chắc tình hình, xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của đơn vị, cá nhân hay không; có thống nhất ý chí và hành động và chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống hay không. Do đó, tùy theo chủ đề của từng nội dung giáo dục chính trị, những cán bộ chỉ huy của đơn vị (người chỉ huy, chính trị viên và các cấp phó) chính là những báo cáo viên phù hợp hơn cả. Họ không thể “đứng” ngoài cuộc, mà phải tham gia cùng cấp ủy, chính trị viên trong việc giáo dục chính trị. Ví dụ, nội dung giáo dục về tình hình nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ Biên phòng thì không ai trong đơn vị có điều kiện nắm chắc, nắm sâu hơn đồng chí đồn trưởng; và cũng nhờ phải nghiên cứu tình hình thế giới, khu vực khi lên lớp chính trị, người cán bộ có dịp củng cố lý luận, tổng hợp và khái quát tình hình một cách sâu sắc và toàn diện hơn.

Hai là: Giáo dục chính trị mà chỉ truyền đạt những đề cương nội dung có trong chương trình giáo dục chính trị hàng năm mà không gắn, không liên hệ với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, chức trách của từng chức danh, là biểu hiện lệch lạc và là một trong nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo dục chính trị thấp, thiếu phong phú, kém hấp dẫn và không thiết thực vì không gắn sát với tình hình nhiệm vụ chính trị, của đơn vị. Do đó, trong chuẩn bị nội dung và quá trình tổ chức giáo dục chính trị phải từ những vấn đề lý luận, từ tình hình chung để liên hệ, lý giải những sự việc, hiện tượng diễn ra ở địa phương, đơn vị; chỉ ra những yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết những vấn đề cụ thể của cấp mình, đơn vị mình.

Ba là: Trong giáo dục chính trị phải sử dụng và khai thác phát huy thế mạnh của các hình thức, trang bị, phương tiện CTĐ, CTCT trong đơn vị; kết hợp sinh động giữa nội dung lên lớp với các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần; giữa thông tin chính trị, thời sự với sinh hoạt đối thoại dân chủ; giữa hoạt động sách báo với sử dụng các phương tiện nghe nhìn...

- P.V: Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, theo Thiếu tướng, cấp ủy và người cán bộ chính trị cần phải chủ động sáng tạo ở những điểm nào?

- Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình: Do đặc điểm BĐBP hoạt động phân tán, nhiệm vụ phức tạp, cán bộ, chiến sĩ gần như 24/24h bám địa bàn, vị trí tác nghiệp, nên để tổ chức học tập trung là rất hạn chế, trong khi theo quy định là việc học tập phải đảm bảo 100% quân số. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy và người cán bộ chính trị phải xử lý nội dung chương trình rất linh hoạt; sáng tạo các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục phù hợp.

Đồng thời, thông qua các buổi sinh hoạt của chi bộ, tổ, đội công tác để lồng ghép nội dung giáo dục chính trị; hoặc thông qua quá trình phổ biến tình hình, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cho các tập thể, bộ phận và cá nhân... Muốn vậy, nội dung chương trình giáo dục chính trị hàng năm phải được quán triệt trong nội dung lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, trong chương trình kế hoạch công tác năm và tất nhiên, đội ngũ cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, phải nắm vững và chủ động tham gia quá trình tổ chức giáo dục chính trị tại đơn vị.

Bên cạnh đó, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị phải thật sự phát huy vai trò nòng cốt chủ trì trong công tác giáo dục chính trị; phải rất chủ động và sáng tạo trong xây dựng phương thức giáo dục chính trị nói riêng, các hoạt động CTĐ, CTCT nói chung cho sát hợp với tính chất đặc điểm của từng cấp, từng đơn vị trong BĐBP để mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia một cách tích cực, chủ động với tư cách vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của quá trình giáo dục chính trị tại đơn vị.

Hương Mai (Thực hiện)

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/349/349/12762/Giao-duc-chinh-tri-tai-don-vi-trong-BDBP-Cap-uy-can-bo-chinh-tri-can-chu-dong-sang-tao/bbp.aspx